25/03/2020 12:08 GMT+7

Quyết liệt ngăn lây nhiễm cộng đồng

N.AN - MAI HƯƠNG - LÊ PHAN
N.AN - MAI HƯƠNG - LÊ PHAN

TTO -Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm từ cộng đồng như đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người.

Quyết liệt ngăn lây nhiễm cộng đồng - Ảnh 1.

Một số khách sạn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM được dùng cho người đến ở cách ly - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Thủ tướng vừa giao Bộ Công an và địa phương đến từng nhà để rà soát trường hợp nhập cảnh từ ngày 8-3, phát hiện trường hợp nghi nhiễm, hoàn thành trước 12h ngày 25-3.

Không tiếp tế hàng cho khu cách ly

Không tiếp nhận hỗ trợ cho các khu cách ly mà khuyến khích nguồn lực ủng hộ tập trung một đầu mối là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một trong những nội dung nêu ra tại thông báo 122/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 23-3-2020.

Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn và khuyến khích các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch thông qua đầu mối là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Vì vậy, với các khu cách ly tập trung sẽ không nhận hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung.

TP.HCM cứng rắn trong chống dịch

Chiều tối 24-3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp trực tuyến bàn về tình hình chống dịch và một số giải pháp cấp bách trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh đã đề xuất lãnh đạo TP xem xét chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong giai đoạn quyết định sự thành bại của việc chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Cụ thể trong hai tuần tới, Sở Y tế đề nghị người dân trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế ra ngoài tiếp cận với nhiều người để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. 

Người dân nếu không có việc tối cần thiết thì không ra ngoài, trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách giữa người với người từ 2m trở lên; không tụ tập trên đường phố.

"Đặc biệt chúng tôi đề xuất ngừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt. Đối với phương tiện taxi thì tài xế và hành khách phải mang khẩu trang, tài xế phải khử trùng xe thường xuyên. 

Các cửa hàng phải hạn chế mở cửa trừ các cửa hàng nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc men, xăng dầu. Các quán ăn không được mở máy lạnh" - ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.

Xét nghiệm tất cả người từ nước ngoài về từ hôm 8-3

Ông Bỉnh cho biết thêm, UBND phường xã cần thành lập tổ công tác rà soát, xét nghiệm tất cả người về từ nước ngoài từ ngày 8-3 trở lại đây chưa được xét nghiệm y tế. 

Hai TP lớn là TP.HCM và Hà Nội phải có sự phối hợp trong công tác chống dịch để có sự hiệu quả, liền mạch thông tin.

Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ về vấn đề tiếp tế cho người cách ly, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết người vào cách ly sẽ có khâu khai báo y tế. 

Đối với các trường hợp có sức khỏe đặc biệt hoặc có các bệnh cần chế độ dinh dưỡng riêng, các khu cách ly sẽ bố trí nhận thuốc, thực phẩm do người nhà đưa vào mỗi ngày. 

Còn đối với các trường hợp khác TP đã yêu cầu không nhận tiếp tế bất cứ thứ gì trừ nhu yếu phẩm và đồ dùng cần thiết cho phụ nữ.

Quyết liệt ngăn lây nhiễm cộng đồng - Ảnh 2.

Chiều 24-3, bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị COVID-19, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cả nước bước vào cuộc chiến virus

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi trong 2 tuần tới đây, người dân TP.HCM hãy "sống khác": tiết kiệm, ít đi lại, dốc sức giúp cả nước không vượt ngưỡng 1.000 ca bệnh. Đây là một thách thức cực kỳ lớn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Đề cập về bài học hạn chế đi lại rút ra từ các nước đã chống dịch khá thành công, ông Nhân tha thiết mong muốn trong 2 tuần tới người dân TP hãy nghiêm túc thực hiện để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cả nước đang bước vào một cuộc chiến tranh: đó là chiến tranh virus. Do vậy, mọi người dân phải ứng xử như trong chiến tranh, dù không có tiếng súng.

Việt Nam thêm 11 ca bệnh COVID-19

Tối 24-3, Bộ Y tế vừa công bố Việt Nam ghi nhận thêm 11 ca COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 134 ca. Hiện có 3 bệnh nhân nặng, 7 người biến chuyển nặng tại Việt Nam.

Chiều 24-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có chuyến công tác đột xuất thăm các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong đó có những nhân viên y tế.

Hiện bệnh viện này đang điều trị 46 bệnh nhân, có 3 trong số này gồm 2 người Việt Nam và 1 người Anh đang trong tình trạng bệnh nặng, 1 người đã được sử dụng thiết bị tim phổi ngoài cơ thể (ECMO) từ 5 ngày nay, cả ba đều phải sử dụng máy thở. Trong số 7 người đang có diễn biến nặng, có 2 người cần hỗ trợ thở oxy.

Theo ông Sơn, các bệnh nhân COVID-19 có thể gặp khó khăn ở tuần thứ 2 tính từ khi mắc bệnh, tức là từ ngày thứ 7-10.

Điều may mắn là đến ngày 24-3, 2 trong số 3 bệnh nhân nặng nhất đã có những bước ổn định nhất định, có thể giảm được thở máy, đã tạm dừng lọc máu, mức độ nguy hiểm đến tính mạng đã giảm bớt.

Với 46 bệnh nhân đang điều trị, số ca nặng và đang có diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là 10 ca, tương đương với tỉ lệ thường gặp trên thế giới là khoảng 15% bệnh nhân COVID-19 biểu hiện bệnh nặng, 5% là rất nặng.

Việc phòng bệnh tích cực để giảm lây lan sẽ giúp giảm áp lực lên các cơ sở y tế, bởi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang là tuyến đầu điều trị cho các bệnh nhân nặng, các bác sĩ sẽ quá tải nếu có thêm nhiều bệnh nhân.

Thứ trưởng Sơn đã yêu cầu cung cấp tối đa trang thiết bị y tế theo nhu cầu của bệnh viện, ngày 24-3 đoàn Thứ trưởng Sơn đã chuyển 5 tỉ đồng tài trợ đến cho bệnh viện mua sắm thiết bị, đồng thời yêu cầu bệnh viện thành lập các nhóm để luân phiên tham gia điều trị cho bệnh nhân nặng, nếu không, bác sĩ cũng sẽ quá mệt mỏi và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

KHUÊ ANH

'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

TTO - Các cấp chính quyền sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà", xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh, những người tiếp xúc gần, có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp, hoàn thành trước 12h ngày 25-3.

N.AN - MAI HƯƠNG - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên