28/08/2021 16:10 GMT+7

‘Pháo đài’ New Zealand và màn thử lửa cho chiến lược Zero COVID

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - New Zealand vẫn là một trong số những quốc gia hiếm hoi dùng chiến lược chống dịch ‘Zero COVID’, tức dùng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, đẩy số ca COVID-19 xuống bằng 0. Nhưng với chủng Delta, mọi thứ đã khác.

‘Pháo đài’ New Zealand và màn thử lửa cho chiến lược Zero COVID - Ảnh 1.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern - Ảnh: REUTERS

Ngày 28-8, New Zealand ghi nhận thêm 82 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 415.

Tình hình dịch bệnh tại đây vẫn theo chiều hướng xấu bất kể đã trải qua 11 ngày phong tỏa nghiêm ngặt.

Vào hôm 17-8, New Zealand đã phong tỏa toàn quốc sau khi ghi nhận đúng 1 ca nhiễm trong cộng đồng. Thủ tướng Jacinda Ardern được khuyến cáo trong khoảng 8 tới 10 ngày sau đó số ca bệnh sẽ đạt đỉnh.

Nhưng diễn biến mới nhất cho thấy các tính toán đã "trật đường ray". Trong vòng 10 ngày qua, đợt bùng dịch mới nhất đã ghi nhận 347 ca mắc mới, trong tổng số 415 như đã nêu.

Đầu tuần này, New Zealand đã gia hạn thời gian đóng cửa, trong bối cảnh hình ảnh "pháo đài chống dịch" New Zealand bị đem ra mỉa mai.

Đài CNN (Mỹ) cho rằng phản ứng trên diễn tả sự chia rẽ trong quan điểm của các nước về cách thức chống dịch.

Sau hơn 18 tháng sống trong COVID-19, một số quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, cũng đã chấp nhận thực tế có lẽ họ không bao giờ có thể khiến con virus SARS-CoV-2 biến mất mãi mãi. Thay vào đó, họ phải tìm cách hợp lý để sống chung với nó.

So với nhiều nước, trên thực tế New Zealand có một số lợi thế nhất định khi áp dụng cách làm này.

Họ có một nền kinh tế hiện đại, vững mạnh. Dân số của họ ít, chỉ khoảng 5 triệu người. Điều này khiến việc tung các khoản tài chính hỗ trợ người dân mỗi khi phong tỏa không quá khó khăn. Đồng thời, chuyện "bóc tách" các ca nhiễm khỏi cộng đồng, hay tổ chức cách ly cũng dễ hơn.

Dù vậy việc phong tỏa đất nước cũng có cái giá của nó, theo Đài CNN. Khoảng 1 triệu người New Zealand đang sống rải rác trên khắp thế giới, trong đó khoảng 600.000 người ở Úc.

Khi New Zealand đóng cửa quyết liệt, rất nhiều người dân nước này phải xa bạn bè hoặc người thân.

Một số người thậm chí đã không thể gặp lại người thân trong suốt một năm qua. Nền kinh tế cũng gánh chịu hậu quả khi lượng du khách tới New Zealand trong tháng 1-2021 ít hơn tới 98% so với cùng kỳ năm trước.

Vũ khí lợi hại nhất của New Zealand khi theo đuổi chiến lược chống dịch này nằm ở người dân. Theo CNN, có vẻ người dân ở đây không sốt sắng lắm với chuyện "tái kết nối với thế giới".

Trên mạng xã hội, thậm chí có một cuộc chiến không khoan nhượng khi nhiều người chỉ trích đồng hương, trách móc những người New Zealand khác đang kẹt lại ở nước ngoài là vì sao họ không… về nước sớm hơn.

Một khảo sát gần đây của Stickybeak còn cho thấy người dân đồng tình với chính phủ như thế nào: 84% người được hỏi cho biết họ ủng hộ đợt phong tỏa hồi tuần trước.

Khi Úc muốn tạo một hành lang di chuyển giữa nước này với New Zealand, hẳn họ sẽ chạnh lòng khi chỉ 1/4 người New Zealand tham gia khảo sát nói họ ủng hộ phương án trên.

Đối với New Zealand, cái khó hiện nay là tỉ lệ tiêm vắc xin chưa cao. Chỉ 22% dân số New Zealand hiện đã tiêm đủ hai mũi. Đây là một trong những tỉ lệ thấp nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

New Zealand ngừng miễn cách ly với du khách đến từ Úc do lo ngại biến thể Delta New Zealand ngừng miễn cách ly với du khách đến từ Úc do lo ngại biến thể Delta

TTO - New Zealand thông báo ngừng miễn cách ly trong ba ngày với người đến từ Úc theo chương trình 'bong bóng du lịch', bắt đầu từ ngày 26-6 do lo ngại các ca nhiễm COVID-19 bởi biến thể Delta từ nước láng giềng.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên