06/05/2018 11:47 GMT+7

Phát hiện nhầm đường băng, nên tiếp tục hạ cánh hay bay lên?

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Sau sự cố máy bay đáp nhầm đường băng, tuy hi hữu nhưng đầy may mắn, công tác tăng cường an toàn bay đang được siết lại...

Phát hiện nhầm đường băng, nên tiếp tục hạ cánh hay bay lên? - Ảnh 1.

Một chướng ngại vật bên đường băng được hành khách ghi lại khi máy bay hạ cánh nhầm (ảnh chụp lại từ clip) - Ảnh: P.C.B.

Việc phi công biết nhầm đường băng phút chót nhưng vẫn đáp xuống được Cục Hàng không Việt Nam cho là quyết định đúng đắn nhưng theo các chuyên gia, phi công có thể xử lý khác...

Bay 2 chặng trước khi gặp sự cố

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết trước khi chuyến bay gặp sự cố đáp nhầm vào đường băng chưa khai thác ở Cam Ranh ngày 29-4, thực tế hai phi công điều khiển "nhầm" trên đã bay 2 chặng từ TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - TP.HCM rồi từ TP.HCM - Cam Ranh trong cùng một ngày.

Đặc biệt, ông Thắng cho rằng khi tổ lái phát hiện ra bị nhầm đường băng khi máy bay bắt đầu tiếp đất và vẫn quyết định tiếp tục hạ cánh, đó là quyết định hoàn toàn chính xác. 

Nếu bay lên lại rất nguy hiểm, vì rất nhiều chướng ngại vật dưới đường băng có thể bị hút vào động cơ máy bay và những thảm họa khôn lường có thể xảy ra.

Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống lại cho rằng trong tình huống này, phi công có thể hủy việc đáp chứ không phải chạm đất rồi cất cánh lại. 

Ở cao độ đó, khi máy bay chuẩn bị tiếp đất, không thể có đất cát nào tung lên mà hút vào động cơ. 

"Chỉ khi đáp xuống chạm đất, bánh càng đáp mới làm tung đất cát lên nếu đường băng chưa hoàn chỉnh" - ông Tống nói.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chuyện này cần kết luận cuối cùng của Cục Hàng không, bởi thời điểm nhận biết nhầm đường băng là khi sắp tiếp đất hay đã tiếp đất rất quan trọng để phân tích.

Phát hiện nhầm đường băng, nên tiếp tục hạ cánh hay bay lên? - Ảnh 2.

Máy bay sau khi hạ cánh nhầm đường băng - Ảnh: VNA

Xem lại việc xếp lịch

Nhiều chuyên gia cho rằng cơ trưởng người Mỹ mới hoàn thành huấn luyện lên cơ trưởng, số giờ bay còn khá hạn chế, còn cơ phó cũng vừa được phê chuẩn, hai người mới như vậy sẽ không hỗ trợ nhau. Vì vậy, cần xem lại việc xếp lịch. 

Ông Đinh Việt Thắng khẳng định tiêu chí xếp lịch, điều phối tổ bay phi công do hãng bay quyết định. 

Với trường hợp hai phi công trên chuyến bay V7344 hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, có đủ chứng chỉ của nhà chức trách.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Thành - tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) - cũng cho rằng việc sắp xếp lịch cho phi công đã chuẩn, bởi phi công đều có chứng chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn của hàng không thế giới. 

Tuy nhiên, đại diện một hãng hàng không cho biết trước sự cố không mong muốn của VNA cũng như trong ngành hàng không, ban lãnh đạo của hãng đã ngồi lại phân tích và yêu cầu tăng cường công tác sắp xếp lịch, giờ bay cho phi công hợp lý...

Tăng cường an toàn hàng không

Trước một số sự cố gần đây, ngành hàng không tăng cường công tác quản lý, đào tạo để đảm bảo an toàn bay, đặc biệt là kỹ năng của con người. 

Ông Đinh Việt Thắng cho biết chắc chắn trong thời gian tới cục sẽ có những biện pháp hướng dẫn bổ sung về cất hạ cánh, cũng như quy cách an toàn cho các hãng hàng không, điều hành bay, cảng hàng không.

Ông Thắng nói thời gian tới cũng sẽ tăng cường công tác đầu tư hạ tầng, công tác quản lý trang thiết bị, kỹ năng của con người. 

"Chắc chắn sẽ làm quyết liệt để đảm bảo an toàn hàng không" - ông Thắng cam kết.

Ông Dương Trí Thành cho hay giữa tháng 5-2018 sẽ tổ chức một chương trình về văn hóa và an toàn hàng không với quy mô toàn tổng công ty để cho nhân viên hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt quy định văn hóa, an toàn hàng không. 

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các phi công cần tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo có đầy đủ thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ của sân bay hạ cánh, phương thức và đường hạ cánh...

Số giờ bay của 2 phi công đáp nhầm đường băng

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cơ trưởng trên chuyến bay đáp nhầm đường băng ở Cam Ranh là Andre Thomas Cuevas, quốc tịch Mỹ, với tổng giờ bay 8.309 giờ và bắt đầu làm việc cho VNA từ tháng 1-2018, tổng giờ bay cho VNA là 177 giờ.

Cơ phó Trần Như Sơn - người trực tiếp hạ cánh chuyến bay - sinh năm 1991, với tổng giờ bay 1.353 giờ.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên