25/12/2020 06:05 GMT+7

Ông Trump 'đấu' với lưỡng viện về đạo luật chi tiêu quốc phòng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ngày 24-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump làm điều ông đã cảnh báo: Phủ quyết Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2021 trị giá hơn 740 tỉ USD. Nhiều nghị sĩ tuyên bố sẽ 'đấu' lại phủ quyết của tổng thống.

Ông Trump đấu với lưỡng viện về đạo luật chi tiêu quốc phòng - Ảnh 1.

Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump lên đường đi nghỉ lễ ngày 24-12, sau khi phủ quyết Đạo luật chi tiêu quốc phòng - Ảnh: REUTERS

Quyết định được ông Trump đưa ra trước khi lên đường đi nghỉ lễ Giáng sinh ở Florida. Trước đó, Tổng thống Mỹ nhiều lần lấy NDAA làm con tin, dọa sẽ phủ quyết nếu Quốc hội không nhượng bộ các yêu cầu của ông.

Vì sao?

Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump nêu rõ điều 230 của Đạo luật chuẩn mực truyền thông (CDA) là lý do ông phủ quyết NDAA. Ông Trump muốn gắn vào NDAA một điều khoản không liên quan nhằm xóa bỏ điều 230 mà theo ông cản trở hoạt động lực lượng tình báo.

Trong CDA, điều khoản này bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ.

Ông Trump cũng phản đối điều khoản trong NDAA về việc đặt tên lại các căn cứ quân sự vốn đang đặt theo tên các chỉ huy Liên minh miền Nam thời nội chiến. Ngoài ra, một điều khoản khác có thể cản trở quyết định của ông nhằm cắt giảm quân số Mỹ ở Đức, Afghanistan và một số nơi khác, khi yêu cầu tổng thống phải báo cáo lên Quốc hội trước khi rút quân.

"Đạo luật không đưa vào các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng, bao gồm những điều khoản không tôn trọng các cựu binh và lịch sử của quân đội, đi ngược với những nỗ lực của chính quyền của tôi là đặt nước Mỹ lên trên hết trong các hành động chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia" - Tổng thống Trump nói.

Ông cũng chỉ trích đạo luật là "món quà" cho Trung Quốc và Nga, dù nhiều thành viên Đảng Cộng hòa khẳng định đạo luật gồm các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh. Đạo luật năm nay trị giá 740,5 tỉ USD, nhằm giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công.

Ngoài ra, nó cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế.

Nghị sĩ lưỡng đảng phản ứng

Nhiều nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa lập tức tuyên bố sẽ không để đạo luật tắc nghẽn. Sau khi bị phủ quyết, dự luật sẽ được chuyển trở lại Hạ viện cũng như Thượng viện để bỏ phiếu lại.

Nếu nhận đủ 2/3 số phiếu tán thành từ Quốc hội, đạo luật có thể vượt phủ quyết để thành luật. Tuy nhiên, họ chỉ có thời gian đến ngày 3-1-2021 để hành động trước khi Quốc hội khóa mới vận hành.

Việc vượt quyền phủ quyết cũng rất hiếm xảy ra, chỉ chiếm khoảng 10% những đạo luật bị tổng thống phủ quyết và chưa từng xảy ra trong nhiệm kỳ 4 năm qua của ông Trump.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kêu gọi các thành viên hành động trong cuộc bỏ phiếu dự kiến ngày 28-12. Nếu Hạ viện thành công, Thượng viện Mỹ dự kiến họp trở lại ngày 29-12. Tuy nhiên, đây sẽ là một thử thách cho Đảng Cộng hòa.

"NDAA trở thành luật trong suốt 59 năm liên tiếp vì nó vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia và binh lính Mỹ. Năm nay sẽ không ngoại lệ" - thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Inhofe kêu gọi.

Trong khi đó, một số nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ NDAA, bao gồm lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy, cho biết sẽ không ủng hộ vượt quyền phủ quyết của ông Trump. Ông Trump trước đó đã phủ quyết tổng cộng 8 đạo luật trình lên và trong tất cả trường hợp, Đảng Cộng hòa đều nhượng bộ.

"Đây có lẽ chỉ là ý tưởng của ông Trump nhằm thử thách lòng trung thành, dù thời điểm có vẻ lạ lùng. Sự kìm kẹp của Trump đối với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội vẫn chặt chẽ đến mức nào khi nhiệm kỳ của ông kết thúc? Chúng ta sẽ thấy ngay khi Hạ viện vượt phủ quyết đạo luật NDAA" - biên tập viên John Healey của tờ Los Angeles Times bình luận.

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa

Trước đó, ông Trump cũng đã "bỏ bom" Quốc hội khi dọa phủ quyết gói chi tiêu 2.300 tỉ USD, bao gồm chi tiêu chính phủ và gói cứu trợ COVID-19 trị giá gần 900 tỉ USD. Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa vào đầu tuần tới nếu ông Trump không thông qua dự luật.

Trong trường hợp ông Trump phủ quyết, Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu lại để vượt quyền phủ quyết. Nếu ông Trump không có động thái gì, gói chi tiêu sẽ tự động trở thành luật, trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp.

Trong trường hợp đó, ông Trump có thêm lựa chọn "phủ quyết bỏ túi" bằng cách chờ đến khi phiên Quốc hội mới bắt đầu từ 3-1-2021.

Theo Hãng tin Reuters, nếu Chính phủ Mỹ không còn tiền, ngoài việc nhiều cơ quan phải đóng cửa ngay tuần sau, chương trình hỗ trợ COVID-19 cho hàng triệu người hiện tại cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không thể trang trải chi phí triển khai chương trình tiêm vắcxin COVID-19 ước đang thiếu hụt 8 tỉ USD.

Di sản của Tổng thống Donald Trump qua các con số Di sản của Tổng thống Donald Trump qua các con số

TTO - Sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học, báo chí tranh cãi và nhận định về nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. 4 năm không phải là thời gian dài nhưng 4 năm dưới thời ông Trump, nước Mỹ đã bước qua một trang khác hoàn toàn.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên