19/07/2012 09:48 GMT+7

Ở nơi giấc ngủ không đầy

SƠN BÌNH - VIỄN SỰ
SƠN BÌNH - VIỄN SỰ

TT - Trụ sở của đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (đội 3) Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM có một phòng rộng kê gần 30 chiếc giường tầng để các chiến sĩ ngủ sau những ca trực, những giờ đánh án căng thẳng.

eheb6uVy.jpgPhóng to
Thiếu úy Phạm Huỳnh Ngọc Việt, đội 3 PC45, nghe bác sĩ tư vấn về chống phơi nhiễm HIV tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sáng 18-7 - Ảnh: VIỄN SỰ

Nhưng ở nơi ấy ít khi có những giấc ngủ ngon. Sáng 18-7, khi chúng tôi đến đội 3, trong căn phòng nghỉ chỉ có vài chiến sĩ đang ngả lưng sau một đêm dài tuần tra, theo dõi các chuyên án. Giữa căn phòng trống, khuôn mặt thiếu úy Phạm Huỳnh Ngọc Việt khá mệt vì vừa mới uống thuốc, tay phải rớm máu sau cuộc vật lộn với một tên giật dây chuyền trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) vào chiều hôm trước. Còn tay trái là bệnh án của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới về chích ngừa phơi nhiễm HIV. Bởi đối tượng bị thiếu úy Việt tóm gọn đã bị nhiễm HIV và khi khống chế, máu của tên cướp đã dính vào bàn tay bị trầy xước của anh.

“Chuyện thường” khi đánh án

Bắt cướp đã căng thẳng nhưng buổi sáng được nghỉ bù của thiếu úy Việt trôi qua dường như còn căng thẳng hơn. Thỉnh thoảng thiếu úy Việt thấp thỏm nhìn đồng hồ chờ đến giờ lấy kết quả xét nghiệm. Giữa buổi sáng, chúng tôi theo thiếu úy Việt vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tiếp tục lấy thuốc và nhận mẫu xét nghiệm. Bác sĩ trấn an kết quả xét nghiệm ban đầu không có gì bất thường, nhưng sáu tháng tới anh Việt sẽ phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, đề phòng nguy cơ phơi nhiễm. Việt nhận thuốc, nhận lời trấn an của bác sĩ xong như trút được nhiều phần lo lắng rồi cười xòa: “Chuyện thường mà, đâu phải mình tôi, 5-6 anh trong đội từng uống thuốc này rồi...”.

Câu chuyện và bức ảnh chụp lúc thiếu úy Việt đến bệnh viện ngừa phơi nhiễm HIV với người viết bài có thể là một sự hi hữu trong một lần tác nghiệp. Nhưng ở đội 3 PC45 thì trong mỗi chuyên án, mỗi cuộc tuần tra, truy đuổi, những hiểm nguy ấy đã dần quen thuộc. Người dân TP.HCM đợt cuối năm 2011 rất bức xúc với nạn đua xe. “Ai cũng thấy, cũng bức xúc, bắt không phải chuyện quá khó. Nhưng bắt để xử lý được tới nơi tới chốn mới là chuyện” - đại úy Trần Thanh Bình, đội phó đội 3, chia sẻ.

Phá nhiều chuyên án

Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm của PC45 Công an TP.HCM được thành lập ngày 2-4-2008, tiền thân là đội săn bắt cướp. Đội hình sự đặc nhiệm có 38 chiến sĩ, luân phiên hoạt động không ngưng nghỉ, phạm vi hoạt động không giới hạn đối với các loại tội phạm và còn tham gia thực hiện những chuyên án có tính chất phức tạp. Trong suốt thời gian hoạt động, đội đặc nhiệm luôn được tin cậy từ lãnh đạo Công an TP trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và phá nhiều chuyên án. Gần nhất là chuyên án về các vụ cướp giật trên nhiều quận tháng 5-2012 và phá án tổ chức đua xe trái phép tháng 3-2012...

Khác với chuyện quái xế nẹt pô, đánh võng mà ai cũng biết. Cái khó mà đại úy Bình nói chính là quy định của luật pháp muốn xử được tội đua xe có tổ chức thì phải tìm được chứng cứ phạm tội liên đới như xác định đối tượng tham gia đua xe. Đường đua phải có vạch xuất phát, có đích đến, phải thực hiện xong hành vi đua xe, có trọng tài phân xử, chung chi tiền cá độ nên gần như toàn bộ anh em trong đội được huy động theo sát các đối tượng nghi vấn, thu thập từ những thông tin dù là nhỏ nhặt... Bởi thế để phá án, anh em bố trí thành nhiều tổ túc trực ở những nơi “nóng”, thức trắng đêm ròng rã đeo bám các đối tượng. Có lúc nghe ngóng bố trí anh em bắt nhóm tổ chức đua xe thì bị “bể”, đành phải theo sát thu thập thông tin làm lại từ đầu, các trinh sát phải nhập vai xe ôm, người quét rác... để tiếp cận. Mãi đến cuối tháng 3-2012, nhóm tổ chức đua xe trái phép với hình thức cá độ ăn tiền đã bị bắt quả tang giao Công an huyện Hóc Môn xử lý.

Phá được án, cả đội ai cũng vui, thở phào, nhưng trong niềm vui ấy cũng không ít lần anh em phải gánh thương tích. Nhẹ và thường nhất là bầm, trầy chân tay sau những cú nhấn ga, quặt lái truy đuổi. Mấy chuyện đó theo đại úy Bình là thường quá nên chẳng anh em nào báo cáo. Nặng hơn như đại úy Trịnh Hữu Phương trong một lần tham gia bắt nhóm cướp giật bị gãy chân, đứt gân, phải cắt gân chân này để nối cho chân kia. Hay như thiếu tá Dương Phước Bảo Hoàng, giờ đã chuyển đơn vị, từng phải cắt luôn cả lá lách vì bị một đồng bọn của tên cướp đang truy đuổi đâm dao vào bụng...

Phía sau mỗi lần đánh án

Những lần đến đội 3 lấy thông tin để viết bài, chúng tôi được 2-3 chiến sĩ thay nhau tiếp chuyện. Đều có lý do chung là khi đang dở câu chuyện thì có manh mối của chuyên án, có đối tượng khả nghi cần theo dõi, vậy là mũ bảo hiểm trùm mũ lưỡi trai, bất chấp mưa nắng, phóng xe rời đơn vị. Anh em trong đội thường đùa nhau nếu chiến sĩ có vợ con đến đội kiểm tra có thiệt đi làm hay trốn nhà đi chơi chắc sẽ khó thanh minh. Bởi công việc của cả đội là thay phiên nhau xách xe đi đánh án, tuần tra, suốt ngày ở ngoài đường, la cà đủ chốn mà tội phạm hay mò tới.

Đại úy Bình chia sẻ, theo lịch thì cứ ba ngày sẽ đến ca trực đêm của mỗi người. Nhưng thực tế, anh và các anh em khác đã có gia đình lắm khi cả tuần chưa về nhà, mà cũng chưa chắc đã ngủ ở cơ quan vì phải theo án, tuần tra. Có năm đã 28 tết, anh em cả đội ai cũng đã nhận lương nhưng vì có án chẳng ai kịp đem tiền về nhà để sắm tết. “Bởi vậy mới nói vợ có đến tìm, chắc phải thương chồng lắm mới tin được” - đại úy Bình nói.

Được giao phó trọng trách đặc biệt, đánh án với tất cả các loại tội phạm, những chuyên án ngắn nhất cũng kéo dài tới nửa năm. Câu chuyện về các vụ việc chống tội phạm ở đội 3 vì thế có thể kể rất dài theo những chồng hồ sơ đánh án ngày mỗi đầy. Nhưng có những câu chuyện, kể cả sau khi những chuyên án kết thúc vẫn còn tiếp tục. Có người sẽ nghĩ ngay đến những thương tích trên thân thể, những kinh nghiệm chưa xương máu khi đánh án nhưng chỉ đúng một phần. Nhưng đại úy Bình lắc đầu, anh chia sẻ: “Anh em lúc nào cũng hăng hái khi nhận nhiệm vụ vì khi đánh án đều được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện tốt. Nhưng nỗi lo lắng của người thân thì nhiều khi cũng làm mình bận tâm”.

Nhưng tất cả những nỗi lo lắng ấy cuối cùng cũng gác lại phía sau những đợt tuần tra đánh án. Giống như thiếu úy Việt từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trở về, trên tay còn cầm bọc thuốc đủ cho sáu tháng ngừa phơi nhiễm HIV nhưng đã cười hăng hái: “Bác sĩ nói vậy, mình yên tâm nhiều rồi, chiều nay là vô ca tuần tra tiếp thôi!”.

SƠN BÌNH - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên