06/09/2021 06:39 GMT+7

Sáng 6-9: Hà Nội bắt đầu siết vùng đỏ; Bình Dương nới giãn cách

L.ANH - H.LỘC - B.SƠN
L.ANH - H.LỘC - B.SƠN

TTO - Chiều qua 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch. "Dứt khoát không để giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội" - Thủ tướng nói.

Sáng 6-9: Hà Nội bắt đầu siết vùng đỏ; Bình Dương nới giãn cách - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm tại "vùng đỏ" của Hà Nội ngày 5-9. Trong ngày, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia đã hỗ trợ Hà Nội lấy 11.000 mẫu tại "vùng đỏ" - Ảnh: Q.T.

Theo Thủ tướng, cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin trong 1-2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin.

Đến ngày 5-9, theo tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế, trong 23 tỉnh thành thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, có 8 tỉnh thành gồm Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh (nhóm 1).

So với cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo ngày 29-8, Bình Phước, Phú Yên là 2 địa phương mới bổ sung vào nhóm đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Nhóm 2 gồm 11 tỉnh thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.

Nhóm 3 gồm 4 tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch. 40 tỉnh, thành phố còn lại, tình hình dịch cơ bản đang trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, kết quả chống dịch chưa được như mong muốn. Giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội vẫn còn “chặt ngoài lỏng trong", thực hiện giãn cách, cách ly nhưng chưa có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Yêu cầu 5 tỉnh thành hoàn thành tiêm mũi 1 trước 15-9

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, cho biết đã ưu tiên phân bổ vắc xin, TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được phân bổ vắc xin đủ mũi 1 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.

Đề nghị 5 tỉnh thành đẩy nhanh hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15-9 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.

Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người sống trong vùng đỏ, cam, khu vực có mật độ dân cư cao.

Bình Dương có thể sẽ là tỉnh đầu tiên thực hiện "hộ chiếu vắc xin nội địa" tại "vùng xanh": Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và thị xã Bến Cát.

Ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương - đề nghị người ở "vùng xanh" đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được cấp "thẻ xanh" để ra đường, người đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ được cấp "thẻ vàng", khi ra đường phải kèm theo giấy xét nghiệm.

Trường hợp người dân chưa tiêm vắc xin thì không được ra đường.

Sáng 6-9: Hà Nội bắt đầu siết vùng đỏ; Bình Dương nới giãn cách - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM khởi động chương trình "Vắc xin tinh thần"

Ngày 5-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có thư ngỏ gửi người dân đang sinh sống tại TP.HCM, khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên để chủ động phòng bệnh.

Cùng ngày, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã khởi động chương trình "Vắc xin tinh thần" nhằm hỗ trợ, tư vấn sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân TP.HCM.

Trả lời báo chí sáng 5-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá TP.HCM phải mở cửa dần, chậm nhưng chắc, TP đang đi tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và giao cho quận 7 làm điểm.

Từ ngày 10-9 đến 31-12-2021, TP.HCM sẽ tiếp nhận tình nguyện viên là người F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Tình nguyện viên đăng ký tham gia tại Phòng tổ chức cán bộ (Sở Y tế TP) qua số điện thoại 0907.574.269 hoặc (028) 3930 9967.

Hôm nay Hà Nội bắt đầu áp dụng giãn cách theo 3 phân vùng

Cụ thể, phân vùng 1 (vùng đỏ), áp dụng theo chỉ thị 16 và một số biện pháp mức cao hơn tại 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Phân vùng 2: 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Áp dụng chỉ thị 15 và 15+.

Phân vùng 3: 10 quận, huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Áp dụng chỉ thị 15 hoặc cao hơn tùy đặc điểm từng phân khu.

Hà Nội nằm trong số địa phương Thủ tướng "nhắc tên" trong phiên họp chiều 5-9, "khi ban hành quy định chống dịch chưa tính toán kỹ về thời điểm thực hiện, cách làm, đánh giá tác động, truyền thông...".

Mỹ lạc quan tiêm bổ sung đúng kế hoạch

Các quan chức Mỹ cho biết nước này có thể bắt đầu chương trình tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 vào ngày 20-9 bằng vắc xin của Pfizer, trong khi vắc xin của Moderna sẽ chậm hơn.

Các lãnh đạo FDA và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thời gian qua đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden cân nhắc về việc triển khai tiêm bổ sung vào ngày 20-9, cho rằng cần có thêm dữ liệu để đánh giá.

Hiện vẫn đang tranh cãi về việc tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ 3. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ vẫn tăng, trung bình 163.700 ca mới và 1.550 ca tử vong mỗi ngày.

Trong khi đó, Israel thậm chí tính đến việc tiêm liều vắc xin thứ 4 và đã tiêm liều thứ 3 cho 2,5 triệu người.

Tại Đông Nam Á, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng ở một số nước. Ngày 5-9, Bộ Y tế Campuchia thông báo có đến 761 ca mới do biến thể Delta, trong đó thủ đô Phnom Penh có đến 400 ca.

Nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin cho 11,2 triệu người dân, tương đương 70% dân số, trong đó 8,87 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi và hơn 660.000 người được tiêm mũi thứ 3 hay mũi tăng cường.

Lào ghi nhận số ca mắc mới tăng trở lại, với 172 ca mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 15.933 ca, trong đó có 16 ca tử vong.

Trong khi đó, xu hướng giảm số ca bệnh hằng ngày tại Thái Lan bước sang tuần thứ 3 với 15.452 ca mắc mới ghi nhận ngày 5-9 và 224 ca tử vong.

Indonesia, nước từng là tâm dịch của khu vực, thông báo ghi nhận thêm 5.403 ca mắc mới và 392 ca tử vong. Malaysia cũng ghi nhận 20.396 ca mắc mới, còn Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hơn 20.000 ca bệnh và 173 ca tử vong.

Tại Nhật Bản ghi nhận thêm 16.012 ca mới, giảm 6.724 ca so với một tuần trước đó. Chính phủ nước này có thể sẽ kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.

TRẦN PHƯƠNG


Tìm thông tin bằng Cẩm nang điện tử phòng, chống dịch COVID-19 Tìm thông tin bằng Cẩm nang điện tử phòng, chống dịch COVID-19

TTO - Người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu, cập nhật mọi thông tin về phòng, chống dịch qua Cẩm nang điện tử phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Bộ Thông tin và truyền thông ra mắt.

L.ANH - H.LỘC - B.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0