28/11/2018 20:40 GMT+7

Ông Trần Phương Bình chuyển tiền vì tin Vũ 'nhôm' uy tín

HOÀNG ĐIỆP- TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP- TUYẾT MAI

TTO - Khai với HĐXX, ông Trần Phương Bình nói rất tin tưởng Vũ "nhôm" vì Vũ "nhôm" là người rất nổi tiếng và có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Ông Trần Phương Bình chuyển tiền vì tin Vũ nhôm uy tín - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Phương Bình - Ảnh Hoàng Đông

Cuối ngày xét xử thứ 2 vụ án ông Trần Phương Bình và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á (DAB) hơn 3.600 tỉ đồng, HĐXX đã hỏi ông Bình về quan hệ với Vũ "nhôm" và lý do ông Bình chuyển tiền cho Vũ "nhôm" mà không cần điều kiện gì.

"Vũ nhôm rất có uy tín trong lĩnh vực bất động sản"

Ông Trần Phương Bình cho rằng Vũ "nhôm" có ý định đầu tư vào DAB khi quyết định vay của DAB số tiền 600 tỉ đồng, Vũ "nhôm" không có tiền mặt nhưng tiềm lực đủ vay 400 tỉ đồng, còn thiếu 200 tỉ đồng thì bị cáo chỉ đạo cấp dưới lập khống cho Vũ "nhôm".

Về việc chuyển 200 tỉ đồng cho Vũ "nhôm" mua cổ phần của DAB, bị cáo Bình cho rằng mình che giấu không cho Vũ "nhôm" biết nguồn gốc số tiền này, mục đích là muốn tạo niềm tin của Vũ "nhôm" vào tiềm lực của bị cáo cũng như DAB. Qua đó biến Vũ "nhôm" thành cổ đông lớn của ngân hàng. 

Sau khi DAB tăng vốn điều lệ, ông Bình đã chỉ đạo nhân viên trả lại cho Vũ "nhôm" số tiền 600 tỉ đồng cùng tiền lãi phát sinh. Ông nói theo nguyên tắc kế toán, nên phải chuyển trả 600 tỉ đồng mặc dù Vũ "nhôm" chỉ nộp vào 400 tỉ đồng.

Ông Trần Phương Bình chuyển tiền vì tin Vũ nhôm uy tín - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến - Ảnh Hoàng Đông

Về việc mua giùm Vũ "nhôm" số tiền 13,4 triệu USD, ông Trần Phương Bình cho rằng với mong muốn đưa Vũ "nhôm" thành cổ đông lớn nên đã mua giúp Vũ "nhôm", không có động cơ mục đích tư lợi.

HĐXX hỏi ông Bình là Vũ đặt vấn đề như thế nào để bị cáo chuyển tiền đôla cho Vũ, ông Bình khai rằng mong muốn Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và Vũ trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng, vì lúc đó tình trạng ngân hàng đang có nợ xấu.

Ông Bình cũng lý giải về việc Vũ không đưa đồng nào mà ông Bình vẫn bỏ ra gần 300 tỉ để mua USD chuyển cho Vũ thì ông Bình nói ông tin Vũ có khả năng tài chính. 

Niềm tin này có được là nhờ vào việc ông Bình tiếp xúc với Vũ và tâm trạng của ông Bình là không còn khả năng khắc phục những hậu quả đã gây ra cho ngân hàng. 

Ông Bình tin Vũ có khả năng kinh doanh vì Vũ nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bị cáo Xuyến khai không chỉ đạo chi lãi ngoài

HĐXX cũng xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến - nguyên phó tổng giám đốc của DAB, người bị cáo buộc đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan trong việc chi lãi ngoài. 

Cụ thể, cáo trạng nêu bà Nguyễn Thị Kim Xuyến trực tiếp chỉ đạo và giao cho Nguyễn Thị Ái Lan thông báo cho các đơn vị kinh doanh số điện thoại để nhắn tin thỏa thuận việc chi lãi suất ngoài.

Tại phiên tòa, bà Xuyến cho biết bà không chỉ đạo bị cáo Ái Lan trong việc chi lãi ngoài, mà bà Xuyến chỉ đạo trực tiếp nhân viên phòng nguồn vốn, không thông qua giám đốc phòng nguồn vốn là Ái Lan.

Trong khi đó, ông Bình khai chỉ đạo chung trong toàn hệ thống về việc chi lãi ngoài, người trực tiếp thực hiện là Nguyễn Thị Kim Xuyến.

Trong quá trình điều tra và truy tố, bị cáo Ái Lan không thừa nhận chỉ đạo việc chi lãi ngoài. Trong ngày xét hỏi đầu tiên, bị cáo Ái Lan bị cách ly khỏi các bị cáo khác.

Cáo trạng thể hiện DAB xuất hiện hiện tượng khách hàng rút vốn, phòng nguồn vốn DAB tìm hiểu lý do, được biết khách hàng rút tiền gửi tại DAB để gửi tổ chức tín dụng khác với mức lãi suất cao hơn. 

Do vậy, cả ông Trần Phương Bình, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan (giám đốc phòng nguốn vốn) đã thống nhất phương án DAB phải chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn.

Bà Xuyến trực tiếp chỉ đạo và giao cho Lan thông báo cho các đơn vị kinh doanh số điện thoại để nhắn tin thỏa thuận việc chi lãi suất ngoài. 

Khi có khách hàng gửi tiền tiết kiệm có đề nghị trả mức lãi suất cao hơn mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo đơn vị kinh doanh của DAB thì nhắn tin theo mẫu cú pháp gửi đến số điện thoại đã được thông báo.

Nếu hội sở đồng ý mức lãi suất theo yêu cầu của khách hàng thì nhắn tin trả lời "đồng ý" cho đơn vị kinh doanh, nếu không đồng ý thì nhắn tin là "không đồng ý" hoặc "cao quá" và yêu cầu hạ mức lãi suất cho tới khi đạt được thỏa thuận, nếu không đạt được thỏa thuận thì khách hàng sẽ rút tiền gửi nơi khác.

Từ tháng 3-2011 đến tháng 3-2012, bà Xuyến trực tiếp quản lý số điện thoại và trả lời tin nhắn đồng ý chi lãi suất ngoài do đơn vị kinh doanh chuyển đến. Từ tháng 3-2012 đến tháng 6-2014, Xuyến giao điện thoại cho Trần Quang Nghĩa (nhân viên phòng nguồn vốn, sau đó là phó giám đốc phòng nguồn vốn) trả lời tin nhắn. 

Mức lãi suất ngoài do Xuyến và Lan chỉ đạo, dao động từ 1,2%/năm đến 2,8%/năm. Tỉ lệ chi lãi suất ngoài tăng cao vào các năm 2011, 2012 và giảm dần vào các năm 2013, 2014, đến năm 2015 là thấp nhất (chỉ từ 0,3 đến 1%/năm). Đến ngày 8-4-2015 thì DAB không thực hiện chi lãi suất ngoài nữa.

Tiền chi lãi ngoài được chuyển tiền vào tài khoản thẻ, chuyển tiền nhanh cho cá nhân do đơn vị kinh doanh chỉ định hoặc phát tiền mặt cho các đơn vị kinh doanh tại hội sở. 

Từ tháng 3-2011 đến ngày 7-4-2015, DAB chuyển tiền chi lãi ngoài 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng (tương đương 30 tỉ đồng), tổng cộng 467,8 tỉ đồng cho 219 đơn vị kinh doanh.

Ông Trần Phương Bình thừa nhận hai tội danh Ông Trần Phương Bình thừa nhận hai tội danh

TTO - Chiều 28-11, HĐXX TAND TP.HCM bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

HOÀNG ĐIỆP- TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên