04/06/2020 11:16 GMT+7

Quảng bá thông điệp 'Việt Nam an toàn'

N.AN
N.AN

TTO - Chiều 3-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch, trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19.

Quảng bá thông điệp Việt Nam an toàn - Ảnh 1.

Du khách tham quan khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp - Ảnh: Q.P.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dự báo với tình hình hiện nay, lượng khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60 - 65 triệu lượt. Với khách quốc tế, nếu có thể đón khách vào đầu quý 3-2020 sẽ đạt khoảng 6 - 8 triệu lượt, đón khách vào đầu quý 4 có thể đạt 4,5 - 5 triệu lượt. 

Vì vậy, đẩy mạnh du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế bị "đóng băng" và ghi nhận hoạt động du lịch nội địa đã dần được phục hồi sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4.

Với du lịch quốc tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chúng ta chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình phòng chống dịch ở các thị trường lớn. 

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tảikết hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép chúng ta sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa đón, quản lý du khách theo tour.

Phó thủ tướng cũng lưu ý hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch quốc tế cần đẩy mạnh các hình thức mới như trực tuyến, quảng bá qua mạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông để xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19 và thông điệp Việt Nam an toàn.

Hàng không sẵn sàng

Ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đều bay được những chặng bay đường dài. "Nếu được khai thác trở lại, đặc biệt với điểm đến trước mắt là đảo Phú Quốc, Cục Hàng không chủ động điều hành để đảm bảo khai thác phù hợp với công suất, khả năng khai thác của sân bay Phú Quốc" - ông Cường cho biết.

Ông Lê Hồng Hà - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho rằng nếu chính phủ 2 nước cho phép khai thác hàng không lẫn nhau, sẽ thống nhất công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, thống nhất quy trình kiểm soát y tế đối với hành khách.

Ông Nguyễn Minh Đông - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc - cho biết hiện nay Cảng hàng không Phú Quốc có thể phục vụ 4 chuyến bay nội địa và 2 chuyến bay quốc tế mỗi giờ và khi chưa có dịch COVID-19 đã có 15 hãng quốc tế ở châu Âu, châu Á khai thác đến Phú Quốc từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm.

Đơn vị cung cấp nhiên liệu cho máy bay tại Phú Quốc cũng đảm bảo được khả năng tiếp nhiên liệu, Công ty cổ phần dịch vụ suất ăn Hàng không Việt Nam (VINACS) hiện đã cung ứng suất ăn sản xuất từ Hà Nội, TP.HCM tới Phú Quốc để phục vụ các chuyến bay.

TUẤN PHÙNG

Cân bằng sức khỏe cộng đồng và hồi phục kinh tế

Ông Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam):

nguyenhuutho 2(read-only)

Ông Nguyễn Hữu Thọ

Hiện nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề xuất kết nối "bong bóng du lịch", tạo hành lang an toàn giữa những thành phố, quốc gia đã kiểm soát dịch tốt với nhau. Muốn có kết nối, trước tiên Chính phủ phải đứng ra làm việc này. Bởi đón khách quốc tế về là hoạt động xuyên biên giới liên quan đến các chính sách thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh.

Tại Thái Lan, nước này cũng xác định nếu mở cửa được thị trường du lịch trong tháng 7, họ chỉ tập trung đón khách quốc tế cao cấp, chào bán những gói sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp ở các khu nghỉ dưỡng ven biển tách biệt như đảo Phuket. Một số nước ngay khi chưa ra khỏi dịch cũng đã quảng bá tập trung vào các giao dịch không tiếp xúc, chẳng hạn như điểm kiểm tra nhập cảnh, đăng ký khách sạn và thanh toán...

Ông Don Lam (chủ tịch VinaCapital):

donlam 2(read-only)

Ông Don Lam

Quan trọng nhất là phải xây dựng được quy trình bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách xuyên suốt kỳ nghỉ. Ngay khi lên máy bay khách sẽ được xét nghiệm, những chuyến bay được khử khuẩn sau mỗi lần cất, hạ cánh. Khách đến trên những chuyến bay thuê bao nguyên chuyến, được làm thủ tục nhập cảnh ở một lối riêng tại cửa khẩu hải quan. Những điểm đến cũng phải đủ rộng lớn, tràn ngập ánh nắng và nhân viên của khu nghỉ dưỡng được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.

Ngoài ra, quá trình quản lý giao hàng hay sát khuẩn và các biện pháp kiểm soát khác cũng được đảm bảo tối đa về an toàn y tế. Chương trình này đòi hỏi một hệ thống nhất quán về biện pháp khai báo y tế, các ứng dụng theo dõi địa lý trên điện thoại và các biện pháp cách ly xã hội cơ bản cũng phải được tuân thủ.

Ông Kenneth Atkinson (phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam - TAB):

kennethatkinson 2(read-only)

Ông Kenneth Atkinson

Cách đón tiếp những vị khách trong tour dạng này cũng phải khác. Khách được kiểm tra y tế, các dịch vụ đưa đón phải riêng biệt, theo từng nhóm khách đã biết lịch sử y tế của nhau, khuyến khích phục vụ ăn uống tại phòng hoặc những nơi thoáng đãng ngoài trời. Ngay cả thủ tục nhận khách tại lễ tân cũng có thể làm tự động hoặc được khai báo sẵn, hạn chế tiếp xúc với nhân viên.

Ông Trịnh Hồng Quang (phó tổng giám đốc Vietnam Airlines):

trinhhongquang 2(read-only)

Ông Trịnh Hồng Quang

Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng đối tượng khách hàng của những điểm đến du lịch biệt lập ngay sau dịch là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, những nước đã cơ bản kiểm soát dịch thành công. Trước khi dịch xảy ra, du khách đến từ hai quốc gia này chiếm gần một nửa số du khách quốc tế đến Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, du lịch có cơ hội khởi sắc trở lại, đảm bảo sự cân bằng của sức khỏe cộng đồng và phục hồi kinh tế sau dịch. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện triển khai dần các hoạt động du lịch tạo tiền đề kích hoạt lại ngành du lịch, đón khách quốc tế.

N.Bình ghi

GS.TS Phạm Hồng Long (trưởng khoa du lịch

Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội):

pham hong long 2(read-only)

GS.TS Phạm Hồng Long

Đề xuất của Kiên Giang nên được cân nhắc chuẩn bị cho thời gian tới. Tuy nhiên Phú Quốc dẫu khá biệt lập nhưng còn có du khách Việt nên không thật sự biệt lập, nguy cơ phát tán dịch bệnh vẫn có. Vì vậy, nếu mở cửa đón khách quốc tế vào Phú Quốc hay một số đảo thì có thể tính đến mở cửa với những thị trường an toàn, chuẩn bị về những điều kiện phòng chống dịch tại điểm đến. Ngoài ra, có thể tính tới việc chỉ khoanh vùng một số khu nghỉ dưỡng biệt lập hoặc quy định khách quốc tế chỉ được đến một số điểm nhất định.

Thiên Điểu ghi

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của: Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist. Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương. Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: antuongvietnam@tuoitre.com.vn.

Quảng bá thông điệp Việt Nam an toàn - Ảnh 11.

Làm gì để đón khách quốc tế ra đảo? Làm gì để đón khách quốc tế ra đảo?

TTO - Phú Quốc (Kiên Giang) đang được đề xuất là điểm đảo thực hiện thí điểm việc đón khách quốc tế đến Việt Nam, trong lộ trình nới lỏng dần hoạt động du lịch đối với khách du lịch nước ngoài.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên