16/12/2020 16:22 GMT+7

Pháp giới nghiêm như thời chiến, tăng phạt nặng để chống dịch

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Để ngăn dịch COVID-19 lây lan, chính quyền Pháp ban hành lệnh giới nghiêm kéo dài từ 20h đến 6h sáng. Người vi phạm lần đầu bị phạt 135 euro (gần 4 triệu đồng), tái phạm có thể bị phạt 3.750 euro và ngồi tù 6 tháng.

Pháp giới nghiêm như thời chiến, tăng phạt nặng để chống dịch - Ảnh 1.

Phải xuất trình giấy phép đi lại nếu đi trong giờ giới nghiêm - Ảnh: SUD OUEST

Chiến lược nới lỏng lệnh phong tỏa ngăn chặn đại dịch COVID-19 của Pháp gồm ba giai đoạn áp dụng từ ngày 28-11, ngày 15-12 và ngày 20-1-2021. Trong giai đoạn 2 từ ngày 15-12 (giờ địa phương), người dân Pháp (trừ lãnh thổ hải ngoại) có thể đi lại trên toàn quốc, trừ trong thời gian giới nghiêm đã ấn định.

Trong giờ giới nghiêm, mọi người phải ở trong nhà. Giới nghiêm không áp dụng vào đêm Giáng sinh 24-12 nhưng vẫn duy trì trong đêm giao thừa 31-12.

Các trường hợp ngoại lệ

Pháp giới nghiêm như thời chiến, tăng phạt nặng để chống dịch - Ảnh 2.

Lệnh giới nghiêm không áp dụng trong đêm Giáng sinh 24-12 - Ảnh: EPA

Bộ Nội vụ Pháp đã thông báo một số trường hợp ngoại lệ.

Việc đi lại giữa nhà và nơi làm việc trong giờ giới nghiêm đối với người làm việc ban đêm đều được phép. Người phải đi lại vì lý do sức khỏe như đi bệnh viện, đến hiệu thuốc mua thuốc hoặc vì lý do gia đình cấp bách như chăm sóc con cái, giúp đỡ người dễ tổn thương đều được phép đi lại.

Thêm vào đó là người hoạt động vì lợi ích chung như đi phân phát thực phẩm, đi giúp người cơ nhỡ vì mục đích thiện nguyện.

Hoạt động thể thao hay đi bộ ngoài trời bị cấm nhưng người dắt thú cưng đi dạo ban đêm lại được xem như trường hợp ngoại lệ. Người di chuyển từ nhà ga, sân bay về nhà cũng thế.

Tất cả những người đi lại trong giờ giới nghiêm đều phải xuất trình giấy chứng nhận đi lại và giấy tờ chứng minh như vé tàu, vé máy bay, giấy chứng nhận của chủ lao động hoặc của trường học.

Những người có liên quan có thể tải mẫu giấy chứng nhận đi lại trên trang web của Bộ Nội vụ, khai báo trực tuyến, sử dụng ứng dụng điện thoại TousAntiCovid hoặc khai báo trên bản giấy thông thường.

Người vi phạm giờ giới nghiêm lần đầu sẽ bị phạt 135 euro (3,8 triệu đồng). Tiền phạt tăng lên 375 euro (10,5 triệu đồng) nếu thanh toán không đúng hạn ghi trên giấy phạt.

Nếu tái phạm trong vòng 15 ngày, tiền phạt tăng lên từ 200 euro (5,6 triệu đồng) đến 450 euro (12,6 triệu đồng).

Nếu vi phạm 3 lần trong vòng 30 ngày, tiền phạt lên mức 3.750 euro (105,3 triệu đồng) và có thể bị phạt tù 6 tháng.

Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đã chỉ thị cảnh sát tăng cường kiểm soát trong thời gian giới nghiêm.

Pháp giới nghiêm như thời chiến, tăng phạt nặng để chống dịch - Ảnh 3.

Được phép dắt chó đi dạo ban đêm - Ảnh: aisnenouvelle.fr

Chứng rối loạn lo âu/ trầm cảm do phong tỏa

Từ ngày 17-3 đến nay, Pháp đã áp dụng hai đợt phong tỏa. Trả lời Đài France Info, GS Nicolas Franck tại Bệnh viện Le Vinatier ở Bron (Pháp) - tác giả cuốn "COVID-19 và cơn khốn cùng tâm lý" (NXB Odile Jacob ngày 28-10) - đánh giá phong tỏa là điều cần thiết để ngăn chặn dịch lây lan nhưng phong tỏa đã gây hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tâm thần.

Người sống trong cảnh phong tỏa cảm thấy buồn chán, lo lắng. Một số người căng thẳng và sợ hãi.

Ông ghi nhận có hai yếu tố tác động đến sức khỏe tâm thần là mối đe dọa của virus corona và biện pháp phong tỏa. 

Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng tột độ xảy ra chủ yếu do phong tỏa chứ không phải do nỗi sợ virus. Phong tỏa tước đi quyền tự do, tước đi giây phút bên cạnh người thân.

Căng thẳng phát sinh có liên quan đến những biến động trong cuộc sống thường nhật. Người dân phải xây dựng lại cuộc sống hằng ngày trong bối cảnh không có cửa hàng nào mở cửa, không thể rời khỏi nhà, không thể gặp bạn bè.

Pháp giới nghiêm như thời chiến, tăng phạt nặng để chống dịch - Ảnh 4.

Trong thời gian phong tỏa, quan trọng nhất là giữ liên lạc với người khác và xây dựng cuộc sống hằng ngày - Ảnh: AFP

Tác động đầu tiên của tình trạng căng thẳng là hoang mang vì các mốc không gian - thời gian đã mất. Người sống trong phong tỏa có thể vượt qua trạng thái này và tái tạo các điểm mốc. Nhưng nếu sức ép tiếp tục đè nặng, tình trạng kiệt sức có thể xảy ra.

Những biểu hiện đầu tiên là suy nghĩ những điều tiêu cực, ngủ không ngon, không thèm ăn, cáu kỉnh, hay tranh cãi với người thân. Sau đó, chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm có thể phát triển.

Kết quả khảo sát của GS Nicolas Franck cho thấy sinh viên và người khuyết tật bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian phong tỏa. Ngược lại, người cao tuổi dù dễ bị nhiễm virus hơn nhưng ít bị tác động hơn.

Làm gì để không "phát khùng" trong thời gian phong tỏa?

GS Nicolas Franck khuyên:

. Quan trọng nhất là giữ liên lạc với người khác và xây dựng lại cuộc sống hằng ngày.

. Đặt ra các mục tiêu như chơi nhạc, duy trì hoạt động thể chất, vẽ, nấu ăn... Đừng tạo áp lực cho bản thân mà hãy làm những gì phù hợp nhất.

. Phải nhìn xa hơn, tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao khi hết dịch, xây dựng lối sống nội tâm và hợp lý hơn, hạn chế tiêu dùng quá mức.

Đức kéo dài phong tỏa, Pháp vượt 14.000 ca COVID-19 mỗi ngày Đức kéo dài phong tỏa, Pháp vượt 14.000 ca COVID-19 mỗi ngày

TTO - Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này sẽ kéo dài các biện pháp phong tỏa từng phần đến đầu năm sau. Trong khi đó, Pháp nhiều khả năng sẽ không thể mở cửa trở lại trong tháng này như dự kiến.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên