29/01/2018 17:00 GMT+7

Phụ nữ dành 1/4 cuộc đời để làm việc không lương

THẾ TRUNG
THẾ TRUNG

TTO - Phần lớn phụ nữ gánh vác “công việc chăm sóc không lương” (CVCSKL) trong gia đình nhưng những vất vả và hi sinh của họ không được công nhận, thậm chí bị xem nhẹ và coi thường.

Quan niệm xưa cũ phương Đông về việc nữ giới phải lo chuyện bếp núc, nội trợ, quán xuyến nhà cửa và chăm sóc gia đình đã tạo ra không ít rào cản và thiệt thòi cho người phụ nữ. Vì thế hãy san sẻ, thấu hiểu và hành động nhiều hơn để giảm bớt phần nào những gánh nặng cho phụ nữ.

Chia sẻ để giữ lửa tổ ấm

David Moesley - một kỹ sư người Anh, sau 5 năm làm việc tại TP.HCM đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với một người phụ nữ Việt. Cứ đều đặn, David dành ra 1 ngày cuối tuần để "tranh" việc đi chợ của vợ.

"Đi chợ vui chứ, được gặp rất nhiều người, khám phá đồ ăn Việt, quan trọng nhất là mình "gánh" được một phần công việc nhà cho vợ" - David chia sẻ.

Cũng theo chàng kỹ sư này, ở quê hương anh, việc chia sẻ công việc chung là điều rất bình thường và tôn trọng nhau, anh lấy ví dụ: bố mình thường xuyên tranh nấu bữa tối với mẹ, dù cả bố và mẹ đều đi làm và lái xe đường dài để về nhà, nhưng với lý do đàn ông khỏe hơn nên bố mình sẵn sàng vào bếp để mẹ có thêm chút thời gian nghỉ ngơi.

Vừa tranh thủ đọc báo, uống ly cà phê buổi sáng, anh Đức Minh (Q.Tân Bình) cứ được vài phút lại nhìn đồng hồ tỏ vẻ sốt ruột. "Mình đang đợi đón con đi học về, rồi tranh thủ qua siêu thị mua vài món làm cái lẩu cuối tuần vui cả nhà" - anh Minh cười nói.

Với anh Đức Minh, đón con kết hợp đi siêu thị, đi mua đồ hay làm công việc bên ngoài đã quá quen thuộc. "Vợ dọn nhà, mình đi đón con, đưa con đi chơi hay mua sắm sẽ giảm bớt gánh nặng cho cả hai, ai cũng có chút thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn lấy lại sức" - anh Minh chia sẻ.

Phụ nữ dành 1/4 cuộc đời để làm việc không lương - Ảnh 1.

Gần đây, việc chia sẻ, gánh vác công việc chung giữa phụ nữ và đàn ông trong gia đình đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, phần đông phụ nữ vẫn là những người gánh vác công việc "chăm sóc không lương".

Theo TS Dương Kim Anh - phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam mỗi ngày dành 5 giờ đồng hồ cho các công việc chăm sóc không lương. Nếu tính mỗi ngày làm việc nhận lương là 8 tiếng thì thời gian trên bằng hơn 60% thời gian làm việc được trả lương.

Mỗi tháng, một người phụ nữ phải bỏ ra trung bình 150 giờ để thực hiện công việc chăm sóc không lương, con số này trong một năm là 1.800 tiếng.

Không chỉ chưa được tính vào giá trị và tăng trưởng kinh tế, thực trạng phân công công việc này còn cho thấy sự bất bình đẳng giới.

Trong khi nam giới dành phần lớn thời gian của mình vào công việc ngoài thị trường, được trả công thì hầu hết khối lượng công việc không được trả công do phụ nữ đảm nhận. Các lĩnh vực liên quan đến công việc chăm sóc không được trả công bị nữ hóa cao, trong khi đó các nhu cầu, mong muốn được chăm sóc của phụ nữ thường bị bỏ qua.

Phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử

Từ những bất bình đẳng về công việc chăm sóc không lương, tổ chức chống đói nghèo và bất bình đẳng ActionAid Việt Nam đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu về vấn đề này, trải dài từ tháng 1 tới tháng 6-2016. Cuộc khảo sát được phân bổ tại 9 tỉnh thành, nhiều vùng miền khác nhau đã gây sửng sốt với chính những người thực hiện.

Theo đó, ở Việt Nam, công việc chăm sóc không lương thường được coi là việc đương nhiên của phụ nữ. Dù những công việc này tiêu tốn thời gian, lặp đi lặp lại hằng ngày và khá nặng nhọc khiến phụ nữ phải hi sinh nhiều thời gian và quyền lợi của mình, công việc chăm sóc không lương thường không nhận được sự chú ý và trân trọng của các thành viên trong gia đình, xã hội và ngay cả bởi chính bản thân người phụ nữ.

Phụ nữ dành 1/4 cuộc đời để làm việc không lương - Ảnh 2.

Bà Hoàng Phương Thảo, đại diện ActionAid Việt Nam, cho biết: "Qua hành trình 25 năm cam kết hỗ trợ Việt Nam xóa bỏ đói nghèo và bất công, ActionAid đã chỉ ra bất bình đẳng giới chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ sâu xa giới hạn sự phát triển tiềm năng xã hội của người phụ nữ trong thời buổi kinh tế toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy phải đưa ra giải pháp cho vấn đề này, giải quyết bất bình đẳng từ chính mỗi gia đình, qua những công việc chăm sóc không lương tưởng chừng nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng".

Kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi ngày, trung bình phụ nữ VN dành 5 giờ cho các CVCSKL, nhiều hơn nam giới 2,5 - 3 giờ. Ở những cộng đồng đặc biệt, phụ nữ dành trung bình 9 giờ mỗi ngày để chăm sóc cho gia đình mình, đi lấy củi, lấy nước, nấu cơm. Và đương nhiên là họ không còn thời gian để làm những việc khác mà họ muốn để phát triển bản thân, làm đẹp, học tập hay nghỉ ngơi.

Bà Thảo đánh giá nguyên nhân của sự phân bổ CVCSKL không công bằng nói riêng, và bất bình đẳng giới nói chung là tâm lý trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào nhận thức của xã hội. Nhưng nghiên cứu cũng chứng minh rằng thái độ ấy có thể thay đổi được thông qua truyền thông, qua nâng cao nhận thức, khi các thành viên gia đình, cộng đồng và bản thân người phụ nữ hiểu rõ về vấn đề CVCSKL, từ đó công nhận, giảm thiểu và phân bổ những gánh nặng này.

Đồng hành cùng ActionAid Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu, thực hiện khảo sát, từ đó thấu hiểu những vất vả và hi sinh thầm lặng của người phụ nữ, nhãn hàng Neptune đã thực hiện một chiến dịch mang tên "Hiểu để yêu thương". Chiến dịch đã hiện thực hóa những "con số biết nói" nhằm nhấn mạnh và chỉ ra những gánh nặng hằng ngày đang đè trên vai người phụ nữ, đồng thời mong muốn thay đổi nhận thức của xã hội và khuyến khích đấng mày râu hãy thấu hiểu cũng như những hành động thiết thực cùng chia sẻ việc nhà với người phụ nữ trong gia đình.

Phụ nữ dành 1/4 cuộc đời để làm việc không lương - Ảnh 4.

Ông Phạm Ngọc Tiến, vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động - thương binh và xã hội

Đánh giá cao ý nghĩa của chiến dịch "Hiểu để yêu thương", ông Phạm Ngọc Tiến, vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, chia sẻ: "Bình thường, các công ty sẽ chỉ làm truyền thông, quảng cáo với mục đích là bán hàng, nhưng Neptune đã làm được nhiều hơn thế. Tôi đánh giá rất cao việc làm của nhãn hàng dầu ăn Neptune.Thông điệp Hiểu để yêu thương mà nhãn hàng muốn truyền tải là một thông điệp văn minh, hướng tới hạnh phúc của tất cả mọi người. Thay đổi tư duy, thói quen là việc làm không dễ nhưng với sự vào cuộc, chung tay của nhiều đơn vị, tôi tin việc này sẽ thành công".

THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên