07/09/2017 08:56 GMT+7

Phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm khó thu hút dân Sài Gòn, tại sao?

PHAN NHẬT
PHAN NHẬT

TTO - TP.HCM đã có đường sách Nguyễn Văn Bình, giờ có thêm phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm. Đường sách Nguyễn Văn Bình đã là một điểm đến văn hóa, còn phố Nguyễn Văn Chiêm là gì?

Phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm khó thu hút dân Sài Gòn, tại sao?  - Ảnh 1.

Những gian hàng ở phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trên đây là câu hỏi của bạn đọc Phan Nhật xung quanh phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm vừa ra đời. Nhằm góp thêm một góc nhìn  cho chuyên mục Bạn đọc làm báo, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.

"Tôi nghĩ phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm sẽ khó trở thành địa chỉ giới thiệu ẩm thực đường phố Sài Gòn vì chỉ hoạt động phục vụ nhu cầu ăn uống cấp bách trong khung giờ sáng/trưa. 

Biết rằng các hộ kinh doanh đều rất vui vì trong khung giờ hạn hẹp mà suất bán hàng tăng cao, nhưng nếu được chính quyền theo đuổi như là mô hình kinh doanh và là giải pháp giải quyết hàng rong thì có vẻ khó có đầu ra.

Quận 1, và cả Sài Gòn này, có được bao nhiêu con đường có vỉa hè rộng có thể dành một phần lòng đường để kinh doanh và phần lòng đường còn lại dành cho khách bộ hành? Trong khi đó, số người kinh doanh ẩm thực đường phố chưa được "quy hoạch" của quận 1 hay của thành phố còn rất nhiều, không phải chỉ có vài mươi hộ đang được hoạt động ở đường Nguyễn Văn Chiêm.

Hình ảnh phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm gợi cho tôi nhớ những khu phố chợ ở Nhật Bản, những cửa hàng - xe thịt nướng, bánh rán di động giữa đêm mùa đông trên một góc đường vắng... 

Đó không chỉ là dấu chỉ văn hóa mà còn là kinh tế - kinh tế tiểu ngạch - của một nền kinh tế hùng mạnh.

Khi đến thành phố Nagoya, Nhật Bản để tham gia một khóa học dài hạn, tôi có dịp tham gia nhiều sự kiện đường phố ở đây. Ngoài hệ thống cửa hàng tiện lợi khá nổi tiếng ở đất nước này, còn có nhiều hàng quán xuất hiện ăn theo các sự kiện, ở một vài góc đường hay phần vỉa hè nào đó. Sự kiện kết thúc, hàng quán không còn.

Những khi viếng chùa Osu Kannon, một địa danh nổi tiếng ở vùng Tokai của Nhật, tôi luôn tranh thủ mua sắm ở con đường nối dài bên cạnh.

Đó thật sự là phố chợ hoạt động mỗi ngày đến tối với hàng hóa, đồ ăn thức uống đa dạng, đặc trưng và giá cả rất "mềm". Đường có mái che, người bán hàng được bán xuống một phần lòng đường hai bên theo vạch vôi. Phần lòng đường còn lại là để cho khách và chỉ được đi bộ.

Tôi nghĩ với Sài Gòn, ẩm thực đường phố cũng là biểu tượng và là kinh tế tiểu ngạch có vai trò không nhỏ với kinh tế của thành phố.

Hi vọng rằng cách làm ở Nhật với những điểm bán trên đường phố sẽ được tham khảo để mô hình phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm tìm được hướng mở rộng căn cơ hơn".

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần BÌNH LUẬN sau bài viết hoặc gởi email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn; dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

PHAN NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên