31/01/2020 09:51 GMT+7

Pháo nổ trở lại, nguy hại hơn xưa

KHÔI NGUYÊN - PHẠM NGỌC TƠ
KHÔI NGUYÊN - PHẠM NGỌC TƠ

TTO - Nhiều người đã đổ máu vì pháo dịp tết vừa qua. Từ Bắc chí Nam nơi nơi vang những tiếng nổ đanh như tiếng súng. Chuyện đốt pháo hoa trái phép cũng đầy rẫy.

Pháo nổ trở lại, nguy hại hơn xưa - Ảnh 1.

Lực lượng Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) bắt quả tang vụ tàng trữ trái phép 350kg pháo nổ trên địa bàn trước tết - Ảnh: B.A.

Nguy hại không chỉ từ pháo, mà từ chính ý thức và hành vi coi thường pháp luật của nhiều người. Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến hai bạn đọc về chuyện này.

Ngưng đốt pháo đã thành một nếp văn hóa, một cách vui tết ít lãng phí nay đang bị phá vỡ bởi kiểu chơi trội của số ít người và thiếu quyết tâm thực thi nghiêm pháp luật.

Ngang nhiên đốt pháo

Lên mạng xem cách chế pháo nổ từ bột diêm rồi làm theo, nam sinh THCS ở Hà Tĩnh bị phỏng nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng phù nề giác mạc. Tại Hưng Yên, bé trai 11 tuổi nhập viện với nhiều vết thương do nghịch pháo nổ. 

Một nam thanh niên khác tại tỉnh Lào Cai thậm chí bị khoét mắt, cưa chân. Tại Đồng Nai, nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh cho biết trong và sau Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh có 27 ca bị thương do pháo nổ và hàng chục người bị rách bàn tay...

So với năm trước, tết năm nay ở quê tôi (huyện Chợ Mới, An Giang) có giảm tình trạng đốt pháo trong các ngày tết, nhưng tiếng pháo vẫn rất "giòn giã" trong đêm giao thừa. Tiếng pháo giờ chẳng hề vui tai, mà còn gây bất an khi có cả pháo thăng thiên cùng với tiếng hú trước khi nổ "bùm" trên bầu trời. 

Một thanh niên say xỉn đứng giữa đường xoay tít một loại pháo sáng ngay giờ giao thừa, tia lửa bắn tung tóe. Mùng 4 tết, một gia đình họp mặt sui gia đầu năm tổ chức hát karaoke inh ỏi kèm những đợt pháo ăn mừng... 

Vẫn còn đầy những kiểu vô tư và ngang nhiên đốt pháo vào dịp tết, bất chấp nguy hiểm, bất chấp lệnh cấm đã có từ lâu và cả các cảnh báo được tuyên truyền trước tết ở địa phương tôi...

Nhiều vụ mua bán, tàng trữ pháo bị phát hiện từ vài tháng trước nhưng không ăn thua trước thực tế nơi nơi vang tiếng pháo trong mấy ngày tết... Những ngày tết, nhiều nơi tăng cường bắt phạt tiền những người đốt pháo nhưng xem ra việc này không đủ sức răn đe, nếu không muốn nói thẳng sự thật là lực lượng chức năng "bở hơi tai" với việc tìm và xử những người đốt pháo. Pháo nổ tứ hướng, xử sao cho xuể!

Tết năm nay, ngoài câu chuyện thời sự về nghị định 100 và rượu bia, nhiều người nói về tiếng pháo. Tình trạng uống rượu bia ngày tết có chiều hướng giảm, nhiều người nhắc nhau uống chừng mực. Nhưng chuyện về pháo thì ai lo cứ lo, ai đốt cứ đốt. 

Khi nhiều người đã mua được pháo về nhà mình và mang ra đốt thì việc ngăn chặn coi như bó tay. Việc ngăn chặn tiếng pháo phải được làm từ nhiều tháng trước, từ việc chặn đường đi của pháo từ biên giới, siết các kiểu rao bán pháo trên mạng. Những chuyện này có lẽ phải chờ đến năm sau.

Người dân đã dừng đốt pháo, cũng như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và bây giờ bắt đầu uống rượu bia có chừng mực hơn. Chúng ta có một số luật, quy định được người dân đồng tình bởi quy định pháp luật không chỉ để phạt mà để bảo vệ tính mạng, tài sản của mỗi người. 

Sức sống và hiệu quả của các quy định đến đâu tùy vào ý thức nghiêm túc chấp hành của từng người cũng như quyết tâm thực thi quy định đã được giữ nghiêm hàng chục năm qua.

Ngăn chặn việc đốt pháo không chỉ là việc bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của riêng mỗi người dân, của toàn xã hội, mà là việc giữ nghiêm phép nước.

KHÔI NGUYÊN (An Giang)

Pháo nổ trở lại, nguy hại hơn xưa - Ảnh 3.

Dịp Tết Canh Tý 2020, nhiều người dân đốt pháo trong thời điểm giao thừa - Ảnh cắt từ clip

Phát hoảng vì pháo

Quê tôi (Bình Phước) xưa nay chưa bao giờ nghe tiếng pháo nay cũng đã nghe từ 27, 28 tháng chạp, lâu lâu giật mình vì một tiếng "đùng". Mọi người không còn phấn khởi mấy với tiếng pháo, nhưng cũng không phẫn nộ hay phản ứng mạnh chuyện này. Nhiều người thản nhiên ra xem hàng xóm đốt pháo, bao nhiêu là rác tung tóe dưới đường. Có khi thấy vài chùm pháo bông được bắn lên trời từ phía xa, nhiều chứ không ít.

Một hôm mẹ tôi ra chợ và giật mình phát hoảng vì pháo. Ngã tư đường, giữa ban ngày, một người đàn ông tầm 40 tuổi mang một viên pháo ra đặt giữa đường xe chạy, pháo xoay vòng vòng rồi xẹt tia lửa xung quanh trước khi "thăng thiên" và nổ một tiếng "bùm" khiến bao nhiêu người giật mình hoảng sợ, cố chạy nhanh qua khỏi chỗ ấy. 

Sáng mùng 6, tôi trở lại TP.HCM thấy trước nhà đầy xác pháo. Ai đó đã đốt pháo trước nhà khi chúng tôi đi vắng! Hỏi thăm nhiều bạn bè mới hay chuyện này không phải cá biệt. Tôi thật sự rùng mình và hết sức bất bình với kiểu đốt pháo gieo mầm họa cho người khác như thế này. Lỡ khi cháy do nổ thì...

Chuyện pháo năm nay nghiêm trọng hơn mọi năm. Không chỉ ở quê, vùng sâu, biên giới, ngay tại TP.HCM cũng đầy tiếng pháo, đủ loại pháo. Những chuyện pháo hoa "mini" nơi công cộng như kiểu ở Đà Nẵng trước Tết Nguyên đán không còn là cá biệt vì nhiều nơi đã có. Khắp nơi, từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung đến ĐBSCL ở đâu cũng có tiếng pháo.

Một chuyện sai pháp luật đang trở nên phổ biến hơn, năm sau nhiều pháo hơn năm trước. Vì sao? Trách nhiệm này của chính quyền địa phương, của công an hay của chính những người bất tuân luật pháp? Những ngày đêm nghe tiếng pháo, tôi chỉ thầm ước mong đừng có thương vong vì pháo, nhưng làm sao tránh được.

Tiếng pháo bây giờ có vui vẻ như xưa đâu! Cấm đốt pháo - một quy định pháp luật ích nước lợi nhà - đã được thực hiện hàng chục năm nay. Nghĩ cho cùng, chuyện đốt pháo chỉ có lợi ích cho kẻ bán pháo lậu, có hay ho gì mà bao người khoe mẽ! Và tôi thấy rõ sự dễ dãi của không ít người, xem nhẹ an toàn và bỏ quên cả ý thức cộng đồng. Sự nguy hại không chỉ ở pháo, mà ở chính kiểu tùy tiện, coi thường pháp luật của những người mua bán, kiếm lợi từ pháo và những người đốt pháo.

PHẠM NGỌC TƠ (TP.HCM)

Lại nhắc đến… pháo! Lại nhắc đến… pháo!

TTO - Có thể tóm tắt về mấy ngày xuân: vui với rượu bia, buồn về pháo.

KHÔI NGUYÊN - PHẠM NGỌC TƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên