04/10/2012 21:20 GMT+7

Phải chế tài chủ đầu tư để dự án "treo"

D.N.HÀ - Q.THANH - V.SỰ
D.N.HÀ - Q.THANH - V.SỰ

TTO - Tại phiên thảo luận tổ của Hội đồng nhân dân TP.HCM chiều 4-10, nhiều đại biểu cho rằng phải xử phạt những chủ đầu tư để dự án “treo” và phải công bố thời gian thực hiện quy hoạch.

Mổ xẻ dự án "treo", quy hoạch không hợp lýCần xóa dự án, quy hoạch “treo” không phù hợp

UV8AFWS1.jpgPhóng to
Đại biểu Lâm Đình Chiến, tổ thảo luận số 3, phát biểu tại buổi thảo luận chiều 4-10 - Ảnh: Minh Đức

Cũng tại phiên thảo luận tổ vào buổi chiều, đại biểu Trần Trọng Dũng (quận 8) cho rằng nhiều dự án kéo dài quá lâu, người dân có đất trong khu vực dự án bị thiệt thòi quyền lợi quá nhiều, xây sửa nhà cũng bị xử phạt trong khi thủ phạm gây “treo” là chủ đầu tư lại không bị chế tài gì. Đã vậy, những dự án dở dang, chủ đầu tư không có năng lực thực hiện tiếp mà Nhà nước muốn thu hồi dự án còn phải tính toán để hoàn trả cho chủ dự án giá trị đã đầu tư.

Ký quỹ để bồi thường cho dân

Ông Dũng kiến nghị Nhà nước phải có chế tài đối với các chủ đầu tư chậm thực hiện dự án. “Có thể yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ một số tiền từ 10-20 tỉ đồng, nếu thực hiện dự án không đúng tiến độ mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì dùng số tiền này để bồi thường cho dân. Phải có biện pháp đánh vào kinh tế để tránh tình trạng các chủ đầu tư không có năng lực nhưng lại xí đất, sang nhượng dự án để kiếm lời...".

Dân quyết định lộ giới hẻm?

Đại biểu Lâm Đình Chiến cho biết: khảo sát về quy hoạch hẻm trong 3 phường ở quận 10 cho thấy phải giải tỏa gần 400 hộ dân mới thực hiện được các quy hoạch hẻm ở đây. Vậy làm sao thực hiện được?

Một số trường hợp vận động Nhà nước và nhân dân cùng làm hẻm nhưng một vài hộ dân trong hẻm không chịu thì Nhà nước đòi cưỡng chế, làm sao mà cưỡng chế được?

Theo đại biểu Chiến, vấn đề hẻm chỉ là giao thông nội bộ, Nhà nước nên để người dân chủ động. Người dân sẽ quyết định lộ giới hẻm rộng hay hẹp, nguồn vốn thực hiện từ đâu ra...

Đại biểu Lâm Đình Chiến (quận 10) hiến kế: Nhà nước phải công khai cho dân biết những dự án nào đã giao quá 12 tháng, tên tuổi đơn vị làm chủ đầu tư... dự án nào phải thu hồi theo quy định và sự thật thì TP này có bao nhiêu dự án quá 12 tháng, trước giờ TP đã thu hồi bao nhiêu dự án? Như vậy người dân mới giám sát được.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đào Anh Kiệt cho biết bản thân ông cũng thấy chưa sòng phẳng về quyền lợi và chế tài đối giữa người dân và chủ đầu tư trong các dự án “treo”. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định về chế tài chủ đầu tư nên chưa chủ đầu tư nào bị phạt. Sở sẽ kiến nghị cơ quan chức năng về việc này.

Đại biểu Trần Trọng Dũng phản ánh: ở quận 8 có quy hoạch khu D của thuộc khu Nam TP đã có quyết định thu hồi đất từ năm 1996 nhưng đến nay chưa bồi thường cho dân.

Ông Đào Anh Kiệt cho biết khu vực trên đang có vướng mắc về việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, các ban ngành đang bàn bạc xem Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng hay phía Việt Nam trong liên doanh trên phải chịu trách nhiệm bồi thường những khu vực còn lại của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. “Sự việc này không phải là trách nhiệm của TP mà phải xin ý kiến Chính phủ”, ông Kiệt nói.

Ông Dũng đáp lại: "Các sở ngành trả lời tôi thấy thỏa đáng hết, nhưng người dân quận 8 thì chưa hiểu được như vậy. Mời giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc đối thoại với người dân trong vùng quy hoạch của quận 8 và giải thích cho dân rõ việc này".

Hiến kế “trị” quy hoạch "treo"

aof59w55.jpgPhóng to
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa VIII diễn ra sáng 4-10 - Ảnh: Minh Đức

Đại biểu Trương Lâm Danh cho rằng người dân nhận thức rằng quy hoạch tạo bộ mặt đẹp cho TP. Tuy nhiên, người dân lại rất sợ hai chữ quy hoạch bởi nó biến người dân thành công dân hạng 2 ngay trên chính "quê hương" của mình vì quyền lợi về nhà đất bị hạn chế.

Còn đại biểu Chiến chỉ ra rằng có quá nhiều văn bản pháp luật về quy hoạch và quản lý quy hoạch khiến người làm quy hoạch cũng rối và “chỉ có Nhà nước làm và nói với nhau về các quy định chứ người dân thật sự không hiểu vì không được tiếp cận”, ông Chiến nói.

Quỹ 156: thu ít nhưng vẫn xài không hết!

Hiện các chủ đầu tư còn nợ quỹ 156 (Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi) hơn 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên quỹ này lại đang tồn tới 50 tỉ đồng, chưa giải ngân để người dân thụ hưởng. “Đây là một nghịch lý đòi hỏi thu và phân bố quỹ 156 trong thời gian tới phải hợp lý hơn” - đại biểu Phi Thị Tuyết Nhung kiến nghị.

Bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính, cho biết đã có nghị định 69 (thay thế nghị định 84) quy định tiền hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi sẽ được tính vào phương án tái định cư và chủ đầu tư không còn phải đóng góp quỹ 156 nữa.

UBND TP đã giao Sở Nội Vụ nghiên cứu việc tiếp tục tồn tại hay xóa bỏ quỹ 156 trên cơ sở phải đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tài (quận 10) kiến nghị: phải công bố thời gian thực hiện quy hoạch cho người dân. Nếu như sau thời gian công bố mà Nhà nước chưa thực hiện được thì để dân tự xây dựng theo quy định của pháp luật. Tránh tình trạng quy hoạch không thực hiện được, cứ để vậy mà quyền lợi hợp pháp của người dân không ai đá động đến, người dân mất niềm tin vào quy hoạch.

Ông Chiến hiến kế: Nhà nước phải công bố thời gian thực hiện quy hoạch. Nếu như việc thực hiện quy hoạch chỉ trong một chu kỳ (3 năm) thì hạn chế không cho xây cất nhà cửa. Đến chu kỳ thứ 2 thì phải để người dân xây dựng tạm không bồi thường, còn sang chu kỳ thứ 3 mà Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch thì phải để cho dân hưởng đầy đủ quyền lợi hợp pháp như những khu quy hoạch dân cư hiện hữu khác. Nhà nước phải sòng phẳng với người dân.

Đại biểu Trần Hữu Trí (quận 6) nhìn quy hoạch "treo" ở khía cạnh khác: Vấn đề ở đây là cách cư xử đối với người dân trong khu vực bị quy hoạch. Hiện nay, người dân được cấp phép xây dựng tạm 5 tầng trong khu vực quy hoạch nhưng lại không được bồi thường và không được cấp giấy chủ quyền nhà. Kiến nghị Nhà nước phải công nhận quyền sở hữu nhà cho người dân và phải bồi thường thỏa đáng khi thu hồi.

Như vậy, sẽ ràng buộc Nhà nước phải tính toán thời gian thực hiện quy hoạch để hạn chế chi phí về bồi thường. Quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch phải bằng quyền lợi của người dân bên ngoài để họ có thể bán đất được. Người mua đất trong khu quy hoạch cũng sẽ yên tâm vì không bị hạn chế quyền lợi và sẽ được bồi thường thỏa đáng khi Nhà nước thu hồi đất.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Quách Hồng Tuyến cho rằng phải thay đổi cách làm quy hoạch. Lâu nay, các quận huyện nội thành cũng phải tuân thủ các quy chuẩn về tỉ lệ đất cây xanh, công trình công cộng trên đầu người. Vì vậy, đơn vị làm quy hoạch phải tìm chỗ để “bôi xanh”, “bôi đỏ” lên nhà dân cho đủ tiêu chuẩn dẫn đến quy hoạch không khả thi. TP có thể hạ tiêu chuẩn đất cây xanh, công cộng ở các quận nội thành, tăng tiêu chuẩn ở các quận ngoại thành để hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Sáng mai 5-10 sẽ diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn hai sở Tài nguyên và môi trường, Quy hoạch - kiến trúc.

Cuối buổi sáng sẽ bế mạc kỳ họp.

Người tái định cư cần việc làm ổn định

Về đời sống của người tái định cư, đại biểu Nguyễn Đình Hưng đề nghị cần đầu tư những khu đô thị tái định cư để hấp dẫn, tạo sự yên tâm cho người dân di dời. Trong khu đô thị đó, cần nhất là phải tạo được việc làm và các tiện ích xã hội. “Nếu chỉ nhìn vào những con số khô khan về diện tích nhà tái định cư, các khoản tiền đền bù… chưa chắc đã đủ hấp dẫn những người dân di dời”, đại biểu Hưng nhận định.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (quận 2) chuyển đến cuộc thảo luận hình ảnh, sinh hoạt ở một khu tái định cư thuộc hàng tốt nhất ở quận 2. Những hình ảnh này cho thấy tuy nhà cửa khang trang, hạ tầng đầy đủ nhưng người dân tái định cư không có công ăn việc làm… “Đây là vấn đề xã hội rất lớn, đề nghị cần có một cơ quan chuyên trách chăm lo tái định cư để ổn định cuộc sống người dân”, ông Sơn nói.

D.N.HÀ - Q.THANH - V.SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên