30/01/2024 08:07 GMT+7

Phiên tòa cảnh tỉnh ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp

Một vụ án điểm liên quan đến việc tàu cá khai thác thủy hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài vừa được TAND tỉnh Kiên Giang hôm 29-1 đưa ra xét xử sơ thẩm.

Chủ tàu cá Trần Văn Luyến tại tòa hôm 29-1 - Ảnh: CHÍ CÔNG

Chủ tàu cá Trần Văn Luyến tại tòa hôm 29-1 - Ảnh: CHÍ CÔNG

TAND tỉnh Kiên Giang hôm 29-1 đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Trần Văn Luyến (chủ tàu cá ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) và ba đồng phạm Phạm Chí Dũng (ở huyện Hòn Đất), Trần Minh Tâm (huyện Châu Thành) và Trần Văn Nhựt (TP Rạch Giá) về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Đây là vụ án điểm liên quan đến việc tàu cá khai thác thủy hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài.

Mong giúp chủ tàu có cuộc sống ổn định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tấn Tài - chủ tàu cá ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) - cho biết phiên tòa này góp phần cảnh tỉnh, nâng cao ý thức các chủ tàu cá trong việc khai thác thủy hải sản trên biển.

"Tôi nghĩ ngư dân sẽ có trách nhiệm hơn và đánh bắt thủy hải sản hợp pháp", ông Tài nói.

Tuy nhiên, ông Tài cũng mong muốn cơ quan chức năng sẽ có nhiều chính sách và giải pháp giúp ngư dân có tàu cá đánh bắt thủy hải sản hoạt động lâu dài, ổn định cuộc sống như hỗ trợ chủ tàu cá khoanh nợ ngân hàng; chuyển đổi tàu cá đánh cá không hiệu quả sang nghề khác hoặc có thể dần tính đến chuyện cấm khai thác cá trên biển một khoảng thời gian ngắn (có thể ba tháng hoặc sáu tháng) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy hải sản, đánh bắt dài lâu.

"Ngoài tính răn đe, xử phạt mạnh tay, tôi nghĩ địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân hoặc có chính sách cụ thể, góp phần khai thác cá trên biển ổn định, sớm gỡ thẻ vàng EC", ông Tài cho biết thêm.

Trước đó, ông Lê Quốc Anh, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết liên quan đến việc chống khai thác IUU, địa phương thời gian qua đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục và tạo điều kiện cho tàu trên địa bàn tỉnh không khai thác thủy hải sản vi phạm trên vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, địa phương có nhiều giải pháp răn đe, xử lý nghiêm những hành vi tàu cá vi phạm vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

"Tàu cá vi phạm chúng tôi tổ chức xử lý công khai để góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân. Địa phương tới đây cũng sẽ có chính sách, tạo công ăn việc làm cho tàu cá khai thác không hiệu quả chuyển sang nghề khác như dịch vụ hậu cần hoặc nuôi biển, góp phần ổn định kinh tế gia đình", ông Quốc Anh nói.

Bị cáo nhận sai

Phạm Chí Dũng tại phiên tòa đã nhận tội và tỏ rõ thái độ hối lỗi khi biết mình đã sai khi đóng vai trò góp sức đưa người khác xuất cảnh trái phép và thực hiện hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp trên vùng biển Malaysia.

"Do gia cảnh gia đình nghèo, không đủ tiền sinh sống nên tôi mới thực hiện hành vi trên để mong kiếm tiền. Hiện tôi cũng đã ý thức được việc làm của mình sai và rất mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tội để sớm về với gia đình", Dũng nói lời sau cùng ở phiên tòa.

Còn Trần Văn Luyến (chủ mưu cũng là chủ tàu cá ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) ăn năn và thành khẩn khai báo về vụ việc trên. Đồng thời, Luyến cũng hy vọng tòa xem xét giảm nhẹ tội để sớm về với gia đình, vợ con.

Cáo trạng Viện KSND tỉnh Kiên Giang cho biết ngày 16-5-2022 Trần Văn Luyến làm chủ cặp tàu số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ về việc khai thác thủy hải sản trái phép trên vùng biển Malaysia.

Cuối tháng 5-2022, Luyến nói với Tâm cặp tàu bị bắt trên về Việt Nam sẽ bị tịch thu.

Tâm điện thoại cho Nguyễn Bảo D. (cán bộ đăng kiểm) đến quán cà phê MT (đường 3 Tháng 2, TP Rạch Giá) để bàn bạc làm hai bộ hồ sơ tàu mới.

D. đồng ý làm bộ hồ sơ mới KG-93949-TS và KG-93971-TS để thay thế cho cặp tàu số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS bị bắt trên với số tiền 400 triệu đồng.

Sau đó, Tâm giới thiệu Phạm Chí Dũng cho Luyến để chạy tài công qua Malaysia khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.

Luyến còn phân công Dũng, Tâm tìm ngư dân và tìm người mua vé thông tin cảng về việc hải quân Malaysia ra vào tuần tra trên biển để trốn tránh.

Tâm sau đó đã liên hệ được với Mai Thị Bích (đang sinh sống ở Malaysia) mua vé thông tin trên với giá 20 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 9-2022, Dũng rủ thêm Trần Văn Nhựt, Trần Văn Tài, Nguyễn Văn Tới và nhiều người lao động khác đi qua Malaysia khai thác thủy hải sản trái phép. Dũng tắt hết thiết bị giám sát hành trình và xóa số cuối của hai tàu cá trên để tránh bị lực lượng chức năng địa phương phát hiện.

Do hải quân Malaysia đang tuần tra nên Dũng chạy cặp tàu trên về vùng biển Indonesia thì bị phát hiện bắt giữ.

Bản án nghiêm khắc

Hội đồng xét xử hôm 29-1 đã tuyên phạt Trần Văn Luyến (chủ tàu cá) 8 năm tù, Phạm Chí Dũng 7 năm tù, Trần Minh Tâm 7 năm tù và Trần Văn Nhựt 1 năm tù.

Chủ mưu tổ chức đánh cá ở địa phận trái phép, nhận 8 năm tùChủ mưu tổ chức đánh cá ở địa phận trái phép, nhận 8 năm tù

Liên quan đến vụ án hình sự tổ chức cho người khác xuất cảnh đánh cá trái phép, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên phạt Trần Văn Luyến (chủ mưu, ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang) 8 năm tù.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên