09/02/2011 06:32 GMT+7

Chen hội chùa Hương

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Ngày 8-2 (tức mồng 6 tháng giêng), tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) chính thức khai hội chùa Hương. Dù không xảy ra tình trạng "vỡ bến" như mọi năm nhưng do lượng du khách trẩy hội đông nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và nhiều cảnh lộn xộn không đẹp mắt vẫn diễn ra.

Read this on TuoitrenewsChen lấn trẩy hội chùa HươngChùa Hương chưa khai hội đã tắcHơn 4.600 đò được cấp phép hoạt động tại lễ hội chùa Hương

Cv4rhzjS.jpgPhóng to
Hàng vạn người chen lấn, xô đẩy dâng lễ cầu may trong khu vực chùa Thiên Trù - Ảnh: Thân Hoàng

Từ 8g sáng, tình trạng chen lấn đã diễn ra tại đền Trình khi lượng khách trẩy hội bắt đầu đông đúc. Từ nơi thuyền cập bến, khách muốn vào đền phải rất vất vả để trèo qua hàng chục chiếc thuyền đang tròng trành đỗ đợi khách.

Chờ cáp treo mất ba giờ

Mặc dù ban quản lý lễ hội đã có quy định cấm thuyền, đò chở khách vào ban đêm, nhưng vì sợ tắc nghẽn như năm trước nên nhiều du khách vẫn tìm cách bồi dưỡng chủ đò để thuyền xuất bến từ 2g sáng. Tình trạng thuyền chở số người quá quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhiều thuyền chỉ được phép chở sáu người nhưng vẫn "nhồi nhét" đến 15 khách, thậm chí nhiều thuyền lớn chỉ được phép chở nhiều nhất là 20 người nhưng "nhồi" đến 35-40 người. Nhiều du khách nhăn nhó: "Ngồi thuyền tham quan thắng cảnh chùa Hương mà bị lèn như đi xe dù, xe cóc. Chen nhau không thở được".

Tại chùa Thiên Trù - nơi diễn ra lễ khai hội chính thức, hàng vạn người đội lễ chen nhau lên xuống. Ðể có thể vào được trong chùa đặt lễ cầu may, nhiều người phải "mở lối" bằng cách trèo qua những bức tường phân cách để đi lại. Dòng người ken cứng chen lấn dâng lễ khấn vái cả trong và ngoài khu vực chùa chính khiến tình trạng ùn tắc có lúc diễn ra gần nửa giờ.

Tình trạng nhét tiền vào tay Phật, rải tiền ở ga cáp treo đã giảm bớt so với năm ngoái nhưng tại giếng thần trong khu vực đền Trình, người dân vẫn thả tiền kín cả mặt nước.

Từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích, nhiều người muốn đi cáp treo phải xếp hàng mua vé mất gần 30 phút. Chen bở hơi tai mới mua được vé, thế nhưng để chờ đến lượt lên cáp thì du khách phải chen lấn trong dòng người ken cứng hàng giờ. "

Mất nửa tiếng mới vào được khu vực chờ, thế nhưng đứng chôn chân ở đây gần ba giờ rồi mà vẫn chưa được lên cáp" - anh Nguyễn Văn Phương (Vụ Bản, Nam Ðịnh) vừa bám tay vào hàng rào để chen lấn vừa than thở. Nhiều người dù đã mua vé nhưng vì chờ quá lâu nên đành quay ra đi bộ.

"Chặt chém" gia tăng

Theo ghi nhận trong ngày đầu khai hội, nạn bói toán mê tín, cờ bạc đỏ đen đã giảm rất nhiều so với mọi năm. Tình trạng móc túi cũng không còn phổ biến.

Ông Nguyễn Chí Thanh, phó ban tổ chức lễ hội chùa Hương, cho biết trong ngày khai hội chùa Hương đã đón hơn 5 vạn khách nhưng chưa xảy ra vụ mất trật tự an ninh nào và không có vụ mất trộm nào được trình báo. Công an TP Hà Nội phối hợp với công an huyện có nhiều phương án triển khai để đảm bảo an ninh trật tự lễ hội.

Thịt thú rừng bày bán công khai

Tại lễ hội, nhiều hàng “đặc sản thịt thú rừng” như hươu sao, hoẵng, nai, chồn đá, sóc... bày bán công khai dọc hai bên đường.

Khi du khách hỏi thì các chủ cửa hàng đều khẳng định đây là thú bắt được trên rừng và “đảm bảo chất lượng”. Các loại thịt thú rừng này được bán với giá khá cao: 700.000 đồng/kg thịt hoẵng, 650.000 đồng/kg thịt hươu, 400.000 đồng/kg thịt chồn đá và 350.000 đồng một con sóc...

Tuy nhiên tình trạng "chặt chém" du khách vẫn diễn ra khá phổ biến. Một xe máy gửi có giá ít nhất 15.000 đồng, khách thuê chiếu nghỉ chân uống một lon bò húc phải trả 50.000 đồng. Chủ các hàng ăn uống cũng ra sức "chặt chém" du khách, hầu hết các loại đồ ăn ở đây đều có giá cắt cổ: bánh mì patê 20.000 đồng/ổ, xúc xích 20.000 đồng/chiếc...

Ngay tại đền Trình, dịch vụ lễ lạt cũng đua nhau "chặt chém" du khách: 35.000 đồng/lần viết sớ, 7.000 đồng/lá trầu, quả cau; xôi oản, gà cúng có giá 180.000-210.000 đồng/mâm...

Một du khách Hà Nam chỉ mâm lễ bà chuẩn bị mang vào động Hương Tích bảo: "Vẻn vẹn ba quả quýt, nắm vàng hương, quả cau, đĩa hoa nhưng tôi phải mua với giá tới 80.000 đồng đấy".

Không những thế, hàng chục cửa hàng "thuốc gia truyền", chuyên đặc trị không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan vẫn bày bán công khai: từ cường dương, tráng thận đến trị hắc lào, nấm ngứa đều có... tất tần tật. Một cửa hàng bán vỏ cây mục linh luôn có vài cò mồi chờ sẵn để dẫn khách mua với giá 300.000 đồng/kg.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng ở lễ hội có đặc thù riêng cùng một gian hàng người ta kinh doanh tổng hợp nên không thể treo bảng giá và không thể niêm yết cùng lúc vài chục giá trong một gian hàng.

"Thực chất chúng tôi cũng chưa mua hàng trong lễ hội nên không nắm bắt được tình trạng chặt chém như thế nào nhưng trên hệ thống loa đài, ban tổ chức thường xuyên thông báo du khách thỏa thuận hợp lý trước khi mua bán" - ông Thanh nói.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0