06/04/2019 18:25 GMT+7

Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm

MAI VINH
MAI VINH

TTO - UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt vẫn giữ quan điểm sẽ triển khai đồ án quy hoạch 'Khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt' mà UBND tỉnh Lâm Đồng công bố vào giữa tháng 3-2019.

Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm - Ảnh 1.

Khu vực trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt nếu thực hiện theo quy hoạch vừa công bố thì chỉ còn lại chợ Đà Lạt là công trình di sản - Ảnh: M.VINH

Quan điểm trên được thể hiện tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức ngày 5-4.

Ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trao đổi tại cuộc họp: "Tất cả những du khách đến khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt đều nhìn nhận khu Hòa Bình quá nhếch nhác, lộn xộn.

Trên tinh thần sắp xếp lại, chúng tôi quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình". Trả lời về việc khối tích các công trình quá lớn sẽ khiến bêtông hóa khu vực trung tâm Đà Lạt, ông Trung nói: "Sau khi quy hoạch, chúng tôi tính toán tổng diện tích tháo dỡ 14.000m2, nhưng diện tích xây dựng lại chỉ chiếm 7.000m2. Như vậy, diện tích công trình mới xây dựng ít hơn".

Phóng viên Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: "Người dân lo chủ đầu tư sẽ tập trung triển khai các công trình thương mại tại rạp hát Hòa Bình và khu dinh tỉnh trưởng là hai khu đất công được xem là "đất kim cương" mà bỏ qua việc quan trọng nhất của quy hoạch lần này là chỉnh trang đô thị. Nhiều ý kiến thắc mắc chủ đầu tư sẽ xây trung tâm thương mại trước hay giải tỏa chỉnh trang khu Hòa Bình trước?".

Ông Trung trả lời: "Không cần xác định xây công trình trước hay giải tỏa, chỉnh trang trước. Chúng tôi sẽ mời nhà đầu tư vào theo từng dự án, từng gói thầu. Tính toán làm sao có lợi cho tỉnh, có lợi cho nhà đầu tư".

Đa số người dân phản đối đồ án quy hoạch khu Hòa Bình, trong đó đồ án khi công bố và đồ án được triển lãm lấy ý kiến gần như không khác biệt, chứng tỏ không có sự ghi nhận góp ý của dân.

Trả lời Tuổi Trẻ về trách nhiệm của UBND TP Đà Lạt trong việc lấy ý kiến góp ý của người dân, ông Tôn Thiện San, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nói: "Chúng tôi công khai đồ án để lấy ý kiến ở khu Hòa Bình, bây giờ vẫn đang tiếp tục ghi nhận ý kiến. Chúng tôi đã thành lập một tổ để lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân. Người dân nào chưa thông về quy hoạch thì chúng tôi giải thích cho thông".

Việc một công ty cổ phần đầu tư địa ốc tài trợ để thực hiện đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt có đi kèm lợi ích? Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Trung cho biết: "Đơn vị tài trợ chi phí quy hoạch bằng tình yêu Đà Lạt. Khi tỉnh quy hoạch khu vực trung tâm, họ nhận thấy mình cần đóng góp cho sự phát triển nên đã tài trợ theo đúng luật định. Còn các dự án về sau đều sẽ được đấu thầu công khai theo đúng luật".

Theo ông Lê Quang Trung, quy hoạch khu Hòa Bình đã đến đích, phải triển khai để trung tâm Đà Lạt có diện mạo mới. "Không có chuyện dừng lại quy hoạch này, nhưng chúng tôi phải tính toán kiến trúc của khu vực cho phù hợp"- ông Trung nói.

Còn ông Phùng Khắc Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng phải quyết tâm thực hiện.

Theo quy hoạch vừa mới công bố, dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời để xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn với 10 tầng. Đây được xác định là công trình điểm nhấn, có tầng cao vượt các công trình khác trong khu vực. Thay cho rạp Hòa Bình sau khi dỡ bỏ là Trung tâm thương mại Hòa Bình. Theo đơn vị thiết kế đồ án quy hoạch, đây là khu phức hợp mang tính giải trí, có 5 tầng nổi. Công năng của rạp hát sẽ được xây dựng trong công trình ngầm.
Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc Đà Lạt và lương tâm của một thế hệ kiến trúc

TTO - Đà Lạt mới chỉ 126 tuổi, là một đô thị quá trẻ, nhưng trong từng khúc quanh lịch sử luôn phóng chiếu ước mơ về một đô thị lý tưởng.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên