TTO - Dưa hấu ùn ứ, có "giải cứu" cũng chỉ mua được 5 - 10kg/người. Một phó giáo sư tại Hà Nội tìm ra hướng đi khác: áp dụng công nghệ để "giải cứu" nông sản. Làm việc liên tục với cường độ cao, nhưng chưa bao giờ chị mong được châm chước chỉ vì là… phụ nữ.

8h30 sáng, chàng trai khuyết tật Phạm Đức Chinh (đang theo học thạc sĩ) cùng nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội nhanh nhảu cắt, gọt, sơ chế dưa hấu vừa được "giải cứu".

Dưa tách hạt, ép nước xong xuôi được đưa vào thiết bị cô đặc bằng công nghệ JEVA (Juice EVAporation) do PGS.TS Nguyễn Minh Tân (47 tuổi, viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) phát triển.

Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 1.

Chinh nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến phòng lab của Viện Nghiên cứu và phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên vận hành máy móc đã được cô giáo Tân động viên: "Đưa công việc, áp dụng kiến thức đã học làm điều gì đó giúp ích cho cuộc sống".

Chính câu nói đó thôi thúc anh đến với khoa học rồi gắn bó với nơi này suốt 5 năm qua. Không có gò má, hở hàm ếch, không vành tai và ống tai, ít ai nghĩ Chinh tốt nghiệp loại giỏi, nằm trong top 20 của trường.

Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 2.

Đảm nhiệm vai trò là trợ lý nghiên cứu tại viện, đều đặn mỗi ngày Chinh "không tai" đến phòng lab cùng cô Tân hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm cô đặc dưa hấu cũng như các loại nông sản khác.

"Bản thân tôi là người khuyết tật, việc có thể tham gia nghiên cứu, học tập nhờ rất nhiều vào bạn bè xung quanh, đặc biệt sự giúp đỡ của thầy cô. Cô Tân là người dìu dắt, định hướng lối đi đúng đắn để tôi làm công trình nghiên cứu phù hợp với sức khỏe", Chinh chia sẻ ấn tượng về "người thầy" dẫn lối anh đến với khoa học.

Cùng đam mê tách, chiết các hợp chất thiên nhiên, cô sinh viên năm thứ tư Đặng Thị Hòa (23 tuổi) cũng tham gia nhóm nghiên cứu của cô Tân với mong muốn góp phần nhỏ giúp bà con giải quyết nông sản đang ùn ứ.

Hòa kể ngay từ lần đầu tiên gặp phó giáo sư Tân đã ấn tượng bởi phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả của cô.

"Cô là người nổi tiếng trong viện, là nguồn cảm hứng, động lực để mình cố gắng. Cô rất bận, suốt ngày tới lui như con thoi nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng", Hòa bộc bạch.

Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 3.
Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 4.

"Tôi mong muốn chung tay "giải cứu" cùng bà con, nhưng không phải đơn thuần rủ nhau cùng mua về ăn mà là dùng công nghệ "giải cứu" nông sản", PGS.TS Nguyễn Minh Tân nêu ra đề bài ban đầu.

Mới đây, trong "cơn bão" dịch COVID-19, nông sản ùn ứ do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, PGS.TS Tân cùng nhóm nghiên cứu kêu gọi "giải cứu" dưa hấu cho bà con nông dân. Tính đến nay, dưa hấu được gom về 3 đợt, mỗi đợt khoảng 200kg và JEVA được đưa vào ứng dụng.

Chị cho biết JEVA là công nghệ cô đặc đa giai đoạn tích hợp, có thể cô đặc các dịch mẫn cảm nhiệt, trong đó dịch nước quả là điển hình. Công nghệ này cho phép chế biến nước quả tại điều kiện nhiệt độ thấp, áp suất thường nên tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt, giữ được hương vị tự nhiên của nước quả.

Cùng với đó, hệ thống thiết bị và công nghệ được chế tạo, phát triển tại Việt Nam nên giá thành rẻ hơn so với thiết bị nhập ngoại.

Với công nghệ này, qua quá trình sơ chế (tách hạt), ép dịch ra và xử lý enzim đưa vào chế biến sâu, sau gần 1 ngày sẽ đưa ra hai thành phẩm: dịch cô đặc và dịch ngưng (nước khoáng hương vị quả tự nhiên).

Ví dụ, với 3 - 4kg dưa hấu tươi qua quá trình JEVA sẽ cho ra thành phẩm lọ dưa hấu cô đặc 100ml có thể sử dụng trong vòng 1 năm.

Nhìn sinh viên miệt mài với tách, chiết, cô đặc dưa hấu, cô giáo Tân mỉm cười quan sát quanh phòng lab, cầm chiếc smartphone tìm ra các góc quay, chụp.

"Giờ nhàn rồi, các bạn quen cách vận hành rồi. Mình ở phòng cũng điều khiển, vận hành từ xa qua internet được, có thể theo dõi, ghi nhận số liệu đang thực hiện", PGS.TS Tân giới thiệu về tính ưu việt của công nghệ JEVA đang được áp dụng.

Nhớ lại chặng đường "thai nghén" từ năm 2003 khi đang làm nghiên cứu sinh tại Áo, thầy giáo hướng dẫn đưa ra đề xuất nghiên cứu trong ba lĩnh vực: y học, tin học và sản phẩm nông nghiệp.

"Lúc đó tôi tự hỏi mình nên làm gì trong lĩnh vực chuyên môn công nghệ màng, đưa ra công nghệ nào để kết hợp với công nghệ của Áo nhằm giúp ích cho Việt Nam? Và rồi nghĩ ngay đến quả vải", chị nhớ lại.

Nghĩ đến quả vải bởi ở Việt Nam năm nào vào chính vụ cũng xảy ra điệp khúc "được mùa mất giá".

"Nước mình có quả vải rất ngon nhưng không có nước vải, chỉ có vải ngâm đường xuất khẩu. Tôi nghĩ tại sao Việt Nam không làm nước từ quả vải, để những lúc trái vụ có sản phẩm bán", chị trăn trở.

Từ năm 2013 chị cùng nhóm nghiên cứu đi lên từ chiếc máy bé cỏn con ở phòng thí nghiệm, rồi đến máy "quy mô -2, -1, 0… đến nay là chiếc máy "quy mô 1" hoàn chỉnh đang có mặt tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Tính ra mất hơn 7 năm đằng đẵng.

JEVA bắt đầu từ quả vải, làm theo kiểu "nhà khoa học nghĩ cái này cần cho xã hội thì làm", nhưng phó giáo sư Tân kể khi đưa vào ứng dụng, va đập với thị trường, người ta không muốn làm quả vải nữa.

Một ngày đẹp trời, một người từ miền Nam gọi điện thoại đến hỏi chị: "Có làm được mật ong không". Chị nghiên cứu tài liệu rồi gật đầu cái rụp. Cho đến thanh long, dưa hấu, bưởi, mật dừa nước… hễ người dân, doanh nghiệp có "đầu bài" là cô trò bắt tay vào thử nghiệm.

"Tôi thấy thực sự có sự khăng khít giữa nhà khoa học với xã hội. Tôi làm ra công nghệ để mọi người ứng dụng chứ không phải có giải thưởng này giải thưởng kia treo lên. Hạnh phúc nhất là những quan tâm, câu hỏi, thách thức của doanh nghiệp, của mọi người: ‘Chị có làm được không, cái này khó đấy, cái này chưa ai làm được đâu’", PGS.TS Tân bộc bạch.

Nhận mình là tác giả của gốc rễ công nghệ, còn thiết bị ứng dụng công nghệ JEVA hiện thời là từ đúc kết, trao đổi của nhiều người, chị Tân tin rằng không cứ phải xuất phát từ phòng thí nghiệm hay thực tế mà thí nghiệm - thực tế phải hòa quyện lẫn nhau.

"Cuối cùng quan trọng nhất là sản phẩm vừa có hàm lượng công nghệ cao vừa đáp ứng cuộc sống", chị quả quyết.

Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 7.
Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 8.

Vừa công tác tại viện, ngày ngày PGS.TS Nguyễn Minh Tân còn đứng lớp giảng dạy cho học trò. Chị nói làm ở viện vừa có không gian, thiết bị thuận tiện cho nghiên cứu, cũng là cái nôi truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò có cùng đam mê khoa học.

Dù ở viện hay ở trên giảng đường, chị luôn tràn đầy năng lượng. Những tưởng nghiên cứu khoa học sẽ choán hết quỹ thời gian, nhưng không, chị vẫn luôn dành thời gian cho đam mê khác.

Nhận mình là người "hơi ôm đồm", ngoài nghiên cứu chị còn dành thời gian chế biến món ăn ngon, chăm sóc con cái, cuối tuần đưa con đi thăm bảo tàng tại Hà Nội.

Chưa kể, chị còn đam mê tiếng với Đức và văn hóa Đức, chị khuyến khích con cái hay bạn bè xung quanh học càng nhiều ngoại ngữ càng tốt để có hiểu biết về nhiều nền văn hóa khác nhau.

"Mọi người hay hỏi phụ nữ có gì khác nam giới khi nghiên cứu khoa học, có khó khăn gì không? Thực ra phụ nữ có thế mạnh của phụ nữ, nam giới có thế mạnh của nam giới và không nên phân biệt.

Tôi tự hào là phụ nữ, tôi không muốn người ta châm chước vì tôi là phụ nữ. Như vậy đâm ra người ta toàn nhìn xuống với người phụ nữ, mà phụ nữ đâu muốn thế", PGS.TS Tân bộc bạch.

Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 9.

Không chỉ trong nghiên cứu khoa học, chị cho rằng phụ nữ làm bất cứ ngành nghề gì cũng có những khó khăn nhất định bởi ngoài trách nhiệm xã hội còn có trách nhiệm gia đình và người phụ nữ Việt thường gánh vác nhiều hơn.

Trái lại, chị cũng tin phụ nữ có nhiều lợi điểm hơn bởi sự mềm dẻo, linh động trong xử lý vấn đề, mà mềm dẻo thường sẽ đạt kết quả cao hơn.

"Tôi nghĩ đó là lợi thế. Mình có khó khăn nhưng vượt qua được, có thu xếp được công việc mới chứng tỏ được bản thân mình", chị Tân quả quyết.

Chị nhớ lại, khó khăn nhất là quãng thời gian nhận học bổng tại Đức. Con trai đầu lòng chưa tròn 20 tháng, chị nhờ ông bà ngoại trông con, liên tục đi lại giữa Việt Nam và Đức làm nghiên cứu sinh. Mỗi năm chỉ được một lần về thăm con.

Nhờ ông bà ngoại chăm nom, chăm sóc nhà cửa, may mắn chị còn được chồng ủng hộ. Chị kể đi công tác liên miên nhưng khéo có duyên là hễ chị đi công tác thì ông xã ở nhà để thay nhau trông con. 

Nay hai đứa con đã lớn, đứa lớn đang du học tại Đức, còn con gái út đang học lớp 9 nên chị có nhiều thời gian hơn, thỏa đam mê nghiên cứu của mình.

Mong mỏi duy nhất của chị là được làm đúng chuyên ngành, dù lúc già yếu cũng chỉ mong có người gọi điện hỏi: "Chị ơi chị có thể giải quyết vấn đề này không?".

"Mục tiêu là làm người có ích, ở giai đoạn nào người ta cũng cần mình. Người có tiền giúp tiền, mình có công nghệ thì giúp công nghệ", phó giáo sư Tân tâm niệm.

Phó giáo sư giải cứu nông sản: Không muốn châm chước vì là phụ nữ - Ảnh 10.

HÀ THANH
NAM TRẦN
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên