09/11/2021 10:00 GMT+7

Quy hoạch đồi Dinh ở Đà Lạt: Bất thường việc lấy ý kiến để 'bứng' di sản

TTO - Có những bất thường và nghi vấn khi nhìn vào kết quả lấy ý kiến nhân dân về phương án quy hoạch không gian đồi Dinh do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thực hiện.

Quy hoạch đồi Dinh ở Đà Lạt: Bất thường việc lấy ý kiến để bứng di sản - Ảnh 1.

Phương án 1 được UBND, Tỉnh ủy Lâm Đồng chọn sau khi lấy ý kiến nhân dân - Ảnh: BTC

Để có thể sử dụng "khu đất vàng" đồi Dinh và dời dinh Tỉnh trưởng đến vị trí mới nhằm xây dựng tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, việc trưng bày đồ án nhằm lấy ý kiến nhân dân rất quan trọng, được quy định tại Luật xây dựng.

Giới chuyên môn phản biện cả 3 phương án

Tháng 3-2019, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố "Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt". Trong bản quy hoạch tác động đến toàn bộ 30ha khu vực trung tâm TP Đà Lạt tính từ hồ Xuân Hương đến hết đồi Dinh (có dinh Tỉnh trưởng), có 2 nội dung quan trọng: phá bỏ rạp Hòa Bình, di dời dinh Tỉnh trưởng.

Giới chuyên môn quy hoạch kiến trúc phản ứng mạnh mẽ vì trong đồ án này, các khu đất công được xem là đất "vàng", "kim cương" sẽ bị chuyển cho nhà đầu tư để xây dựng các công trình cao tầng có tính thương mại, với phần nổi từ 5 đến 10 tầng.

Đến tháng 5-2020, ông Đoàn Văn Việt (chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nay là thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) cho rằng đồ án được đa số ý kiến đồng thuận, song còn một số ý kiến phản biện về quy hoạch, đặc biệt là khu vực đồi Dinh.

Ông Việt chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện quy hoạch kiến trúc đồi Dinh, đề xuất các phương án kiến trúc trình UBND tỉnh, thường trực Tỉnh ủy để triển khai các bước tiếp theo.

Dựa theo kết luận chỉ đạo này, ngày 14-8 đến 14-9-2020, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đưa ra 3 phương án quy hoạch kiến trúc đồi Dinh để lấy ý kiến nhân dân.

Đáng nói, cả 3 phương án này đều tác động mạnh đến dinh Tỉnh trưởng và xây khách sạn cao tầng ở đồi Dinh. Đây là 2 vấn đề cốt yếu mà dư luận, giới chuyên môn đã lên tiếng phản biện trong lần công bố đồ án quy hoạch trước đó.

Chỉ 269 phiếu khảo sát!

Tháng 11-2020, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân. Trong 1 tháng trưng bày các phương án quy hoạch không gian đồi Dinh, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thu về 269 phiếu, gồm 243 phiếu thu được tại nơi trưng bày, còn lại 26 phiếu thông qua website của Sở Xây dựng.

Trong đó có 155 phiếu chọn 1 trong 3 phương án mà ban tổ chức đưa ra (chiếm 57,6%). Cụ thể, phương án 1 (nâng dinh Tỉnh trưởng lên 28m so với vị trí ban đầu) được 132 phiếu ủng hộ; phương án 2 được 11 phiếu và phương án 3 được 12 phiếu.

Ý kiến khác (không chọn các phương án xây dựng sẵn): 109 phiếu (chiếm 40,5%), trong đó có 5 phiếu không có ý kiến (chiếm 1,9%).

Thông qua kết quả lấy ý kiến này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thông báo phương án 1 là phương án "được đa số các ý kiến đồng thuận, lựa chọn cũng như đã được lãnh đạo UBND tỉnh, Tỉnh ủy lựa chọn" để tiến hành triển khai quy hoạch đồi Dinh.

Kết quả này cho thấy quá ít người dân tham gia lấy ý kiến về quy hoạch kiến trúc đồi Dinh. Hiện tổng dân số Đà Lạt hơn 230.000 người, trong đó có hơn 170.000 người trên 18 tuổi.

132 phiếu đại diện cho "nhân dân Đà Lạt"?

Luật sư, kiến trúc sư Nguyễn Hồ cho rằng: "Tỉ lệ tham gia ý kiến, khảo sát góp ý quá ít, quá nhỏ so với dân số Đà Lạt. Thoạt nhìn tỉ lệ đồng thuận rất cao, nhưng khi nhìn lượng phiếu ý kiến thì thấy quá nhỏ để có thể đại diện cho "nhân dân Đà Lạt".

Nếu chỉ xét riêng phường 1 và 2, nơi chịu tác động lớn nhất từ quy hoạch thì con số 269 người dân bỏ phiếu cũng không đủ đại diện. Tổng dân số của cả 2 phường này hơn 27.000 người, số người trên 18 tuổi khoảng 18.000 người".

Ông Hồ nhấn mạnh nếu dựa vào kết quả này làm cơ sở quyết định số phận đồi Dinh và di sản dinh Tỉnh trưởng là vội vàng, vi phạm nguyên tắc thống kê, lấy ý kiến.

Ông Hồ phân tích thêm nếu cố tình dựa vào 269 lá phiếu để tính toán các bước tiếp theo liên quan tới xây dựng khách sạn cao tầng ở đồi Dinh cũng không ổn. Ông nói: "Có đến 109 phiếu cho ý kiến cần chọn phương án khác, chiếm hơn 40%.

Cần phải đánh giá kỹ các ý kiến này vì ngay từ lúc trưng bày các phương án 1, 2, 3 thì dư luận đã phản đối vì các phương án vốn dĩ chỉ có 1 kết quả: xây khách sạn. Mặt khác, nếu tính tổng các ý kiến chọn phương án khác (109 phiếu) và 23 phiếu chọn phương án 2, 3 thì sẽ có 132 phiếu.

Cân bằng với 132 phiếu mà ban tổ chức công bố chọn phương án 1. Do đó, không thể khiên cưỡng dùng kết quả này để làm tham chiếu cho quyết định dời dinh Tỉnh trưởng lên cao hơn vị trí ban đầu và xây khách sạn 10 tầng bên dưới".

Một lãnh đạo ngành xây dựng tỉnh Lâm Đồng về hưu (đề nghị không nêu tên) nhận định đây là kết quả lấy ý kiến khiên cưỡng, không đủ tính đại diện cho đại đa số nhân dân và cần phải làm rõ.

Lượng người dân tham gia ý kiến quá nhỏ để có thể xem đó là đại diện cho một quy hoạch lớn, thay đổi bộ mặt của trung tâm Đà Lạt.

Thiếu giá trị đại diện

Liên quan đến thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng, Luật xây dựng 2014 và nghị định 44/2015/NĐ-CP quy định: "Ít nhất là 20 ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư".

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã làm sai luật khi chỉ lấy ý kiến nhân dân 30 ngày. Luật sư Nguyễn Hồ nhấn mạnh: "Kết quả lấy ý kiến nhân dân có bất thường, thiếu giá trị đại diện".

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, TP Đà Lạt nên quy hoạch Đồi Dinh, nơi có dinh Tỉnh trưởng thế nào?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cục Di sản văn hóa: Lâm Đồng nên xem xét phương án bảo tồn dinh Tỉnh trưởng phù hợp hơn Cục Di sản văn hóa: Lâm Đồng nên xem xét phương án bảo tồn dinh Tỉnh trưởng phù hợp hơn

TTO - Theo phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, nếu dinh Tỉnh trưởng có giá trị kiến trúc như các ý kiến phản ánh thì UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nên xem xét trong các phương án bảo tồn, khai thác công trình này cho phù hợp hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên