24/05/2020 13:39 GMT+7

Phạm Tiến Sơn - 30 năm ở Đà Lạt làm toán

MAI VINH thực hiện
MAI VINH thực hiện

TTO - PGS.TS Phạm Tiến Sơn (nguyên trưởng khoa toán - tin Trường đại học Đà Lạt) là 1 trong 3 nhà khoa học vừa nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

Phạm Tiến Sơn - 30 năm ở Đà Lạt làm toán - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Tiến Sơn tại ĐH Đà Lạt, nơi ông gắn bó 30 năm để nghiên cứu toán học - Ảnh: ĐỨC THỌ

Công trình của ông là nghiên cứu tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số. 

Ông Sơn thuở nhỏ sinh sống ở Đà Nẵng, sau phổ thông ông vào Đà Lạt học đại học. Và đến nay "cư sĩ" toán học Phạm Tiến Sơn đã dành 30 năm ở Đà Lạt để làm toán. "Lúc nào tôi cũng có một bài toán cần giải trong đầu. Và tôi cứ giải toán liên tục như thế" - ông bảo vậy.

Khám phá bí ẩn kỳ lạ của toán học

* Thưa PGS.TS Phạm Tiến Sơn, có duyên cớ thú vị nào đã thôi thúc ông thực hiện công trình kể trên?

- Không có cái duyên nào rõ ràng cả. Để thực hiện công trình này cùng đồng nghiệp (GS Gue Myung Lee, ĐH Quốc gia Pukyong, Hàn Quốc), trước đó tôi cũng đã thực hiện một vài công trình có liên quan và đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Có thể nói, căn nguyên của công trình đang nói đến khởi nguồn từ những năm 2008 cùng với GS Hà Huy Vui (thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi). 

Công trình này khởi đầu giống như bạn ra biển và thấy đường chân trời hiển hiện đó nhưng "vô hạn" và không biết mình sẽ đi đến đâu để gặp nó. Có thể nỗ lực của bạn sẽ có kết quả hoặc không có gì cả. Điều này khiến người theo đuổi công trình không còn có mục đích nào khác ngoài mục đích thỏa sở thích làm toán và khám phá những bí ẩn lạ kỳ của toán học.

* Mỗi khi nhắc đến toán, ông lại nói đến đam mê, không có lý giải khác cho sự bền bỉ 30 năm qua của ông. Tôi tin thuở nhỏ ông học toán rất giỏi?

- Phỏng đoán của anh sai rồi. Cho đến năm đầu tiên của bậc THPT, tôi vẫn là một cậu học sinh học toán rất bình thường, thậm chí dưới trung bình. So với bạn bè thì tôi không được so sánh về khả năng học toán. Khi học cấp III, người thầy có cách dạy hay đã khiến tôi yêu thích và phấn đấu. Từ đó, tôi đã xem học toán, làm toán là mục đích cuộc đời. 

Có lẽ cách dạy của người thầy và sự phấn đấu của những người bạn đã thay đổi tôi. Khi tôi học tại Trường ĐH Đà Lạt, cố GS Nguyễn Hữu Đức (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt) đã hun đúc tôi thêm một lần nữa với lý thuyết kỳ dị.

Tinh thần vô tư khoa học

* Một cách nói rất chủ quan nhưng có lẽ đúng là rất nhiều người trẻ đã không chọn đeo đuổi nghiên cứu toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Ông nhìn nhận về chuyện này thế nào?

- Tôi hiểu bạn đang đặt lên bàn cân một câu chuyện sự nghiệp và bức bách của cơm áo gạo tiền mà nhà khoa học nào cũng gặp phải, không ít thì nhiều. Theo tôi, để làm toán và chọn toán học làm bạn "tâm giao" thì ngoài đam mê phải có một tinh thần vô tư khoa học. Đôi khi trước mặt anh là toán học và không còn gì khác, kể cả "cơm áo...".

Năm 1994, tôi làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) dưới sự hướng dẫn của GS Hà Huy Vui. Vượt qua nhiều khó khăn, tôi vẫn đeo đuổi để được làm toán cho đến nay. Người ta nói để quên đi mọi thứ, chỉ còn nghĩ về toán như mình thì gia thế phải vững, không lo cái ăn cái mặc. Nhưng không phải vậy. Năm 1995, hoàn cảnh của tôi và của chung các thầy cô ở Trường ĐH Đà Lạt khá khó khăn.

* Nhà khoa học, người nghiên cứu nói chung, thường không dư dả kinh phí để sống và đeo đuổi. Cần gỡ khó thế nào, thưa ông?

- Mong muốn của đa số nhà khoa học là có được thu nhập xứng đáng với công sức lao động của mình, để có thể tập trung cho nghiên cứu khoa học mà không phải mất quá nhiều thời gian cho các công việc khác như dạy thêm. Họ cũng mong muốn có một môi trường làm việc thật sự vì khoa học, giảm được càng nhiều càng tốt các loại hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính.

Sự ra đời của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) đã đem đến một luồng không khí mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và đối với ngành toán thì Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, với mô hình hoạt động chuẩn mực quốc tế, đã hỗ trợ được rất lớn cho các nhà khoa học - giảng viên tại các trường ĐH. 

Bản thân tôi và nhóm nghiên cứu của mình, thông qua Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, đã tổ chức được nhiều hoạt động khoa học trong nước với sự tham gia của các đồng nghiệp quốc tế như GS Lasserre, người có nhiều ảnh hưởng đến các nghiên cứu của tôi gần đây. 

Trong khi kinh phí dành cho hoạt động khoa học ở các trường ĐH nói chung còn rất khiêm tốn thì đây là một hình thức hỗ trợ hết sức hiệu quả. Đây là một vấn đề mà những người hoạch định chính sách, quan tâm đến khoa học của nước nhà cần đặc biệt lưu ý.

* Ông kể mọi chuyện nhọc nhằn của quá khứ nhẹ như nước trôi qua cầu. Nhưng tôi tin không dễ để lựa chọn cuộc sống của một "cư sĩ" và không chịu rời đi khỏi "ngôi đền" toán học. Có lúc nào ông tính rời xa Đà Lạt và bước ra khỏi lãnh địa của toán học?

- Những năm trước năm 1995 cuộc sống rất khó khăn, tôi cũng như nhiều thầy cô không chịu nổi khó khăn, thiếu thốn đã... đi. Đi về các thành phố lớn để tìm một công việc có thu nhập tốt hơn, có thể lo được cho gia đình. Tôi cũng vậy. Nhưng ngay khi được nhận việc, tôi lại chán ngay. Có lẽ tôi không hợp khi ở bên ngoài toán học và bên ngoài Đà Lạt.

Thực sự, Đà Lạt rất xứng đáng để nhiều nhà khoa học đến ẩn cư làm toán. Tôi thường xuyên mời những người nghiên cứu toán học trẻ đến Đà Lạt cùng trao đổi chuyên môn. Ở đây không gian yên tĩnh, rất dễ tập trung.

Những câu chuyện phía trước thú vị hơn

Trong phòng làm việc của nhà toán học Phạm Tiến Sơn tại Trường ĐH Đà Lạt không có bất kỳ một tấm bằng khen nào. Ông cười, có vẻ ngại nhắc đến: "Nó là quá khứ rồi. Những vấn đề toán học phía trước thú vị hơn. Với lại treo cũng để ai nhìn vào đâu. Thầy tôi ngày trước có dạy rằng người giỏi khen ta thì ta vui, còn người khác khen thì cũng là bình thường. Tôi mong muốn những cộng sự cùng nhìn vào toán học và tương lai hơn là những bằng khen của quá khứ".

Phạm Tiến Sơn - 30 năm ở Đà Lạt làm toán - Ảnh 3.

PGS.TS Phạm Tiến Sơn nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu ở Hà Nội - Ảnh: S.T.

Công trình toán học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Công trình nghiên cứu tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số được PGS.TS Phạm Tiến Sơn viết chung với GS Gue Myung Lee (Đại học Quốc gia Pukyong, Hàn Quốc).

Đây là bài toán "NP - khó" và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học, đặc biệt sau khi bài báo Global optimization with polynomials and the problem of moments của GS Jean Bernard Lasserre được xuất bản trên tạp chí SIAM Journal on Optimization năm 2001. Các kết quả của công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization được viết bởi GS Hà Huy Vui và PGS Phạm Tiến Sơn, do Nhà xuất bản World Scientific xuất bản và phát hành năm 2017.

'Trải nghiệm để đam mê toán học' - sách thú vị cho cả thầy và trò

TTO - Toán học vốn dĩ khô khan với những con số và dãy tính. Nhưng cuốn 'Trải nghiệm để đam mê toán học' đã khơi dậy sự thích thú cho người đọc với câu chuyện về các nhà toán học, những bài toán dân gian...

MAI VINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên