25/07/2023 13:26 GMT+7

Phục vụ ăn uống miễn phí 3 ngày giỗ ông bà Đỗ Công Tường

Lễ giỗ lần thứ 203 ông bà Đỗ Công Tường được UBND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp tổ chức, người dân trong và ngoài tỉnh về dự được phục vụ ăn uống miễn phí suốt ba ngày.

Đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh về dự lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh về dự lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Theo ban tổ chức, lễ giỗ sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-7 tại khu di tích quốc gia mộ và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (phường 2, TP Cao Lãnh), bao gồm các hoạt động quảng bá kết nối du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như Không gian văn hóa góc quê; chương trình biểu diễn cải lương, tuồng cổ, đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp; hội thi giới thiệu sách địa phương và ông bà Đỗ Công Tường.

Đặc biệt trong suốt ba ngày diễn ra lễ giỗ, người dân trong và ngoài tỉnh về dự lễ sẽ được phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí dọc theo các tuyến đường vào đền thờ ông bà Đỗ Công Tường.

Dọc các tuyến đường và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, người dân tổ chức phát đồ ăn và nước uống miễn phí - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Dọc các tuyến đường và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, người dân tổ chức phát đồ ăn và nước uống miễn phí - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Riêng tại điểm Trường tiểu học Lê Quý Đôn, cách đền thờ khoảng 300m, có hàng trăm người dân đến tham gia nấu ăn từ thiện, chế biến món ăn phục vụ bà con.

Bà Trần Thị Gần (ngụ xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) cho biết mười mấy năm nay, lễ giỗ thu hút đông đảo bà con gần xa về tham dự, chỉ trừ khoảng thời gian dịch COVID-19 tổ chức quy mô nhỏ.

"Tôi và các chị em gần nhà đến điểm nấu ăn từ sáng sớm, phụ giúp nấu ăn miễn phí cho bà con. Chúng tôi làm rất nhiều đồ ăn chay, không ước lượng được số lượng, nhưng chỉ cần bà con đến thì sẽ có đồ ăn, uống nước nghỉ ngơi rồi về cũng ấm lòng", bà Gần vui vẻ nói.

Từ sáng sớm có hàng trăm người dân về điểm Trường tiểu học Lê Quý Đôn tham gia nấu ăn phục vụ bà con - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Từ sáng sớm có hàng trăm người dân về điểm Trường tiểu học Lê Quý Đôn tham gia nấu ăn phục vụ bà con - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Theo tài liệu ghi chép, năm Canh Thìn (1820) xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông, bà Đỗ Công Tường đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt.

Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 đến 9-6 âm lịch thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10-6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng sớm chấm dứt.

Nhớ ơn ông bà, dân làng lập miếu phụng thờ. Tên Câu Lãnh được gọi trại thành Cao Lãnh, ngày nay là tên chợ, tên một thành phố và một huyện của tỉnh Đồng Tháp.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu mộ và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc giaLễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá, Kiên Giang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên