18/10/2015 10:00 GMT+7

Phải học để tìm một lối thoát

TIẾN THẮNG - QUANG THẾ - TÂM LỤA
TIẾN THẮNG - QUANG THẾ - TÂM LỤA

TTO - Những tân sinh viên nghèo trong câu chuyện chúng tôi vừa gặp có khi cơm ăn không đủ ăn no, trời lạnh không đủ áo ấm để mặc.

Sau mỗi buổi học trên giảng đường, Vân lại về bên cạnh chăm sóc người mẹ đang điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối - Ảnh: Tiến Thắng
Sau mỗi buổi học trên giảng đường, Vân lại về bên cạnh chăm sóc người mẹ đang điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối - Ảnh: Tiến Thắng

Các em đến từ nhiều vùng quê khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung ý chí vượt qua cái nghèo, cái đói với quyết tâm: phải học! Học để tìm cho mình một lối thoát.

"Dù mẹ có mệnh hệ gì cũng ráng học nghe con..."

Đó là lời dặn dò mà người mẹ đang bị ung thư giai đoạn cuối nhắc đi nhắc lại cho cô con gái Mạnh Thị Huyền Vân (thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La) khi đang điều trị tại Hà Nội.

Trong bức thư đề đạt nguyện vọng xin nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của Vân, tân sinh viên khoa luật ĐH Ngoại thương gửi đến báo Tuổi Trẻ ngày áp chót, vỏn vẹn 988 chữ với nội dung chứa đựng cả một câu chuyện buồn…

Vừa ngớt những cơn đau quặn người hành hạ, bà Lê Thị Hòa, mẹ của Vân, thì thào kể lại những ký ức hơn 30 năm về trước khi quyết định rời vùng đất Diễn Châu (Nghệ An) để đến Sơn La công tác và lập gia đình tại đây. Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc bền lâu thì người chồng bỏ đi để lại bà và đứa con nhỏ đang nằm trong bụng.

Sau ngày sinh Vân, bà Hòa chuyển về thị trấn Mộc Châu (Sơn La) thuê một phòng trọ nhỏ để hai mẹ con tá túc rồi bà xin làm công nhân bán xăng dầu với đồng lương 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Vì mưu sinh, bà phải để Vân trong phòng trọ nhỏ, không họ hàng thân thích giúp đỡ.

Từ nhỏ, Vân đã quen với việc phải ở một mình, tự chăm sóc bản thân. Đối với Vân, ông trời luôn không chiều lòng người, không cho em có tình thương của cha nhưng cũng đang dần lấy đi cả người mẹ mà em yêu quý nhất. Ngày Vân chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời thì cũng là lúc căn bệnh ung thư của mẹ trở nặng với những cơn đau hành hạ suốt ngày đêm.

Căn bệnh ung thư hành hạ khiến bà Hòa sụt cân từ 50kg xuống còn 30kg. Cuộc sống sinh hoạt phải nhờ cả vào Vân và người chị gái mới từ Nghệ An đến thay nhau chăm sóc. Số tiền hơn trăm triệu đồng tích góp trong mấy chục năm bán xăng dầu thuê cũng đã hết vì phải chi trả viện phí, thuốc thang.

“Nhìn mẹ đau ốm, đã có lúc mình muốn nghỉ học để ở bên mẹ. Nhưng mẹ chỉ nói cả cuộc đời mẹ vì con, chết cũng vẫn phải vì con. Sau này dù có chuyện gì xảy ra cũng phải hứa với mẹ nhất định không được bỏ học. Dù thế nào mẹ cũng luôn dõi theo con" – Vân nghẹn ngào.

Khó khăn cứ nối dài những khó khăn khi hai mẹ con lên Hà Nội để điều trị bệnh. Tất cả những nhà trọ Vân đi tìm đều không đồng ý cho thuê khi biết bệnh tình của mẹ. Tan giờ học trên giảng đường, Vân lại lóc cóc đi bộ tìm phòng trọ cho hai mẹ con đến tận tối mịt. Căn phòng tá túc hiện tại là nhờ những người bạn cùng quê cho ở ghép.

"Mình đi tìm phòng trọ mà nói có mẹ bị bệnh thì ở đâu cũng không ai cho thuê. Hiện mẹ ở phòng trọ này cũng là do mình và mọi người giấu chủ nhà. Đi học nhưng mình luôn canh cánh sợ người ta biết mẹ bị bệnh sẽ lại đuổi đi" - Vân gạt nước mắt.

Nói về tương lai, Vân cho biết vẫn chưa lường hết những khó khăn phía trước. “Mình đã tính kiếm một công việc để có tiền đi học hoặc nếu quá khó khăn sẽ bảo lưu kết quả học để đi làm một thời gian rồi học tiếp. Nhưng dù thế nào, nhất định mình sẽ không bỏ cuộc".

Thầy giáo Trần Văn Quốc, giáo viên chủ nhiệm của Vân tại Trường THPT Mộc Lỵ (Mộc Châu, Sơn La), cho biết trong quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với Vân, thấy em là người giàu nghị lực, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy song Vân luôn là học sinh tốp đầu của lớp với thành tích học tập giỏi. 

"Suốt quá trình học, Vân không nói nhiều về hoàn cảnh gia đình mình, nhưng là giáo viên chủ nhiệm tôi tự đi tìm hiểu và biết được hoàn cảnh éo le của gia đình em. Từ đó, mỗi lần có chương trình hỗ trợ nào của nhà trường tôi đều giới thiệu hoàn cảnh của em để giúp vơi bớt phần nào khó khăn" - thầy Quốc cho biết thêm.

Trưởng thành... từ đau thương

Tân sinh viên Vừ Quốc Hoàng xem lại bài sau giờ lên giảng đường - Ảnh: Quang Thế
Tân sinh viên Vừ Quốc Hoàng xem lại bài sau giờ lên giảng đường - Ảnh: Quang Thế

Trong số những tân sinh viên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm nay mỗi người là một câu chuyện cảm động về sự vươn lên trong cuộc sống nghèo nàn, hoàn cảnh đau thương để chứng tỏa bản thân.

Trong số đó không thể không nhắc đến Vừ Quốc Hoàng (18 tuổi, ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, Điện Biên), một trong số rất hiếm người dân tộc Mông đang theo học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Gia đình Hoàng đang sống hạnh phúc ở trung tâm tỉnh Điện Biên thì bất ngờ tai nạn giao thông cướp đi người cha của em. Số phận dường như trớ trêu hơn khi căn bệnh ung thư quái ác tiếp tục cướp đi người mẹ lúc em mới đang học kỳ 2 của lớp 5. Vậy là chị em Hoàng như “ly tán” mỗi người một nơi, phải đi sống nhờ nhà chú, nhà bác ở huyện Tuần Giáo cách ngôi nhà em trước đây gần 100km.

Cứ tưởng thiếu vắng bóng hình mẹ cha, trước khó khăn về kinh tế chị em Hoàng khó mà vực dậy. Nhưng cũng chính vì hoàn cảnh đau thương đã thôi thúc em học tập chăm chỉ hơn, kết quả là trong sáu năm theo học tại Trường PT DTNT - THPT Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) em luôn là học sinh giỏi.

Gặp Hoàng trong một buổi chiều Hà Nội đón gió mùa đông bắc, sau hơn một tháng em nhập học. Ít nói, dáng người gầy nhom, khi nhắc đến cha mẹ mắt lại đỏ hoe rồi nghẹn giọng bởi hình ảnh cha mẹ lúc nào cũng hiện hữu trong em.

“Cha mất lúc em mới học lớp 2 nên không còn nhớ rõ nữa, mẹ thì vẫn còn nhớ như in. Có nhiều hôm em còn mơ thấy cha mẹ cùng em và chị sum họp trong gia đình ăn cơm tối. Em đã khóc nhiều lần vì không có người thân bên cạnh. Nhiều lúc muốn quyết định một việc gì cần cha mẹ ở bên để định hướng nhưng không có” – Hoàng sụt sùi kể.

Có lẽ để em vững tin hơn, trưởng thành hơn cũng nhờ được sự quan tâm từ mái trường nơi em theo học, nơi đó có thầy cô, bạn bè. “Cô Nhung thương em lắm. Nhiều hôm cô còn đưa em về nhà ăn cơm rồi trước các kỳ thi cô luôn dặn dò, chỉ bảo cho từng tí...” - Hoàng tâm sự.

Là một trong những người bạn thân của Hoàng, Vừ A Chứ kể: “Dù không may mắn như nhiều bạn còn cha, còn mẹ nhưng trong mắt bọn em bạn ấy luôn truyền cảm hứng, động lực sống. Không chỉ vậy, Hoàng còn thường xuyên chia sẻ, động viên mọi người mỗi khi gặp khó khăn. Hi vọng sau này bạn ấy sẽ giúp được nhiều người nghèo khó trong xã hội”.

Những chi phí cho Hoàng đi học hiện tại chủ yếu là tiền từ người chị ruột chưa có công việc ổn định tích cóp được. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Hoàng bảo: “Nếu nhận được học bổng của báo Tuổi Trẻ, em dự định đóng luôn tiền học phí. Em sẽ cố gắng học tập để sau này góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo với các thành phố khác”.

Dường như ông trời đã cướp đi những người thân yêu nhất của Hoàng nhưng bù lại cho em nghị lực sống mãnh liệt từ hoàn cảnh khó khăn...

Hiểu được những hi sinh thầm lặng của bố, Đỗ Hải Đăng luôn tự nhủ với bản thân mình: “Phải cố gắng tìm một nghề gì đó mà mình giỏi để làm, để đỡ đần bố”. Những nỗ lực đã có kết quả khi Đăng thi đỗ vào Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân - Ảnh: N.V.Hải
Hiểu được những hi sinh thầm lặng của bố, Đỗ Hải Đăng luôn tự nhủ với bản thân: “Phải cố gắng tìm một nghề gì đó mà mình giỏi để làm, đỡ đần bố”. Những nỗ lực đã có kết quả khi Đăng thi đỗ vào khoa kinh tế học Đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh: N.V.Hải

Căn nhà không bao giờ khóa cửa

Nằm trên quốc lộ 70, cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa đầy 2km có một ngôi nhà nằm ẩn sâu sau những tán cây bên đường. Đứng ngoài quốc lộ nhìn vào không ai có thể biết đó là một ngôi nhà - nơi tá túc của một cô gái mới lớn cùng hai em khi mẹ bỏ đi, bố thường xuyên vắng nhà. Ngôi nhà ấy quanh năm không bao giờ khóa cửa vì không có vật gì đáng giá.

Khi chúng tôi đến, cỏ dại ngoài ngõ vừa được phát vội để lấy lối đi cho khách vào nhà. Từ căn nhà dưới những tán cây heo hút ấy, cô gái Đỗ Hải Đăng (18 tuổi) đã bước thẳng vào Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội trước sự thán phục của nhiều người.

Bố mẹ ly hôn từ năm Đăng học lớp 6, mẹ bỏ đi đến ngày em thi đại học mới quay về. Ông Đỗ Mạnh Cường (56 tuổi, bố Đăng) làm bất cứ việc gì ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai để kiếm tiền nuôi con ăn học, từ quét rác, trông xe, dọn dẹp miếu thờ đến nấu cơm thuê... Quen với sương gió, bố Đăng nói lời tình cảm. Ông chỉ bảo với Đăng: “Mày lo học đi, học đến đâu tao lo cho đến đấy. Không học được thì tao sắm cho đôi sọt qua cửa khẩu mà làm ăn”.

Tết năm 2014, Đăng bị bỏng tay chân khi nấu ăn, phải nằm ở Viện bỏng tại Hà Nội cả tháng. Em đã bất lực nghĩ đến việc mình phải nghỉ học vì sẽ là gánh nặng cho gia đình.

Biết công việc quét rác nhẹ nhàng ở cửa khẩu không đủ tiền chữa bệnh cho con, ông Cường theo người quen sang Trung Quốc đóng quan tài cho một xưởng mộc. Tiền công được trả 400.000 đồng/ngày nhưng công việc lại quá nặng nhọc, ông làm đến ho ra máu. Vậy mà đến đêm ông vẫn không chịu về nhà, vẫn ngủ lại ngoài cửa khẩu để kiếm thêm chút tiền.

Hiểu được những hi sinh thầm lặng của bố, Đăng luôn tự nhủ với bản thân: “Phải cố gắng tìm một nghề gì đó mà mình giỏi để làm, đỡ đần bố”.

Những nỗ lực của bố và Đăng đã có kết quả khi Đăng thi đỗ vào khoa kinh tế học Đại học Kinh tế quốc dân.

“Em không bao giờ dám nghĩ nhiều đến những nỗi buồn, sợ mình yếu đuối không vượt qua được” - Đăng bảo vậy khi nói về hoàn cảnh gia đình, về thiếu thốn sự quan tâm, tình yêu thương của bố mẹ từ nhỏ.

Đăng xuống Hà Nội mang theo những đồng tiền ít ỏi mà ông Cường đã chắt bóp từ lâu kèm theo câu dặn dò ngắn gọn: “Học được tới đâu tao khắc lo cho tới đấy”.

Ngay từ những ngày đầu xuống Hà Nội nhập học, Đăng đã cùng anh trai đi bán dừa để kiếm thêm thu nhập. Hỏi có sợ những khó khăn trước mắt không, Đăng bảo em sẽ vượt qua được vì không muốn phụ công lao của bố...

TIẾN THẮNG - QUANG THẾ - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên