17/11/2018 12:06 GMT+7

Papua New Guinea mong “cất cánh” từ APEC

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea lần đầu đón lãnh đạo 21 nền kinh tế về dự Hội nghị cấp cao APEC trong hai ngày 17 và 18-11. Liệu nền kinh tế bé nhỏ nhất trong khối có tận dụng được cơ hội để "cất cánh"?

Papua New Guinea  mong “cất cánh” từ APEC - Ảnh 1.

Người dân Papua New Guinea vẫy quốc kỳ khi trông thấy đoàn xe đưa Chủ tịch Tập Cận Bình đi ngang qua ngày 16-11. Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ 2 của nước này sau Úc - Ảnh: Reuters

Thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea (PNG) lần đầu đón lãnh đạo 21 nền kinh tế về dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong hai ngày 17 và 18-11. Liệu nền kinh tế bé nhỏ nhất trong khối có tận dụng được cơ hội để "cất cánh"?

Đài BBC bình luận PNG là nơi mà chúng ta hiếm khi thấy các lãnh đạo thế giới bắt tay nhau. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cùng lãnh đạo của nhiều nền kinh tế khác sẽ bắt tay, chụp ảnh và chốt các vấn đề quan trọng.

APEC có giúp đất nước giàu lên?

Hội nghị cấp cao APEC năm nay có chủ đề: "Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số", tập trung 3 ưu tiên: 1. Tăng cường kết nối và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; 2. Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững và 3. Đẩy mạnh tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu.

Với những người dân nghèo còn đi chân đất bán hàng rong ở chợ tại thủ đô Port Moresby hay giới trí thức, câu hỏi đặt ra là: "APEC có giúp đất nước giàu lên?".

Một giáo viên tên Freddie Mupa trả lời Hãng thông tấn AFP: "Tôi biết những người rất quan trọng sẽ đến, vì vậy tôi hi vọng cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện".

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Peter O'Neill ngày 14-11 phát biểu ông mong APEC sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, từ đó làm lợi cho đất nước. 

Ông cũng đã tiếp đón trọng thể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo đầu tiên đến APEC ngày 15-11 nhân dịp thăm cấp nhà nước đến PNG.

Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng gia tăng đối với các nước trong khu vực, bao gồm PNG. 

Theo báo Wall Street Journal, Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã cho PNG vay 1,9 tỉ USD với lãi suất ưu đãi và Trung Quốc cũng là nhà tài trợ lớn thứ hai cho PNG trong khu vực sau Úc.

Ngày 16-11, ông Tập đã giới thiệu về sáng kiến "Vành đai - con đường" với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong một diễn đàn kín. Nhiều nhà lãnh đạo khá hào hứng với việc ký các thỏa thuận giúp phát triển cơ sở hạ tầng ở quốc gia của họ, trong đó có PNG.

Trong khi ông Tập sẽ ở PNG nhiều ngày thì Tổng thống Donald Trump, người trực tiếp dự Hội nghị cấp cao ASEAN và APEC năm ngoái, vắng bóng. 

Quyết định không đến dự APEC năm nay và chỉ cử cấp phó Mike Pence đi thay khiến các nhà quan sát nghi ngờ cam kết của ông Trump đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việt Nam đi đầu triển khai các sáng kiến APEC 2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang PNG dự Hội nghị cấp cao APEC trong hai ngày 17 và 18-11. Năm 2018 đánh dấu 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC.

Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã chủ động phối hợp với chủ nhà PNG và các thành viên đóng góp tích cực vào triển khai các chương trình hợp tác dài hạn của APEC như thúc đẩy hoàn tất các mục tiêu Bogor, triển khai lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC, chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu.

Trong năm 2018, các bộ ngành Việt Nam đã tranh thủ nguồn lực các quỹ dự án của APEC để triển khai 14 dự án nâng cao năng lực dành cho công chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ, người lao động trong các lĩnh vực đàm phán thương mại, kỹ năng số, y tế, năng lượng..., đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên đi đầu đề xuất và triển khai các sáng kiến APEC trong năm nay. (D.AN)

Cơ hội lẫn thách thức cho chủ nhà

Báo The Nation của PNG dẫn ý kiến của học giả về quản lý chính sách công cho rằng từ việc tổ chức APEC, kinh tế của PNG dự kiến có kết quả tích cực, tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm. 

Bên cạnh đó, tổ chức thành công sự kiện sẽ củng cố vị thế của đất nước đối với quốc tế và quảng bá PNG như là một điểm sáng cho kinh doanh và du lịch, kể cả sau khi APEC kết thúc.

Chủ đề "Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số" có nghĩa là PNG phải có khả năng về công nghệ và trở thành một người chơi đáng gờm trong khối, thay vì làm khán giả nhìn ngắm những nền kinh tế như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, New Zealand và Úc làm chủ cuộc chơi.

Và do đó, cách duy nhất của PNG là thật sự nghiêm túc và cam kết với giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cơ sở những tiền đề và cơ hội mà APEC tạo ra.

Thách thức thực sự của PNG là một nền giáo dục có chất lượng được dẫn dắt bằng công nghệ số và điều này được đặt trong tay chính phủ.

Nhập 40 xe sang phục vụ APEC

Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất mà PNG - đất nước hợp thành từ khoảng 600 đảo nhỏ ở nam Thái Bình Dương - đăng cai. Nước này đã nhập khẩu 40 xe hơi Maserati sang trọng từ Ý để phục vụ Hội nghị cấp cao APEC.

Mỗi xe có giá hơn 100.000 USD để đưa đón các lãnh đạo nước ngoài trong thời gian APEC diễn ra và sẽ bán lại cho người dân sau đó.

Nhiều nước chủ nhà của APEC trước đây cũng từng mua sỉ các xe hạng sang. Năm 2015, BMW đã tài trợ hơn 200 xe cho APEC được tổ chức tại Philippines.

Úc và Trung Quốc đã ủng hộ hàng trăm triệu USD để giúp nước chủ nhà tổ chức Năm APEC 2018.

Úc, Trung tranh nhau ảnh hưởng ở Papua New Guinea Úc, Trung tranh nhau ảnh hưởng ở Papua New Guinea

TTO - Những động thái đầu tư tích cực của Bắc Kinh vào Papua New Guinea (PNG) thời gian qua cũng như chuyến thăm nước này trước thềm APEC của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến hàng xóm của PNG là Úc “nóng mặt”.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên