Phở và tỏ bày tình yêu của mẹ

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 13/12/2020 00:10 GMT+7

TTCT - Những người mẹ Việt Nam thuộc thế hệ mẹ tôi ít khi nói với con mình “mẹ yêu con”. Họ bày tỏ tình yêu đó bằng việc nấu cho con ăn những bát phở nghi ngút tình yêu.

Phở và quẩy của Lan Phương tự nấu. Ảnh: N.P.Q.M.

Tôi lớn lên ở vùng sông nước Cửu Long. Xóm tôi hồi ấy không khá giả, nhưng giàu có bởi mùi thơm bay lên từ gian bếp mỗi gia đình. Bác hàng xóm cạnh nhà tôi hay nấu bún mắm, nhà đối diện thỉnh thoảng nấu bún riêu, còn mẹ tôi - một người di cư - đã đem theo quê hương đến miền đất mới bằng cách nấu món phở của miền Bắc.

Hẳn là món phở của mẹ được nấu bằng tình yêu dành cho cha tôi và ba anh em tôi nên nước phở lúc nào cũng rất trong và ngọt, bánh phở vừa mềm vừa dai. Mẹ nấu phở kiểu Bắc nhưng chúng tôi ăn theo kiểu miền Nam, với nhiều loại rau thơm và ớt hái từ vườn nhà. Tô phở nóng hổi và thơm phức, chúng tôi ăn hạnh phúc trong sự đoàn tụ giữa những tháng năm bộn bề gian khó.

Ngày đó, vào những năm 1980, giữa thời bao cấp, để nấu phở mẹ phải dậy sớm xếp hàng để mua được một chút thịt. Nếu không có được thịt, chúng tôi ăn phở chay. Mẹ nấu phở vào mỗi dịp đặc biệt và mỗi khi một trong ba đứa con của mẹ bị ốm. Mẹ luôn tin vào điều kỳ diệu của phở - vào khả năng chữa lành của những gừng, quế, thảo quả, hoa hồi, hạt mùi... Mỗi lần mẹ nấu phở, không chỉ gian bếp, mà cả nơi tôi ngồi học cũng thơm lừng mùi hành và gừng nướng, mùi quế, thảo quả, hoa hồi, hạt mùi rang…

Từ lúc 17 tuổi, tôi phải sống xa mẹ. Từ giã quê nhà Bạc Liêu, tôi lên Sài Gòn học, sau đó sang Úc để tiếp tục chương trình đại học. Trở về Việt Nam, tôi vẫn phải ở cách xa mẹ cả nghìn cây số bởi tôi làm việc ở Hà Nội. Sau đó tôi lấy chồng, có con rồi cùng chồng hai con bôn ba sang nhiều quốc gia, đầu tiên là Bangladesh, sau đó là Philippines, Bỉ và bây giờ là Indonesia. Mỗi khi tôi trở về thăm nhà, mẹ luôn nấu món phở của ngày xưa cũ. Trong gian bếp thơm lừng của mẹ, khi mẹ nấu phở, cha tôi, các anh tôi, các chị dâu và tôi lăng xăng phụ giúp, hoặc tìm cái cớ nào đó để có mặt ở trong bếp với mẹ, để được rôm rả trò chuyện.

Ngày trước khi tôi lên máy bay rời xa quê hương cũng là ngày mẹ tôi ra chợ, mua gia vị, nước mắm và bánh phở khô cho tôi mang đi. Có đôi lần, khi đến nơi, mở vali ra, tôi òa khóc. Khóc là bởi tôi là đứa con bất hiếu khi suốt ngày lang thang ở những chân trời xa tắp, để cha mẹ mình ở nhà mong ngóng. Khóc vì mùi thơm của quế, thảo quả, hoa hồi tỏa ra, như tình yêu vô bờ bến của cha mẹ, an ủi, vỗ về.

Phở và quẩy do Thanh Nga tự làm. Ảnh: N.P.Q.M.

Đối với tôi và hàng triệu người Việt khác đang phải sống xa quê, phở là chiếc cầu nối để chúng tôi trở lại với quê nhà. Trong tất cả các gia đình người Việt mà tôi quen biết ở nước ngoài, không ai không tự nấu phở. Đó là món ăn đoàn tụ của gia đình, cũng là món đặc biệt, đẫm hương vị quê hương để chúng tôi thết đãi bạn bè. Những năm tôi sống ở Úc và châu Âu, nấu được phở rất khó khăn vì những nơi đó không có nhiều cửa hàng châu Á, không phải nơi nào cũng có đủ gia vị, bánh phở, rau thơm. Gần đây, khi nói chuyện với một người bạn có chồng người Hà Lan, bạn kể với tôi rằng cô từng đến ba cửa hàng châu Á khác nhau ở thành phố gia đình chồng ở mà cũng không tìm đủ gia vị nấu phở. Vì thế cô và những bạn bè người Việt ở nước ngoài của tôi luôn đem những loại gia vị phở cùng bánh phở từ Việt Nam sang. Các gia đình Việt Nam xa quê khi gặp gỡ nhau, quà tặng cho nhau nhiều khi là một gói phở khô được đem từ quê nhà, gia vị phở, hoặc một chút rau thơm. Khi tôi ở Manila (Philippines) một người bạn từ Hà Nội là chị Thảo đã tặng tôi mực khô đem từ Việt Nam sang để nấu phở ngon hơn. Chị vào bếp, chỉ cho tôi cách nướng mực, cho mực nướng vào hầm cùng xương. Còn ở Jakarta (Indonesia) một người bạn từ Hải Phòng là chị Vân đã cất công đem sang và tặng tôi một gói sá sùng. Món phở nhà nấu của chị Vân vô cùng đặc biệt nhờ vị ngọt và thơm của sá sùng.

Tháng 12 năm ngoái, khi cha mẹ cùng cả gia đình sang Indonesia thăm tôi, trong hành trang của mọi người, có một vali đầy bánh phở và nước mắm. Mọi người nói rằng tôi thật may mắn khi sống ở Indonesia, vì các loại gia vị để nấu phở ở đất nước vạn đảo này vô cùng phong phú, sẵn ở các siêu thị và ở các ngôi chợ ngoài trời. Tôi níu giữ ký ức tuổi thơ của mình bằng cách nấu phở theo lối Bắc nhưng ăn phở theo phong cách miền Nam với thật nhiều rau thơm - những loại rau mọc xanh um ở bancông của tôi. May mắn là Jakarta có khí hậu ôn đới giống Bạc Liêu của tôi ngày đó, vì thế rau thơm ở đây cũng thơm hương vị quê nhà.

Những người bạn mê nấu ăn của tôi ở Jakarta đều có nhiều câu chuyện đặc biệt về phở và những cách thức khác nhau mà họ tìm tòi, sáng tạo để nấu được món phở gà, phở bò thơm nức, nước trong vắt, cách làm món quẩy giòn tan, nóng hổi để ăn kèm phở, cả cách dùng nồi ủ để hầm xương cho tiết kiệm năng lượng và thời gian mỗi khi nấu phở, chuyện họ trữ bánh phở khô đủ loại mỏng, dày mang từ Việt Nam sang. Một người bạn khác từ Sài Gòn tới, đã mở được cả một chuỗi nhà hàng Việt Nam để giới thiệu sự trù phú của phở và các món ăn Việt Nam cho người Indonesia, với bánh phở tươi được làm ngay tại đây, và cả các loại rau thơm như húng quế, húng láng, ngò gai… tự trồng ngay trên đất Indo.

Có thể nói, mỗi người Việt xa quê đều có một câu chuyện đặc biệt về phở. Đối với chúng tôi, phở không đơn giản là một món ăn. Nó còn là nỗi thương nhớ quê hương, là những cây cầu, con thuyền đưa chúng tôi về lại với quê nhà. Phở còn là di sản của mọi người Việt - là món quà tình thương của bao bà mẹ Việt Nam đã ấp ủ, nâng niu và trao tặng những đứa con của mình. Những người mẹ, người cha của Việt Nam đã nấu phở cho con của mình ăn, rồi khi lớn lên, chúng tôi lại tiếp tục truyền thống đó đối với bạn bè, với những đứa con của mình.

Có lẽ mùi thơm của phở do mẹ tôi nấu đã len lỏi vào những trang sách tôi đọc thời thơ ấu, vì thế giờ đây mùi thơm ấy luôn đi theo tôi, phảng phất trong các trang viết của tôi. Tôi viết về phở trong thơ và cả trong tiểu thuyết đầu tay của tôi, The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang, đã được ra mắt và ở Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Úc, New Zealand…). Trong các buổi giao lưu trực tuyến, nhiều bạn đọc hỏi tôi rằng phở có vai trò gì trong đời sống người Việt, tôi đã kể cho họ rằng những người mẹ Việt Nam thuộc thế hệ mẹ tôi ít khi nói với con mình “mẹ yêu con”. Họ bày tỏ tình yêu đó bằng việc nấu cho con ăn những bát phở nghi ngút tình yêu - những bát phở ấy nuôi dưỡng không chỉ thân thể mà còn tâm hồn của những đứa trẻ - rồi chúng sẽ lớn lên, sẽ yêu gia đình, yêu quê hương và yêu bản sắc của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận