Quan hệ Trung - Mỹ: Ly nước đã hất đổ…

DANH ĐỨC 13/08/2022 16:11 GMT+7

TTCT - Hàng loạt diễn biến dồn dập, những toan tính trong nội bộ nền chính trị hai phía, và đỉnh điểm là chuyến thăm Đài Loan để lại nhiều hệ quả của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quan hệ song phương Trung - Mỹ giờ được đánh giá đã bước sang một chương mới đầy bất trắc.


Quan hệ Trung - Mỹ: Ly nước đã hất đổ… - Ảnh 1.

Richard Nixon và Chu Ân Lai, 1972. Ảnh: AP


Quan hệ Trung - Mỹ: Ly nước đã hất đổ… - Ảnh 2.

Tập Cận Bình và Vladimir Putin, 2022. Ảnh: AP

Chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi đã gây phản ứng mạnh, cả dây chuyền lẫn đơn lẻ, khắp khu vực Đông Á. Đó là một động thái phạm vào "long mạch" của Bắc Kinh, dẫn đến cuộc bao vây Đài Loan hiện tại và sự đổ vỡ quan hệ Trung - Mỹ được gầy dựng từ 50 năm trước.

9 giờ sáng thứ hai 8-8, tờ The Star của Malaysia chạy một tít thở phào: "Các cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở (khu vực) Đài Loan kết thúc". 

Tờ báo tóm tắt tình hình "nóng như lửa" mấy bữa nay: "Bắc Kinh, nổi giận với chuyến đi của Pelosi - người thứ hai trong hàng kế nhiệm Tổng thống Mỹ, đã hủy bỏ hàng loạt cuộc đàm phán và thỏa thuận hợp tác với Washington, đáng chú ý nhất là về biến đổi khí hậu và quốc phòng. Bắc Kinh cũng đã triển khai máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa đạn đạo xung quanh Đài Loan... Điều mà các nhà phân tích mô tả là thực tập cho một cuộc phong tỏa và cuối cùng là tấn chiếm hòn đảo". 

Cũng may là các diễn tập được ấn định kết thúc vào ngày 8-8, dù Bắc Kinh thông báo các cuộc tập trận mới ở Hoàng Hải - nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên - sẽ diễn ra cho đến 15-8.

Nguyên tắc của Bắc Kinh

Phải nói là Trung Quốc đã giận tím mặt! Ngày 5-8, Bộ Ngoại giao nước này ra thông cáo trừng phạt bà Pelosi "hài tội" bà: 

"Bất chấp những quan ngại nghiêm trọng và phản đối kiên quyết của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã khăng khăng đến thăm khu vực Đài Loan của Trung Quốc... Can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc... Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, chà đạp nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc, và đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan". 

"Nghiệt" nhất tất nhiên là chạm tới nguyên tắc một Trung Quốc. 50 năm qua, Trung Quốc đã sống, phát triển, trở thành cường quốc nhất nhì thiên hạ với nguyên tắc tối thượng này.

Nửa thế kỷ tính từ chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ Richard Nixon để hai bên cùng đưa ra thông cáo chung 27-2-1972. Trong Thông cáo Thượng Hải lịch sử đó, phía Trung Quốc khẳng định lại lập trường then chốt: 

"Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc; Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động nào nhằm mục đích tạo ra "một Trung Quốc, một Đài Loan", "một Trung Quốc, hai chính phủ", "hai Trung Quốc", một "Đài Loan độc lập" hoặc chủ trương "quy chế của Đài Loan vẫn còn phải xác định"". 

Cùng chung quan điểm, phía Hoa Kỳ tuyên bố: "Hoa Kỳ thừa nhận rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc".

Trước thỏa thuận Trung - Mỹ đó thì với Washington, Trung Quốc là... Trung Hoa Dân quốc, tức Đài Loan. Chỉ tới 25-10-1971, sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 2758 "khôi phục quyền lợi hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc", thì chính quyền Bắc Kinh mới được công nhận đầy đủ, cũng đồng nghĩa chính quyền Đài Loan bị loại khỏi LHQ.

Tất nhiên, phía Trung Quốc hiểu không thể một sớm một chiều mà Mỹ sẽ "ân đoạn nghĩa tuyệt" với Đài Loan. Người đối thoại với ông Nixon bên phía Bắc Kinh vào buổi sáng 28-2-1972 đó là ông Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc, tỏ ra "hiểu biết" và "thông cảm" khi nói: 

"Vì Đài Loan là vấn đề nội bộ của chúng tôi, và chúng tôi cũng cần nỗ lực tự thân, chúng tôi không thể quá hy vọng rằng Hoa Kỳ và ngài Tổng thống sẽ làm hết mọi chuyện". 

Ông cũng tóm lược những yêu cầu của Trung Quốc lúc bấy giờ với Mỹ về Đài Loan: "Tất nhiên, quý vị cần đảm bảo rút quân chung cuộc, không ủng hộ cái gọi là phong trào độc lập Đài Loan, và không cho phép lực lượng quân sự Nhật Bản tiến vào Đài Loan... Còn giải pháp cuối cùng [cho vấn đề Đài Loan] là chuyện nội bộ của chúng tôi".

Quan điểm "một Trung Quốc" được củng cố một bước nữa dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, qua bản ghi nhớ gửi tất cả các bộ ngành liên bang đề ngày 30-12-1978: 

"Hoa Kỳ xin thông báo rằng vào ngày 1-1-1979, Hoa Kỳ công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân quốc. Hoa Kỳ cũng xin tuyên bố rằng trong tương lai, người dân Hoa Kỳ sẽ duy trì các mối quan hệ thương mại, văn hóa và các mối quan hệ khác với người dân Đài Loan mà không có đại diện chính thức của chính phủ và không có quan hệ ngoại giao".

Giọt nước tràn ly

Thiệt ra chuyện bà Pelosi sang Đài Loan với Trung Quốc, chỉ là giọt nước tràn ly. Bắc Kinh vốn đã bực dọc chuyện nhà cầm quyền Đài Loan, hiện do Đảng Tiến bộ dân chủ (DPP) và bà Thái Anh Văn lãnh đạo, cứ rục rịch đòi độc lập và tìm cách tham gia các sự kiện thế giới với tư cách "riêng" từ mấy năm nay lắm rồi.

Gần đây, trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19, Đài Loan cũng đã đạt một số thành tích chống dịch ấn tượng và đặt vấn đề tham gia trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất là với tư cách quan sát viên. 

Hôm 22-5, Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã bác bỏ đề xuất này - quyết định được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin (Uông Văn Bân) diễn giải là cam kết chung của quốc tế với nguyên tắc "một Trung Quốc" ("một xu hướng tối thượng không thể thách thức", theo lời ông Uông).

Vấn đề là, cũng theo ông Uông, "giới lãnh đạo DPP vẫn "lì lợm" xúi bẩy các quốc gia vốn đang có cái gọi là "quan hệ ngoại giao" với Đài Loan đưa ra đề xuất này", và rằng "một số nước đã khuyến khích và cổ vũ cho động thái này một cách công khai hoặc bí mật" (Reuters 23-5). 

Đề xuất ở WHA được 13 quốc gia ủng hộ, nhưng rốt cuộc không được đưa vào chương trình nghị sự, sau một cuộc họp kín.

Đây không phải lần đầu Đài Loan đòi tham gia WHO và bị từ chối. Năm 2017 từng diễn ra sự kiện tương tự. Các động thái này đều diễn ra sau khi DPP thắng cuộc bầu cử toàn đảo tháng 1-2016 với 56,12% số phiếu bầu và lên nắm quyền. 

Gần đây hơn, trong cuộc bầu cử tháng 1-2020, đảng này lại đắc thắng với 57,13% số phiếu. Trong tư thế được lòng dân liên tiếp đó, DPP mạnh dạn biểu thị mong muốn độc lập, bất chấp sự phản kháng của Quốc dân Đảng có truyền thống thân đại lục - kể cả bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay như vụ xảy ra ngày 29-6-2020.

Còn ở bên kia eo biển, Trung Quốc cũng đang phải tìm cách đáp trả sao cho thích đáng, dù khả năng dụng võ thực sự lúc này không cao. Như Global Times 3-8 cảnh cáo: "Các cuộc tập trận là để diễn tập cho việc phong tỏa Đài Loan và thống nhất hòn đảo". 

Cây bút Hu Xijin (Hồ Tích Tiến) được dịp chế nhạo bà Pelosi: "Trong hoàn cảnh bình thường, Trung Quốc đại lục sẽ khó thể tiến hành các cuộc tập trận quân sự như vậy xung quanh đảo Đài Loan. Chuyến thăm của Pelosi đã mang tới một thời cơ như thế".

Đài Loan lên ruột khi thấy ngày càng nhiều máy bay, tàu chiến Trung Quốc bao vây đảo, vượt qua đường trung tuyến giả định trên eo biển Đài Loan, vốn được hai bên xem là ranh giới bất thành văn, nhưng may là cho tới nay chưa có sự cố tính toán sai lạc nào xảy ra.

Láng giềng xanh mặt

Sau các cuộc tập trận nay dấy lên vấn đề về những hệ quả nếu Đài Loan bị phong tỏa. Các nước khác "xanh mặt" không chỉ tránh bay vào vùng tên bay đạn lạc mà còn tránh để rơi vào "cơn bão" ở eo biển chiến lược này. Sát sườn nhất là ASEAN. 

Chưa bao giờ các ngoại trưởng ASEAN lại nhanh chóng nhất trí với nhau như lần này, khác với nhiều lần dùng dằng phe này, phe kia trước đây.

Hôm 3-8, các ngoại trưởng ra "Thông báo về diễn biến trên eo biển [Đài Loan]" mà ngay câu đầu đã thể hiện "tâm tư" chung: "ASEAN quan tâm đến sự bất ổn quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong diễn biến gần đây ở khu vực tiếp giáp với khu vực ASEAN". 

Các diễn tiến đó, dù là tập trận hay phong tỏa, cũng là ngay sát ASEAN, mà nếu "tính toán sai lầm" sẽ dẫn đến "đối đầu nghiêm trọng", "xung đột công khai hậu quả khó lường giữa các cường quốc", từ đó "làm mất ổn định khu vực".

Cụm từ "làm mất ổn định khu vực" nay không còn chung chung, xa xôi nữa, mà là hết sức cụ thể cả về không gian lẫn thời gian - hậu quả đầu tiên là "chặn đường, chặn sá" cả khu vực quanh Đài Loan, lối đi chánh trổ lên Nhật Bản, Hàn Quốc hay đảo Guam và xa hơn nữa, vốn là tuyến thương mại - hàng hải huyết mạch của cả châu Á. 

Không chỉ các nước khác bị nghẽn tuyến hàng hải qua Đài Loan, ngay cả Trung Quốc cũng rất cần con đường đó được thông thoáng cho hàng hóa ra vào những hải cảng chính ở khu vực

kinh tế trọng điểm đông nam đất nước. Phong tỏa ngắn hạn thì Đài Loan ngất ngư, song kéo dài thì sẽ thành lưỡng bại câu thương.

Nhìn xa hơn nữa, quan hệ Trung - Mỹ giờ chắc chắn không còn lành lặn, và điều đó sẽ để lại hệ quả lâu dài không chỉ cho những bên trực tiếp liên quan.

Chấm dứt di sản 50 năm

Như đã nói ở trên, Thông cáo Thượng Hải 1972 thiết lập khung sườn cho hợp tác Trung - Mỹ. Một trong những trao đổi quan trọng nhất là việc sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học, để tới bây giờ, như niên khóa 2019-2020, số sinh viên Trung Quốc ăn học tại Mỹ lên đến hơn 370.000, gần gấp đôi nước thứ nhì là Ấn Độ.

Những trao đổi ở cấp chiến lược cũng từng diễn ra liên tục, trên nền tảng văn kiện năm 1972: "Hai bên nhất trí sẽ giữ liên lạc qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc cử đại diện cấp cao của Hoa Kỳ đến Bắc Kinh để tham vấn cụ thể nhằm tiếp tục bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và tiếp tục trao đổi quan điểm về các vấn đề quan tâm chung".

Cái nền tảng đó nay bị Trung Quốc xóa sổ để trừng phạt vụ bà Pelosi. Ngày 8-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo khẳng định: 

(1) Hủy bỏ các đối thoại cấp tư lệnh mặt trận Trung Quốc - Hoa Kỳ; 

(2) Hủy bỏ Đàm phán Phối hợp chính sách quốc phòng Trung Quốc - Hoa Kỳ; 

(3) Hủy các cuộc họp Hiệp định Tham vấn hàng hải quân sự Trung Quốc - Hoa Kỳ; 

(4) Đình chỉ hợp tác Trung Quốc - Hoa Kỳ về việc hồi hương người nhập cư bất hợp pháp; 

(5) Đình chỉ hợp tác trợ giúp pháp lý Trung Quốc - Hoa Kỳ trong lĩnh vực hình sự; 

(6) Đình chỉ hợp tác Trung Quốc - Hoa Kỳ chống tội phạm xuyên quốc gia; 

(7) Đình chỉ hợp tác Trung Quốc - Hoa Kỳ chống ma túy; 

(8) Đình chỉ đàm phán về biến đổi khí hậu.

Khi cuộc khủng hoảng Đài Loan 2022 bước sang tuần lễ thứ nhì, người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu (Ngô Chiêu Nhiếp) hôm thứ ba 9-8 đã gọi các cuộc tập trận của Bắc Kinh để trả đũa chuyến đi của bà Pelosi là "sự khiêu khích nghiêm trọng" nhằm thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Phải chi ông Wu dự kiến được khả năng này, có lẽ sẽ đỡ thiệt hại hơn cả trong hiện tại lẫn tương lai.■

Còn chuyện đổ bộ lên Đài Loan? Nếu có, sẽ phải đổ quân vào quần đảo Bành Hồ trên eo biển Đài Loan, ở phía tây đảo. Quần đảo này gồm 90 đảo nhỏ với tổng diện tích 141km².

Cả quần đảo là huyện Bành Hồ, Đài Loan, và là vùng đảo xa lớn nhất thuộc sự kiểm soát của chính quyền Đài Bắc. Lực lượng Đài Loan trên quần đảo này gồm một rađa tầm xa cùng tên lửa hành trình chống hạm Hsiung Feng II và tên lửa đất đối không Sky Bow III.

Nếu một hạm đội Trung Quốc bỏ qua Bành Hồ, họ có nguy cơ phải hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa vào hai bên sườn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận