10/02/2021 15:57 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Lo ngại có ổ dịch khác tại TP.HCM chưa được phát hiện'

THẢO LÊ
THẢO LÊ

TTO - Tại cuộc họp với UBND TP.HCM chiều 10-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP.HCM có nhiều trường hợp F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính, không loại trừ khả năng F2 chính là F1 của một ổ dịch khác mà ngành y tế chưa phát hiện ra.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Lo ngại có ổ dịch khác tại TP.HCM chưa được phát hiện - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch - Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho rằng hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với TP.HCM tổ chức xét nghiệm kháng nguyên để tìm lời giải cho việc tại sao F1 âm tính mà F2 lại dương tính. 

Có hai giả thuyết được đưa ra, thứ nhất F1 đã qua thời gian dương tính, đã tự khỏi bệnh. Thứ hai F1 có thể chính là F0 lây dịch cho bệnh nhân 1979 sau đó lây cho các F2.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh hai giả thuyết Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đưa ra, ông rất quan ngại về việc có khả năng F2 chính là F1 của ổ dịch khác tại TP.HCM mà ngành y tế chưa phát hiện ra. 

Theo đó, ngành y tế nên xác định các giải thuyết đều có khả năng xảy ra như nhau, không thể bỏ sót trường hợp nào.

Theo Phó thủ tướng, trong thời gian ngắn ngành y tế không thể xét nghiệm cho cả 10 triệu dân để tìm ra nguyên nhân dịch bệnh lây lan nhưng phải có đánh giá tổng thể liệu có ổ dịch nào khác trên địa bàn TP hay không.

"Nguồn lây có thể từ sân bay nhưng không loại trừ khả năng nguồn dịch lây lan từ người nhập cảnh trái phép dù lực lượng của chúng ta đã rất nỗ lực ngăn chặn. Tôi rất lo ngại có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, mầm bệnh có thể đã có khá lâu tại TP rồi nhưng không bùng phát, vẫn len lỏi. Chỉ bằng biện pháp tầm soát, giám sát trọng điểm mới có thể phát hiện", ông Đam nói.

Ông Đam cho rằng rút kinh nghiệm từ các ổ dịch trước đây, ngành y tế phải tổ chức tầm soát ở những nơi có nguy cơ dịch cao để đánh giá được mức độ dịch trong cộng đồng.

Trước đó, TP đã triển khai các bộ quy tắc về an toàn phòng chống dịch tại trường học, bệnh viện, doanh nghiệp... Ông Đam cho rằng cần tích cực phát huy việc này. Bên cạnh đó, việc truy vết dịch tễ qua hệ thống camera rất hiệu quả nên các doanh nghiệp cần tăng cường hệ thống này.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Lo ngại có ổ dịch khác tại TP.HCM chưa được phát hiện - Ảnh 2.

Nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham gia cuộc họp - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Tham dự cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng không nên gọi chung “dịch đang diễn ra tại 13 địa phương” bởi tính chất lây nhiễm mỗi nơi khác nhau, tránh gây căng thẳng trong cách ứng xử của các địa phương. 

Hiện TP.HCM có 46 người đang điều trị, tỷ lệ 5,1 người nhiễm/1 triệu dân. Trong khi đó, cường độ lây nhiễm ở Hải Dương hiện gấp 34 lần TP.HCM, Quảng Ninh gấp 9 lần. 

Theo ông Nhân, cần có tiêu chí rõ ràng, khi nào một tỉnh thành được coi là có dịch. Dịch của tỉnh thành đạt tiêu chí nào sẽ lập tức triển khai các biện pháp kiên quyết theo mức độ của tiêu chí đó.  

Nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết TP đã chủ động tầm soát, phát hiện dịch bệnh. Đến nay, đã xét nghiệm và có kết quả 97% số F1, F2 trong tổng số 2.344 người. Ngày 11-2, TP sẽ có kết quả của hơn 65 người còn lại. 

TP cũng đã triển khai giải pháp 100% nhân viên sân bay trước khi đi làm phải được kiểm tra, xét nghiệm; xét nghiệm lần 2 cho hơn 1.600 nhân viên bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất. 

“Nên chăng tính toán bố trí chỗ ở cho hơn 1.600 người này. Nếu trong 2-3 tuần không có nhiễm bệnh thì mới để họ trở về cộng đồng vì những người này có nguy cơ lớn nhất”, ông Nhân đưa ý kiến. 

Với gia đình 1.600 nhân viên trên, TP đã kiểm soát 59% người, TP cần tập trung làm tiếp và 2-3 ngày tới phải có kết quả kiểm tra. 

Sắp tới, TP có phương án sẵn sàng cách ly và chữa trị khi số người dương tính tăng từ 30 lên 50 người. Nếu gần 50 người thì chuẩn bị phương án có 80 người. Đội ngũ y tế phải chủ động, đào tạo đội ngũ bổ sung để các cơ sở y tế không bị quá tải. 

TP cần công bố kế hoạch kiểm soát trong vòng 4 tuần, quyết tâm “toàn hệ thống chính trị, mỗi người dân, mỗi gia đình vào cuộc với phương châm khổ trước sướng sau”, phải chịu cực trước thì mới cắt làn sóng lây nhiễm. 

“Chúng ta nên căn cứ cường độ lây nhiễm để chọn nơi nào có nguy cơ và tập trung khoanh vùng, rà soát trước. Cứ 1 triệu dân có 10 người phải điều trị thì địa phương đó bắt đầu mất ổn định. Quận, huyện, phường, xã nào bình quân 100.000 người dân có trên 1 người dân mắc bệnh, điều trị tại chỗ thì địa phương đó phải được ưu tiên”, ông Nhân nói.

Sinh viên định ở lại Sài Gòn xuyên Tết ‘trở tay không kịp’ trước dịch COVID-19 Sinh viên định ở lại Sài Gòn xuyên Tết ‘trở tay không kịp’ trước dịch COVID-19

TTO - Năm nay, số lượng sinh viên chọn ở TP.HCM thay vì về quê ăn Tết cùng gia đình nhiều hơn thường lệ, một phần vì COVID-19. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít bạn ‘tiến thoái lưỡng nan’ với các kế hoạch trước đó của mình.



THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên