05/08/2019 11:12 GMT+7

Phát hiện mới: Dải ngân hà vênh và xoắn chứ không phẳng

ĐỨC LONG (Theo Reuters)
ĐỨC LONG (Theo Reuters)

TTO - Theo công bố mới đây của các nhà thiên văn học, Dải ngân hà (milky way) không phải dạng phẳng mà bị vênh và xoắn.

Phát hiện mới: Dải ngân hà vênh và xoắn chứ không phẳng - Ảnh 1.

Quang cảnh Dải ngân hà nhìn từ một khu vực thuộc Công viên Quốc gia Puyehue gần thành phố Osorno, Chile, ngày 8-5-2008 - Ảnh: Reuters

Kết luận được đưa ra sau khi họ lập một bản đồ chính xác nhất từ trước đến nay bằng cách theo dõi hàng ngàn xung của các ngôi sao lớn vốn lan rộng khắp thiên hà.

Với bản đồ ba chiều của Dải ngân hà - ngôi nhà của hơn 100 tỉ ngôi sao, bao gồm cả mặt trời đang chiếu sáng xuống trái đất hiện nay - các nhà nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn toàn diện về cấu trúc của nó: một đĩa các ngôi sao gồm bốn nhánh xoắn ốc chính và một khu vực lõi có dạng thanh.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà thiên văn đến từ Đại học Warsaw và được công bố trên tạp chí Science.

Lâu nay, sự hiểu biết về hình dạng của thiên hà được dựa trên các phép đo gián tiếp các thiên thể trong Dải ngân hà, sau đó kết hợp với suy luận từ các cấu trúc quan sát được của các thiên hà khác trong vũ trụ.

Trong khi đó, bản đồ mới được xây dựng bằng các phép đo chính xác về khoảng cách từ mặt trời đến 2.400 ngôi sao được gọi là "biến Cepheid" nằm rải rác trên khắp thiên hà.

Các biến Cepheid là những ngôi sao khổng lồ và rất sáng chói với ánh sáng phát ra gấp 100 đến 10.000 lần so với mặt trời, vì vậy tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể phát hiện ra chúng ở vùng rìa của thiên hà. Ngoài ra, chúng còn khá trẻ nên dễ được tìm thấy ở gần nơi sinh của chúng.

Phát hiện mới: Dải ngân hà vênh và xoắn chứ không phẳng - Ảnh 2.

Hình ảnh dựng lại của Dải ngân hà bị vênh và xoắn bên trên đài thiên văn Las Campanas Observatory ở Chile - Ảnh: Reuters

Các nhà thiên văn học đã theo dõi các "biến Cepheid" bằng kính viễn vọng Warsaw đặt nơi rặng núi Andes chạy qua Chile.

Bản đồ mới cho thấy đĩa thiên hà không hề phẳng, trái lại bị vênh đáng kể và có độ dày khác nhau từ nơi này sang nơi khác, với độ dày tăng dần được đo từ trung tâm thiên hà. Chiếc đĩa này có đường kính khoảng 140.000 năm ánh sáng (mỗi năm ánh sáng tương đương khoảng 9.000 tỉ km).

Dải ngân hà bắt đầu hình thành tương đối sớm sau vụ nổ Big Bang đánh dấu sự khởi đầu của vũ trụ vào khoảng 13,8 tỉ năm trước. Mặt trời, tọa lạc ở trung tâm thiên hà và nằm cách lỗ đen siêu lớn khoảng 26.000 năm ánh sáng, hình thành khoảng 4,5 tỉ năm trước.

Hàng vạn hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà? Hàng vạn hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà?

TTO - Dựa trên dữ liệu nghiên cứu và các tính toán khoa học, các nhà khoa học ước tính có tới khoảng 10.000 hố đen quanh Sagittarius A - hố đen nằm ở trung tâm Dải Ngân hà.


ĐỨC LONG (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên