18/09/2013 11:13 GMT+7

Phú Quốc, những âu lo

Giáo sư NGUYỄN NGỌC TRÂN
Giáo sư NGUYỄN NGỌC TRÂN

TT - Lần trở ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) mới đây, tôi có ý tìm hiểu xem Phú Quốc đang trở mình như thế nào để triển khai Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, sau những khuyến nghị của các nhà khoa học cách đây gần một năm.

Và những gì đập vào mắt khiến tôi ngỡ ngàng, lo lắng.

WuypGK3f.jpgPhóng to
Các lò sấy cá cơm như thế này mọc lên dọc bãi Dài cả kilômet
PBGCgE55.jpgPhóng to
Nước thải và rác đổ ra bãi Trường

Tôi đã trông thấy gì?

1. Những bãi đẹp nhất bị xâm hại, ngổn ngang và nhớp nhúa

Tôi đã nghe nói thời gian gần đây thương nhân nước ngoài tranh mua cá cơm ở Phú Quốc bằng cách nâng giá, nhiều lò sấy cá cơm đã mọc lên dọc bãi Đất Đỏ ở thị trấn An Thới, nhưng vẫn ngỡ ngàng khi trông thấy những lò sấy này tại bãi Dài, một bãi được xếp trong tốp mười bãi đẹp nhất thế giới, và tại bãi Trường, bãi Vòng.

Tôi tự hỏi khách du lịch nào còn dám tới các nơi này và ngành du lịch nghĩ gì về sự “phát triển” này? Một nguy cơ khác đối với đa dạng sinh học, rừng ngập mặn và hệ sinh thái ngập nước là việc chặt cây làm chất đốt cho các lò sấy.

2. Tranh mua cá cơm hay cắt nguồn nguyên liệu của nước mắm Phú Quốc?

Tương tự như đã làm ở các tỉnh khác với các mặt hàng tôm, khoai lang..., thương nhân nước ngoài vẫn dùng “chiêu” mua giá cao, trả bằng tiền mặt để thu gom cá cơm ngay từ ngoài khơi. Trong lúc các nhà thùng ở Phú Quốc mua cá cơm với giá 6.000-8.000 đồng/kg thì họ trả 18.000-25.000 đồng/kg.

Một doanh nghiệp đã ba đời làm nghề nước mắm nhận xét rằng với giá như vậy thì không phải là tranh mua mà là muốn hạ gục các nhà thùng bằng cách cắt nguồn nguyên liệu. Ông cho biết năm ngoái vào thời điểm này, các xí nghiệp nước mắm đã cơ bản cho cá cơm muối vào thùng xong với giá 800-900 triệu đồng/100 tấn. Năm nay cùng thời điểm phải chi đến 1,5 tỉ đồng mà vẫn rất khó mua.

Trong khi đó tại các lò, cá cơm đã sấy khô chất đầy kho, sẵn sàng giao cho thương lái nước ngoài với giá 100.000-120.000 đồng/kg tùy loại lớn, nhỏ. Tôi hỏi thì được biết bình quân 3-4kg cá tươi được 1kg cá khô.

Tôi đã được bà Sáu Tịnh, chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết chưa bao giờ ngành nước mắm Phú Quốc gặp khó khăn như hiện nay. Đã có 30% số nhà thùng đóng cửa, và nếu tình hình tiếp tục thì từ đây tới cuối năm sẽ có thêm 20% nữa.

Có ý kiến cho rằng việc tranh mua cá cơm là theo quy luật thị trường. Ngư dân có thêm thu nhập, người dân có thêm công việc làm bằng nghề sấy cá. Có lẽ ý kiến này không nhận ra đây là một mũi tên nhắm nhiều đích: (1) hạ gục ngành nước mắm Phú Quốc nổi tiếng trên thế giới, (2) phá hoại ngành du lịch, một thế mạnh của đảo, (3) phá hoại môi trường và đa dạng sinh học, (4) tạo ra sự bất ổn trong lao động của đảo.

A8ycCzXh.jpgPhóng to
Trước mỗi lò sấy là một đống cây rừng bị đốn chặt để làm củi
oOzSGOgE.jpgPhóng to
Một ngôi nhà xây trên lòng đường Trần Hưng Đạo - Ảnh: N.N.Trân

3. Tuyến tỉnh lộ 46 mới bị sạt lở mái taluy nghiêm trọng

Tỉnh lộ 46 trước đây đi trên một vùng đồi núi rất đẹp. Do nhu cầu mở rộng giao thông, kết hợp với lấy đất đá xây dựng sân bay quốc tế, một tuyến đường mới đã được mở ra đi qua các núi Mặt Quỷ, dãy núi Bảy Rồng và núi Vô Hương.

Tháng 11-2011, làm việc với huyện Phú Quốc, tôi đã lưu ý về cấu tạo địa chất của mái taluy. Việc sạt lở taluy nhìn thấy hiện nay diễn ra đúng như dự báo, là kết quả của khảo sát và thiết kế tuyến đường không đủ nghiêm túc. Chín tháng sau khi sân bay quốc tế được khánh thành, tỉnh lộ 46 vẫn còn là một công trình bề bộn và sa lầy vì sạt lở! Tổng dự toán sẽ tăng và môi trường bị xâm hại.

4. Tư hữu hóa bãi Trường?

Bãi biển là tài sản công. Các nước không cấp phép xây dựng khách sạn, resort sát bãi biển và chiếm hữu bãi biển. Nhưng đi đường Trần Hưng Đạo dọc theo bãi Trường từ Dương Đông xuống thị trấn An Thới mới biết đường Trần Hưng Đạo không còn là tài sản công nữa, mà là đường nội bộ của một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Nhiều khu nhà được xây dựng ngay trên lòng đường và từ xa có biển cấm vào.

Thiết nghĩ phải trả lại đường Trần Hưng Đạo là tài sản công; ngừng cấp phép xây dựng khách sạn trên các bãi biển. Tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu thực hiện chủ trương này.

Cơ bản hơn nữa, Nhà nước xem xét ban hành Luật bờ biển như nhiều nước đã ban hành.

Mong có những chấn chỉnh kịp thời

Cách đây chín tháng tôi đã có bài tham luận “Để Phú Quốc phát triển bền vững” tại cuộc hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang - Việt Nam”, và đã viết trong bài “Du lịch và nông nghiệp nào cho Phú Quốc?” gửi đến lãnh đạo tỉnh Kiên Giang với tất cả tấm lòng.

Qua những gì trông thấy lần này, tôi cảm thấy âu lo. Mong rằng những nhận xét trên đây sẽ được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc chia sẻ, và nếu thấy đúng nên có những chấn chỉnh kịp thời vì sự phát triển bền vững của đảo.

Còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt để trở thành đô thị loại 2

Sáng 17-9, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo huyện Phú Quốc, ông Nguyễn Duy Thăng - thứ trưởng Bộ Nội vụ - đề nghị tỉnh Kiên Giang nên chọn phương án triển khai cùng lúc hai đề án: thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc trung ương (đặc khu Phú Quốc) và thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh.

Theo ông Thăng, việc tiếp tục triển khai đề án thành lập TP Phú Quốc là cần thiết nhằm tạo bước đệm về cơ sở hạ tầng, định suất đầu tư, phân bổ kinh phí, cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức..., tránh hụt hẫng khi đảo Phú Quốc trở thành đặc khu trực thuộc trung ương.

Theo đề án mà UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại 2 thì địa phương này còn khá nhiều chỉ tiêu chưa đạt về cân đối thu chi ngân sách, dân số toàn đô thị, số lượng cơ sở giáo dục - đào tạo, đất cây xanh nội thị, khu đô thị mới, tỉ lệ tuyến phố văn minh, số lượng không gian công cộng...

Ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết tỉnh hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của thứ trưởng Bộ Nội vụ.

KHOA NAM

Giáo sư NGUYỄN NGỌC TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên