24/03/2024 15:30 GMT+7

Phi công dù lượn rơi tử vong có được bồi thường?

Liên quan vụ phi công rơi tử vong tại giải dù lượn Kon Tum, đại diện ban tổ chức cho biết đã quyên góp trao gần 100 triệu đồng hỗ trợ bước đầu cho gia đình. Các phi công tham gia giải đều bắt buộc mua bảo hiểm nên sẽ được bồi thường khi gặp nạn.

Phi công thi đấu tại giải dù lượn Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024 - Ảnh: NGỌC LÂM

Phi công thi đấu tại giải dù lượn Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024 - Ảnh: NGỌC LÂM

Ngày 24-3, ông Dương Quang Phục - chủ tịch UBND huyện Sa Thầy (Kon Tum) - cho biết huyện này đã cử đoàn công tác đi thăm viếng, chia buồn cùng gia đình phi công dù lượn tử nạn tại giải dù lượn "Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024".

Quyên góp hỗ trợ gia đình phi công gặp nạn gần 100 triệu đồng

Đoàn công tác do bà Rơ Châm Lan - phó chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - dẫn đầu đã xuất phát ngày hôm nay để đến chia buồn cùng gia đình thân nhân phi công Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi, trú Hà Đông, Hà Nội).

Đang thi đấu vận động viên dù lượn rơi xuống đất tử vong ở Kon Tum

Lãnh đạo huyện Sa Thầy cũng cho biết sau vụ việc ban tổ chức giải sẽ họp lại để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức.

Được biết, giải dù lượn Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024 do UBND huyện Sa Thầy phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, Công ty TNHH Thể thao hàng không SGP tổ chức tại xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - đại diện Công ty TNHH Thể thao hàng không SGP chi nhánh Kon Tum - cho hay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, các thành viên giải đấu đã quyên góp được gần 100 triệu đồng hỗ trợ bước đầu cho gia đình anh Tuấn.

Ngoài ra, chính quyền huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum cũng đã có một khoản hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Ban tổ chức giải đã bố trí xe đưa thi thể nạn nhân về quê để gia đình lo hậu sự.

Phi công dù lượn gặp nạn đã mua bảo hiểm

Theo bà Trinh, những vận động viên tham gia thi đấu tại giải đều bắt buộc phải mua bảo hiểm, trước giải đấu ban tổ chức đã kiểm tra việc này. 

Hiện tại đơn vị này đang xử lý hồ sơ bảo hiểm cho nạn nhân. Bà Trinh cho biết mức bồi thường cụ thể tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà phi công đã mua.

Dù theo kế hoạch, giải đấu dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ ngày 22 đến ngày 24-3, nhưng sau khi xảy ra vụ việc và nhận thấy điều kiện thời tiết không đảm bảo, ban tổ chức đã quyết định bỏ ngày thi đấu cuối cùng vào hôm nay. 

Ban tổ chức đã trao giải và làm lễ tưởng niệm phi công thiệt mạng.

Khoảnh khắc phi công dù lượn Nguyễn Anh Tuấn, trú Hà Đông, Hà Nội, bị rơi - Ảnh: Cắt từ clip

Khoảnh khắc phi công dù lượn Nguyễn Anh Tuấn, trú Hà Đông, Hà Nội, bị rơi - Ảnh: Cắt từ clip

Như thông tin Tuổi Trẻ Online đã đưa, trong ngày thi đấu thứ hai giải dù lượn Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2024 tại tỉnh Kon Tum, phi công Nguyễn Anh Tuấn không may gặp sự cố rơi xuống đất trong lúc hạ cánh vào trưa 23-3.

Cụ thể là trong lúc chuẩn bị hạ cánh xuống khu đất trống khi kết thúc phần thi, dù lượn của anh Tuấn đột ngột xoắn lại làm anh rơi từ trên cao xuống đất.

Dù đã được lực lượng chức năng túc trực nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng, phi công dù lượn này đã tử vong sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum ít giờ sau đó.

Thể thao mạo hiểm, phải chấp nhận rủi ro!

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đại diện một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các giải dù lượn tại miền Trung cho hay để được cấp phép bay dù lượn, các giải phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe.

Theo đó, loại hình dù lượn có các hình thức bay huấn luyện, bay dịch vụ du lịch, bay thi đấu. Để được bay, ban tổ chức phải có giấy phép bay được Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cho phép; có hợp đồng bay (kế hoạch bay) được chính quyền địa phương thông qua.

Các phi công tham gia bay cũng phải có chứng chỉ bay dù lượn.

Ngoài ra, phi công tham gia giải phải có cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về các rủi ro, tai nạn trong quá trình thi đấu.

Về bảo hiểm rủi ro, phi công phải tự mua để bảo vệ rủi ro cho bản thân. Trừ trường hợp bay dịch vụ chở khách du lịch, công ty tổ chức phải mua bảo hiểm cho hành khách.

Theo đơn vị này, dù lượn là trò chơi thể thao mạo hiểm nên người tham gia phải chấp nhận có rủi ro.

Xuyên đêm tìm kiếm phi công dù lượn gặp nạn ở Lai ChâuXuyên đêm tìm kiếm phi công dù lượn gặp nạn ở Lai Châu

Sau 5 giờ băng rừng, vượt thác xuyên đêm tìm kiếm, tổ cứu hộ của huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) tìm thấy và đưa phi công dù lượn gặp tai nạn đi cấp cứu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên