02/11/2019 08:43 GMT+7

Phải siết quy định xây dựng trên núi

BẢO NGỌC thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - Một loạt công trình sai phép mọc lên ở khu vực miền núi, có tiềm năng du lịch, hoặc ngang nhiên mọc lên giữa vùng di sản, thắng cảnh quốc gia tại nhiều địa phương thời gian qua một phần do "nhờn" luật.

Phải siết quy định xây dựng trên núi - Ảnh 1.

Một góc núi Chín Khúc ở Nha Trang đã bị doanh nghiệp san ủi làm dự án - Ảnh: TRUNG THÀNH

Đây là phát biểu của ông Bùi Văn Dưỡng, phó cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng.

Do địa phương chưa nghiêm

* Thưa ông, những công trình nhà hàng, nhà nghỉ ở Mã Pì Lèng; thang máy, nhà nghỉ ở Đồng Văn hay trạm dừng chân trên đèo Đại Ninh… được xây sai phép giữa vùng di sản, thắng cảnh quốc gia, nguyên nhân do đâu?

- Hiện tượng các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, xây không phép ở một số địa phương có nhiều nguyên nhân. Tại Hà Giang, khu vực có công trình sai phép đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, quy hoạch xây dựng.

Ví dụ tại Đồng Văn, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Rồi quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.

Nhưng vì thiếu ngân sách, nguồn lực nên các địa phương chưa kịp thời tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết, ban hành quy định, quy chế quản lý theo thẩm quyền để làm cơ sở quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp xây dựng công trình đã không tuân thủ các quy định pháp luật. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương chưa nghiêm, thiếu quyết liệt, dẫn đến tình trạng "nhờn" luật của một số chủ đầu tư.

Mặt khác, việc công bố công khai các quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành chưa được thực hiện một cách đầy đủ dẫn đến người dân thiếu thông tin cần thiết.

Phải siết quy định xây dựng trên núi - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Dưỡng

* Việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các khu vực miền núi hiện nay đang được bộ phân cấp cho địa phương như thế nào?

- Theo phân cấp địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sẽ trực tiếp quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương. Nếu các cấp cơ sở không quản lý được thì bộ, ngành cũng không thể giám sát hết tình trạng xây dựng sai phép ở tất cả các địa phương.

Đặc biệt tại các "điểm nóng" về phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở các vùng có nhiều tiềm năng như vùng núi có danh lam thắng cảnh, có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng.

Pháp luật về quy hoạch, xây dựng đã phân định cụ thể rồi. Theo đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư xây dựng; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng.

* Thưa ông, khi xảy ra các vụ vi phạm xây dựng sai phép, theo quy định các địa phương có phải báo cáo bộ không? Nếu có thì địa phương thực hiện như thế nào?

- Thường thì các thông tin, dữ liệu về kết quả xử lý sẽ định kỳ báo cáo Bộ Xây dựng theo tháng, quý hoặc năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Trường hợp có vấn đề phức tạp, phát sinh vượt quá khả năng của UBND cấp tỉnh, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp để hỗ trợ giải quyết. Tại Hà Giang thời gian qua dù xảy ra hàng loạt vụ xây dựng không phép trong vùng di sản nhưng địa phương không báo cáo Bộ Xây dựng để cùng phối hợp giải quyết.

Phải siết quy định xây dựng trên núi - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn

* Có phải do năng lực của địa phương yếu kém dẫn đến hệ quả nhiều công trình xây dựng không phép tồn tại nhiều năm? Bộ Xây dựng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Từ năm 1999 hệ thống pháp luật về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng đã cơ bản đầy đủ và hoàn chỉnh.

Các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng từ trung ương đến địa phương cũng được kiện toàn. Tuy nhiên, những năm gần đây thị trường bất động sản phát triển nóng, đặc biệt là loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã đặt ra yêu cầu rất lớn đối với năng lực quản lý của cơ quan nhà nước. Hoạt động quản lý này đòi hỏi lớn về nguồn lực tài chính cũng như con người tham gia quản lý.

Tình trạng không bố trí đủ kinh phí, nguồn lực con người để kịp thời triển khai lập quy hoạch làm cơ sở quản lý, cấp phép xây dựng còn khá phổ biến ở địa phương.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng đang được trình Quốc hội, theo đó Bộ Xây dựng đã đề xuất các quy định về phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan.

Dự thảo luật cũng bổ sung các quy định cụ thể về quản lý trật tự xây dựng sau cấp giấy phép theo hướng giao thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể về quản lý trật tự xây dựng cho UBND các cấp.

* Theo ông, bối cảnh hiện nay có cần ban hành thêm khuôn khổ pháp lý như một luật để quản lý hoạt động xây dựng tại các vùng núi, đặc biệt là vùng di sản, có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng?

- Tăng cường sự tham gia của các cấp bộ, ngành trong quản lý quy hoạch, xây dựng tại các khu vực có di sản, tiềm năng lớn về du lịch là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó cần xem xét bổ sung quy định về quản lý quy hoạch, xây dựng các khu vực di sản có tiềm năng lớn về du lịch không chỉ đối với các khu vực miền núi mà cả nước.

Luật xây dựng quy định quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch đối với tất cả các vùng, lãnh thổ trên cả nước, kể cả khu vực vùng núi, vùng có di sản, tiềm năng du lịch lớn.

Để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng đang được trình Quốc hội đã bổ sung các quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong quản lý trật tự xây dựng.

Đối với các khu vực vùng núi, vùng có di sản, tiềm năng lớn về du lịch, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, các đối tượng dự án đầu tư xây dựng tại khu vực này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác như đất đai, bảo vệ môi trường, du lịch, di sản văn hóa, đầu tư.

Phải siết quy định xây dựng trên núi - Ảnh 4.

Giữa núi rừng mọc lên dự án

Hà Giang khẳng định dự án tâm linh Lũng Cú phù hợp quy hoạch Hà Giang khẳng định dự án tâm linh Lũng Cú phù hợp quy hoạch

TTO - UBND tỉnh Hà Giang vừa có văn bản báo cáo khẳng định dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú hoàn toàn nằm ngoài vùng bảo vệ 2 của di tích cột cờ Lũng Cú và phù hợp các quy hoạch với cao nguyên đá Đồng Văn.


BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên