04/02/2021 14:00 GMT+7

Phở yêu thương

MINH HUỲNH
MINH HUỲNH

Ngày của Phở sau 4 năm tổ chức đã ghi được một số điểm son trong lòng bạn đọc Tuổi Trẻ yêu món ăn này. Nhưng, điểm son lớn nhất chính là sự kiện mang phở đến với trẻ em vùng sâu vùng xa, được tổ chức từ năm 2019.

Phở yêu thương - Ảnh 1.

Hơn 2.000 bát phở được nấu bởi các Hoa hồi Vàng, Hoa hồi Bạc 2020 phục vụ trẻ em bản Mà, xã Ngọc Lâm, Thanh Chương, Nghệ An - Ảnh: NAM TRẦN

Chúng ta hãy nghe tâm sự của người có ý tưởng tổ chức sự kiện này...

Tôi có một sự may mắn là được tham gia nhiều sự kiện từ thiện, được chứng kiến vô vàn ánh mắt trẻ thơ sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Rồi tôi cũng may mắn được phân công tham gia tổ chức sự kiện Ngày của Phở ngay từ đầu vào năm 2017...

Phở đến với trẻ nghèo

Ngày của Phở ra đời từ một chuyện rất tình cờ, đó là trong một lần trò chuyện với lãnh đạo Công ty Acecook, nhà báo Xuân Toàn (báo Tuổi Trẻ) nghe được rằng bên Nhật, người ta đã tổ chức Ngày phở Việt Nam vào ngày 4-4-2016 (họ chọn ngày 4-4 vì phát âm số 4 theo tiếng Anh là four, nghe na ná như tiếng "phở").

Ồ, tại sao một món ăn hết sức quen thuộc, đầy ấn tượng của Việt Nam, nhưng lại có "ngày truyền thống" ở Nhật mà không có ở nơi nó khai sinh? Từ câu hỏi đó của nhà báo Xuân Toàn, ý tưởng tổ chức Ngày của Phở vào ngày 12-12 hàng năm (chỉ cho dễ nhớ) đã ra đời, và lãnh đạo Acecook cũng đã quyết định đồng hành cùng Tuổi Trẻ.

Tôi may mắn được phân công tham gia tổ chức sự kiện Ngày của Phở lần đầu vào năm 2017 tại White Palace (Hoàng Văn Thụ, TP.HCM), và tiếp tục cho đến lần thứ tư vào năm 2020.

Sau hai năm chứng kiến cảnh hàng ngàn người tại hai thành phố lớn (TP.HCM năm 2017, và Hà Nội năm 2018) háo hức xếp hàng dài chờ được thưởng thức những bát phở nóng thơm ngon từ các thương hiệu trứ danh tại sự kiện Ngày của Phở 12-12, tôi chợt nhớ đến những ánh mắt trẻ thơ có số phận hẩm hiu mà mình từng được chứng kiến trong các chuyến đi từ thiện.

Tại sao vậy? Những người Hà Nội, Sài Gòn đến với sự kiện Ngày của Phở đa phần là thực khách sành ăn, không thiếu điều kiện. Họ đến để thưởng thức, tìm hiểu về món ăn tuy quen nhưng luôn muốn được khám phá, tìm hiểu này.

Ồ, những người sành ăn còn thế, thì sao không mang phở đến cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa?

Bản thân tôi đã từng nhiều lần đi cùng các đoàn từ thiện, vào bếp nấu cho những đứa trẻ này những món ăn đơn giản thôi, nhưng không bao giờ quên được những đôi mắt sáng long lanh của các bé khi được ăn ngon, ăn có chất.

Ở nước mình, tuy kinh tế đang có khá lên, nhưng trẻ nghèo ở vùng sâu vùng xa còn nhiều lắm. Chả thế mà cựu phó tổng giám đốc VTV, ông Trần Đăng Tuấn đã mở ra chương trình Cơm có thịt, thu hút được đông đảo các nhà hảo tâm tham gia.

Kết nối hình ảnh từ những chuyến đi từ thiện mà tôi được chứng kiến, cùng với sự kiện Ngày của Phở đang làm, tôi mạnh dạn đề xuất thêm một sự kiện trong chuỗi các sự kiện Ngày của Phở, bắt đầu từ năm thứ 3, 2019. Đề xuất đó đã được Ban tổ chức Ngày của Phở chấp thuận...

Phở yêu thương - Ảnh 2.

HHV Nguyễn Tiến Đức, Đức Huy, Hồng Tân cùng HH Lương Thùy Linh nấu phở xuyên đêm cho hàng ngàn em nhỏ Bản Mà - Ảnh: NAM TRẦN

Những bát phở đầu đời

Mang phở về với trẻ vùng sâu được thực hiện lần đầu tiên vào dịp sự kiện thần thứ 3 Ngày của Phở, tại Sóc Bom Bo cùng những bản, làng lân cận của xã Bình Minh (huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Trong đêm mười sáu trăng tròn của tháng 11-2019, dưới mái trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, chúng tôi, những người thực hiện chương trình và các đầu bếp, nghệ sĩ, hoa hậu... đã cùng nhau nhóm bếp củi.

Năm ấy, Hoa hồi vàng Cao Văn Luận (Việt kiều Úc) đã cùng chị Thanh Nguyên (chủ thương hiệu phở Hai Thiền) thức nguyên đêm canh nồi phở. Trong nồi phở của anh Luận và chị Nguyên có 40kg thịt bò Úc. Nồi phở ấy, mọi người ví von rằng nó nấu bằng ngọn lửa đặc biệt - ngọn lửa từ trái tim!

Cũng đêm ấy, những nụ cười rạng rỡ luôn hiển hiện trên gương mặt ca sĩ Thụy Vũ, diễn viên Đào Vân Anh, hoa hậu Diễm Hương... Dù trời đã về khuya, sương đêm xuống ướt lạnh, nhưng ai cũng vui vẻ xắn tay áo cùng các đầu bếp tráng bánh, nấu nước dùng phở...

Phở yêu thương - Ảnh 3.

HHV Trúc Linh, Thanh Hà, Tiến Đức, Khánh Thủy chuẩn bị hàng ngàn suất phở cho trẻ Bản Mà - Ảnh: Minh Huỳnh

Gần 2.000 suất phở đã hết vèo trong một buổi sáng se se lạnh giữa bản làng xa xôi, hẻo lánh. Hầu hết các em nhỏ đều ăn một cách vô cùng hạnh phúc. Có em ăn đến 3 bát. 

Chị Nhơ (người dân tộc S’tiêng) địu hai con nhỏ đến ăn rồi rụt rè xin mang về cho những cụ già vì tuổi cao sức yếu không thể đến được. 

"Lần đầu tiên trong đời, tôi và các con mới được ăn phở", chị Nhơ không giấu được xúc động.

Chứng kiến cảnh ấy, ca sĩ Thụy Vũ bồi hồi: "Tôi có bốn người con, được dạy dỗ và nuôi dưỡng rất khoa học, đủ đầy, cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Thật khó để so sánh, nhưng có lẽ nhìn những nỗi vui mừng và hạnh phúc của các cháu nhỏ nơi đây khi hồ hởi thưởng thức bát phở nóng, mới thấu hết được những khó khăn, thiệt thòi mà các em đã trải qua...".

Phở yêu thương - Ảnh 4.

Chị Trần Thị Lan va HHV Nguyễn Tiến Hải tất bật chuẩn bị hàng ngàn suất phở cho trẻ em Bình Phước - Ảnh: Duyên Phan

Lời cầu nguyện trước thềm Xuân

Chứng kiến những gương mặt trẻ thơ tràn trề hạnh phúc khi lần đầu tiên được ăn phở, trong lòng chúng tôi tự nhủ: Ngày của Phở sang năm (2020) mình phải quay lại. Không thể chỉ một lần rồi thôi... Nhưng, nước mình còn nhiều nơi nghèo quá. Thế là lời hứa với lòng đã không thể thực hiện.

Hàng loạt những địa danh ở các tỉnh miền Trung vừa hứng chịu thiên tai, các tỉnh vùng núi phía Bắc... đã được đưa ra để bàn thảo. Chỗ nào cũng đáng đưa phở về cả. Nhưng cuối cùng Ban tổ chức quyết định chọn Bản Mà (huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Bên ánh lửa bập bùng đêm trước ngày phục vụ hơn 2.000 suất phở, các đầu bếp, là những Hoa Hồi Vàng 2020 và đại diện các thương hiệu trong Top 10 thương hiệu phở được yêu thích, cùng với hoa hậu Diễm Hương, hoa hậu Lương Thùy Linh, ca sĩ Hà Vân... đã thể hiện tình yêu và niềm đam mê với phở khi chăm chút cho nồi nước dùng thật ngon ngọt.

Thương nhất vẫn là những em nhỏ không cưỡng nổi mùi thơm béo ngậy của nước dùng giữa trời đông giá rét, đã ngồi bệt dưới sân trường, chẳng màng đến bàn ghế mà những người thực hiện chương trình đã dày công sắp xếp, xì xụp húp. Miệng vừa nhai vừa nói cười không ngớt, bông đùa cùng bạn đồng trang lứa.

"Con ăn 5 bát được không cô?", bé Duy (lớp 7) đã dạn dĩ cất lời với chúng tôi rồi sung sướng vỡ òa khi nhận được cái gật đầu khích lệ.

Chia tay Bản Mà trong một chiều đông lạnh lẽo, nhìn những bàn tay bé xíu vẫy vẫy, trong lòng lại dậy lên lời tự nhủ: chắc phải quay lại đây thôi. Tự nhủ thế, nhưng rồi lại nhớ sự thất hứa với Sóc Bom Bo mà giật mình: Vẫn còn nhiều nơi nghèo khổ, vẫn còn nhiều trẻ cả đời chưa nếm phở...

Ôi, đến bao giờ tất cả trẻ con vùng sâu vùng xa mới xem phở là một món ăn bình thường như trẻ con Hà Nội, Sài Gòn...

Nghĩ đến đó cảm thấy bất lực, chỉ biết cầu nguyện trước thềm xuân: Giá mà có thật nhiều tấm lòng hảo tâm cùng hợp tác để mang phở ngon đến muôn nơi; cầu cho nước mình giàu lên...

Phở yêu thương - Ảnh 5.

Các em nhỏ Stiêng vui mừng thưởng thức phở - Ảnh: MINH HUỲNH

Phải đưa phở đi nhiều nơi nữa

Nói về Ngày của Phở lần thứ tư - 2020, ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam - cho biết: "Tôi rất vui và hạnh phúc.

Ngày của Phở 2020 diễn ra tại Hà Nội, được nhiều người đến tham gia rất hào hứng. Những nghệ nhân nấu phở ngon ở mọi miền đất nước Việt Nam cũng quy tụ về để trổ tài và chung tay nấu những tô phở rất thơm ngon phục vụ cho thực khách.

Cũng nhân dịp này, tôi đã thử được rất nhiều hương vị phở ngon của nhiều nghệ nhân tham gia chương trình, lại càng cảm nhận được rõ hương vị phở đặc trưng riêng cho từng vùng miền, nhưng lại có một điểm chung rất riêng ở món phở".

mr

Vì lý do cá nhân, ông đã không thể tham gia hoạt động cộng đồng "Phở về với trẻ vùng sâu" tại Bản Mà. Song, khi nhận được những hình ảnh và tin tức gửi về, ông cho biết đã thực sự xúc động.

"Mặc dù không trực tiếp tham gia đi cùng chương trình, nhưng những hình ảnh gửi về luôn để lại trong tôi những cảm xúc khó tả. Tôi hi vọng những chương trình nhân văn và ý nghĩa như vậy sẽ tiếp tục được duy trì và tổ chức đến nhiều nơi khó khăn hơn nữa, để nhiều người.

Đặc biệt, các em nhỏ có cơ hội thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của quê hương", ông Kariwara chia sẻ.

Nấu phở ngon, trao quà và lì xì cho 200 em mồ côi, khuyết tật Nấu phở ngon, trao quà và lì xì cho 200 em mồ côi, khuyết tật

TTO - Đầu năm mới, với mong muốn mang hương vị phở đi khắp mọi miền, các Hoa hồi vàng của chương trình Ngày của phở đã cùng nhau nấu và phục vụ các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TP.HCM.

MINH HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên