08/08/2018 11:48 GMT+7

Phản ảnh cái xấu, không phải lúc nào cũng 'tương' lên mạng

LÊ HIẾU GIANG
LÊ HIẾU GIANG

TTO - Cứ gặp cái xấu, những chuyện bất bình mình “tương” lên mạng xã hội ngay - chuyện dễ như búng ngón tay. Nhưng tìm cách phản ảnh đến đúng người, đúng nơi để giải quyết rốt ráo vấn đề mới là quan trọng và cần phải học.

Phản ảnh cái xấu, không phải lúc nào cũng tương lên mạng - Ảnh 1.

Đống rác bên ngoài cửa hàng ăn uống... - Ảnh: H.G.

1- Dừng đèn đỏ ở giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM) ngày 5-8-2018, tôi nhìn thấy một đống rác rất khó coi bên đường. Đây là rác của cửa hàng ăn uống K bên cạnh với nhiều ống hút, chai nhựa, thức ăn thừa và ly nhựa có in logo. 

Rút điện thoại chụp hình, tôi dự định chia sẻ lên mạng xã hội, phản ảnh một hình ảnh xấu xí của một thương hiệu lớn ngay giữa trung tâm thành phố. Rồi chợt nghĩ: việc phản ảnh trên Facebook liệu có đem lại hiệu quả? 

Cộng đồng mạng sẽ bình phẩm, chỉ trích dữ dội nhưng đống rác vẫn tồn tại. Xe cộ qua lại (có thể) làm đống rác bầy hầy thêm và càng thêm nhiều người bức xúc.

Tôi chọn cách vào thẳng cửa hàng với tư cách là khách hàng của K, tôi yêu cầu gặp quản lý để hỏi vì sao có đống rác đó và đề nghị cửa hàng dọn rác. 

Người quản lý cửa hàng tỏ ra bất ngờ, xin lỗi và giải thích rằng có thể do nhân viên vệ sinh làm vương vãi khi chuyển rác từ trong cửa hàng lên xe. Đống rác được dọn dẹp sạch sẽ ngay lập tức. Dọn đống rác cũng là dọn đi sự bức xúc cho bất kỳ ai nhìn thấy. Việc phản ảnh đúng địa chỉ đã đem lại kết quả tức thì.

2- Một lần, tôi đến cơ quan đại diện bộ G tại TP.HCM. Anh bảo vệ đã vò tiền gửi xe, ném thẳng vào thùng rác ngay trước mặt tôi vì chê tiền cũ nát. Tôi đã gửi email đến vị trưởng đại diện ở đây, tường thuật sự việc và đề nghị chấn chỉnh cách hành xử này. 

Vài ngày sau, tôi nhận được hồi âm của vị này bày tỏ thái độ cảm ơn và hứa sẽ chấn chỉnh nhân viên giữ xe. 

Nếu viết lên Facebook, sự việc chưa hẳn đến tai lãnh đạo cơ quan đại diện kia. Chuyện nhỏ này có thể khiến nhiều người bức xúc, suy diễn nhiều hướng. Tôi đã phản ảnh vì không muốn hành động thiếu văn hóa này lặp lại với bất kỳ ai.

Phản ảnh cái xấu, không phải lúc nào cũng tương lên mạng - Ảnh 2.

...Và sau khi rác đã được dọn - Ảnh: H.G.

3- Đến nhà bạn ở Singapore, tôi gặp cảnh cô ấy gọi tới tổng đài điều hành xe buýt phản ảnh việc tài xế xe buýt đã có những hành động thô lỗ với cô ấy khi thanh toán tiền. 

Thay vì lên mạng xã hội để "phê bình", cô ấy chọn giải pháp mất thêm một chút thời gian của bản thân nhưng phản ảnh đúng địa chỉ. Vì thế, sự việc được giải quyết rốt ráo và đương nhiên tài xế phải nhận sai. Nhưng không phải ai cũng chọn cách như vậy...

Hằng ngày lên mạng xã hội, chúng ta bắt gặp vô vàn hình ảnh, những clip phản ảnh cái xấu, cái chướng tai gai mắt. Ai đó đã "quăng" lên, chia sẻ, bình luận các kiểu. Hiện tượng xấu chưa chắc phản ảnh đúng bản chất vấn đề. 

Đem cái bức xúc nhất thời từ đời thực nhân rộng lên trên cuộc sống ảo chưa chắc đã là cách giải quyết tốt. Bất cứ điều gì "tương" lên Facebook thì rất đơn giản, nhưng chọn cách giải quyết rốt ráo, tìm đến đúng người, đúng địa chỉ mới là điều quan trọng. Và điều này tôi đang học mỗi ngày.

Chuyện cũng nhỏ. Nhưng vai trò của cá nhân trong cộng đồng phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhặt như thế. Rộng lớn hơn, sự giám sát xã hội cũng phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Khi cả xã hội cùng chọn cách lên tiếng đúng người, đúng địa chỉ thì ở chừng mực nào đó sẽ thúc đẩy sự phát triển theo chiều hướng tích cực.

LÊ HIẾU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên