18/06/2022 08:27 GMT+7

Quy định mới về lương tối thiểu vùng có phải làm người lao động bị thiệt?

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Nghị định 38 về lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu theo giờ có hiệu lực từ 1-7 không còn quy định mức lương tối thiểu của người làm đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng. Có phải có nghề bị thiệt?

Quy định mới về lương tối thiểu vùng có phải làm người lao động bị thiệt? - Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều ý kiến cho rằng việc không còn quy định này khiến người lao động và công đoàn có thể gặp khó khăn, trong các kỳ thương lượng với doanh nghiệp để điều chỉnh tăng lương hằng năm.

Áp lực dồn lên công đoàn

Ông Lưu Kim Hồng - chủ tịch công đoàn một công ty tại Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức - cho biết thực tế thì tất cả công nhân công ty đều là lao động đã qua đào tạo và nhiều năm nay việc điều chỉnh lương cho công nhân công ty đều bám sát mức tăng 7% so với lương tối thiểu vùng.

Điển hình với mức lương tối thiểu vùng được quy định cho giai đoạn 2019-2021 là 4,42 triệu đồng đối với vùng I, hiện tại lương tối thiểu của công nhân tại công ty là 4,73 triệu đồng. Nghĩa là doanh nghiệp "trả sát rạt" mức chênh 7% cho công nhân qua đào tạo so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành.

"Với nghị định mới, công đoàn chỉ có thể yêu cầu phần tăng lương cho các vị trí công việc khác trong thang bảng lương theo chức danh và theo công việc. Còn đa số công nhân đã qua học nghề, đào tạo sẽ rất khó để có mức tăng xác đáng.

Không phải chúng tôi không dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhưng với quy định mới, chúng tôi ở thế yếu khi thương lượng với doanh nghiệp vì không có cơ sở để thương lượng khi không có hành lang pháp lý", ông Hồng nêu vấn đề.

Đây cũng là câu chuyện chung của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đang có hàng ngàn lao động mà trước nay, mức lương của họ thường được doanh nghiệp áp dụng quy định mức cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Ông Trần Thanh An - chủ tịch công đoàn một công ty với khoảng 10.000 lao động tại Củ Chi (TP.HCM) - cho biết gần như 100% công nhân công ty nằm trong nhóm lao động đã qua đào tạo nghề áp dụng quy định này.

"Nếu không có quy định này thì áp lực sẽ dồn lên công đoàn trong việc thương lượng mức lương mới cho công nhân.

Hiện nay mức lương thấp nhất của công nhân công ty là 4,73 triệu đồng", ông An nêu. Theo ông, sắp tới Bộ Lao động - thương binh và xã hội cần lắng nghe ý kiến này từ công đoàn cơ sở, người lao động để biết họ đang cần điều gì và gặp khó khăn gì.

Ông L.P.Đ., chủ tịch công đoàn một công ty có vốn nước ngoài thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), thẳng thắn nhìn nhận công đoàn chưa thực sự giữ được vị trí độc lập để có thể thương lượng lương với chủ doanh nghiệp khi hầu như vẫn đang được trả lương từ chính doanh nghiệp.

"14 năm nay, quy định nhà nước như thế nào công ty thực hiện đúng như vậy. Hầu như 100% công nhân khi vào làm đều qua đào tạo và áp quy định mức lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng, nên giờ không còn quy định cứng cũng sẽ khó khăn cho công đoàn", ông cho biết.

Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động

Ông Phạm Anh Thắng - phó chánh văn phòng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trưởng đại diện Bộ Lao động - thương binh và xã hội tại TP.HCM - cho biết nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và Bộ luật lao động năm 2019 không còn nội dung "Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương", mà sắp tới doanh nghiệp và người lao động sẽ thương lượng, quyết định dựa vào năng suất và kết quả lao động.

Việc không còn quy định "khoản 7%" chính là tạo cơ chế để các bên thỏa thuận mức lương theo thị trường. Đồng thời ông cho biết hiện nay Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang xem xét, rà soát để sớm có văn bản chính thức hướng dẫn triển khai thực hiện nghị định này, ông Thắng thông tin thêm.

Ông Mai Đức Chính - nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết nghị định 38 không còn quy định lương tối thiểu cho lao động qua đào tạo nhưng có hướng mở với khoản 3, điều 5, trong đó yêu cầu người sử dụng lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng...

Đồng thời tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại nghị định 38.

"Việc điều chỉnh mức lương của công nhân qua đào tạo cao hơn 7% cũng có thể coi là một nội dung có lợi hơn mà doanh nghiệp phải giữ nguyên hoặc cải thiện tốt hơn", ông Mai Đức Chính lý giải.

Theo ông Chính, tới đây Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Tổng liên đoàn Lao động cần phải hướng dẫn thực hiện khoản 3, điều 5 một cách chặt chẽ, cụ thể để tránh nguy cơ người lao động hiểu sai rằng quy định không còn thì sẽ thiệt thòi cho họ.

Thậm chí việc hiểu sai này có thể dẫn đến nguy cơ đình công. Đồng thời ông cho rằng nghị định mới hướng tới việc doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương với sự tham gia thương lượng của công đoàn và phải được sự đồng thuận của người lao động cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực của tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

"Thực tế có đến 70-80% cán bộ công đoàn là cán bộ nhân sự, giám đốc nhân sự, phó giám đốc hành chính do doanh nghiệp trả lương, nên việc đứng ra thương lượng để bảo vệ quyền lợi cho công nhân cũng rất hạn chế.

Việc nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn để tham gia vào việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thương lượng về lương với chủ doanh nghiệp... sẽ cần phải có thêm nhiều biện pháp, mô hình trong thời gian tới", ông Chính nêu.

Lương của lao động qua đào tạo cao hơn ít nhất 7%

Hôm 17-6, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng liên đoàn Lao động VN đã có công văn chỉ đạo về việc thực hiện nghị định 38 về lương tối thiểu, trong đó có nêu rõ trách nhiệm thi hành khoản 3 điều 5 của chủ sử dụng lao động.

Cụ thể doanh nghiệp phải rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Đồng thời, đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo đó các nội dung thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề cao ít nhất 7% so với tiền lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7 Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7

TTO - Triển khai quy định tại điều 91 của Bộ luật lao động, Bộ Lao động - thương binh và xã hội ngày 20-5 đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo tờ trình và nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên