21/10/2019 14:40 GMT+7

Phó tổng thư ký ASEAN: Nguy cơ tư duy kẻ thắng - người thua chi phối quan hệ quốc tế

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Theo Phó tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn, các quốc gia vốn ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa toàn cầu nay trở nên hướng nội hơn, góp phần dẫn tới nguy cơ tư duy kẻ thắng - người thua quay lại chi phối các mối quan hệ quốc tế.

Phó tổng thư ký ASEAN: Nguy cơ tư duy kẻ thắng - người thua chi phối quan hệ quốc tế - Ảnh 1.

Quang cảnh Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh - Ảnh: BẢO TRUNG

Phó tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn ngày 21-10 dẫn lại lịch sử, khẳng định trong quá khứ Đông Nam Á đã lấy hợp tác để hóa giải căng thẳng địa chính trị và đây là giải pháp bền vững.

Phát biểu của ông Hoàng Anh Tuấn được đưa ra tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 20 đến 22-10.

Được xem là diễn đàn an ninh cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La (Singapore), Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm nay có chủ đề "Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Ông Hoàng Anh Tuấn, phó tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã chia sẻ góc nhìn của ASEAN về tình hình quốc tế và cách thức hiệp hội này duy trì hòa bình, ổn định.

Mở đầu bài phát biểu ngày 21-10, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định trật tự thế giới đang chịu thách thức nghiêm trọng. Trong đó, các quốc gia vốn ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa toàn cầu nay trở nên hướng nội hơn trong chính sách của mình. Điều này góp phần dẫn tới nguy cơ tư duy kẻ thắng - người thua quay lại chi phối các mối quan hệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Anh Tuấn sử dụng cụm từ "sự đứt gãy lớn" của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres để mô tả tình hình thế giới. Cụ thể, theo cảnh báo của ông Guterres tại kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 qua, thế giới giống như bị chia đôi khi hai nền kinh tế lớn nhất (tức Mỹ và Trung Quốc) tạo ra hai thế giới riêng biệt và cạnh tranh lẫn nhau, từ tiền tệ, thương mại cho tới luật tài chính hay quyền lực chi phối Internet...

Tuy nhiên lịch sử đã nói lên rằng bản thân ASEAN cũng là một hình mẫu cho việc tìm thấy giải pháp giữa những cọ xát toàn cầu.

"Điều đáng nói là ASEAN được sinh ra vào năm 1967, ở thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ. Lúc đó, tác động từ sự cạnh tranh thù địch giữa hai siêu cường này đã áp xuống Đông Nam Á, với việc một số nước xung đột lẫn nhau và xung đột với cường quốc ngoài khu vực, đơn cử trường hợp Đông Dương. Khu vực này cũng thiếu cơ chế trong việc đặt ra nhận thức và giá trị chung cho quan hệ liên quốc gia", Phó tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn nói.

Trước thách thức ấy, các quốc gia sáng lập ASEAN đã tìm thấy tầm nhìn chung rằng vòng xoáy bạo lực phải chấm dứt, và hợp tác khu vực chính là giải pháp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng dài lâu.

Tầm nhìn này được thể hiện trong nỗ lực của ASEAN về việc phát triển nhiều công cụ khác nhau qua năm tháng, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác khu vực và nhấn mạnh sự hiện diện của ASEAN trong các sáng kiến quốc tế. 

Một trong những công cụ ấy là Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976, được cho đã đóng góp quy tắc ứng xử then chốt cho quan hệ liên quốc gia trong khu vực.

Song hành cùng những thách thức cụ thể khác, ASEAN đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy các thể chế đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM-Plus) hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Hiện nay, thế giới đang chịu sự chi phối từ hàng loạt sáng kiến từ phát triển hạ tầng lẫn hợp tác thương mại như Vành đai - Con đường (Trung Quốc) hoặc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ). 

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng đây là biểu hiện của sự cạnh tranh nước lớn thì ASEAN lại chọn cách tiếp cận khác, muốn tạo ra sự phối hợp giữa các sáng kiến này hơn là nhìn nó như sự cạnh tranh.

Cách tiếp cận của ASEAN, được nhấn mạnh ở việc hướng tới tương lai và hợp tác song song với việc thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN trong các sáng kiến, đã và đang mang tới thành công cho ASEAN trong 52 năm qua. Sự thành công của ASEAN bản thân nó cũng là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương vẫn phù hợp và mang lại lợi ích cho những năm tiếp theo.

Các nước ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông Các nước ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông

TTO - Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 diễn ra tại Đà Lạt vào ngày 15-10.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên