31/03/2024 08:20 GMT+7

Nuôi chó, mèo ở chung cư: Tìm giải pháp vẹn cả đôi bên

Nuôi chó, mèo ở chung cư là chuyện gây nhiều tranh cãi giữa lâu nay do chưa có quy định con vật nào cấm nuôi, chưa rõ trách nhiệm chủ nuôi.

Thú cưng đi thang máy tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Thú cưng đi thang máy tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Vậy giải pháp nào để người nuôi được thỏa mãn sở thích và ít phiền hàng xóm?

Luật pháp phải đi trước và nghiêm minh

Thích hay không thích nuôi chó, mèo là quyền mỗi người. Quản lý vật nuôi là thú cưng dễ hay khó tùy người quản lý. Khó vì sợ trách nhiệm, đùn đẩy, đổ tại luật chưa quy định cụ thể, sợ mất lòng người nuôi thú cưng. Dễ nếu thật lòng vì cộng đồng và biết dựa vào cộng đồng.

Nuôi thú cưng là quyền của mỗi người với điều kiện không làm tổn hại (vật chất lẫn tinh thần), không gây phiền phức cho người khác. Nếu có ít nhất hai gia đình hàng xóm khiếu nại nên giải quyết ngay. Nếu không hòa giải được thì chính quyền phân xử. Quy định nào chưa phù hợp thì bổ sung.

Ngoài quy định pháp luật, mỗi cộng đồng đều có những quy tắc riêng. Tôi ở chung cao cấp, quy định cấm nuôi chó, mèo. Thang máy có bảng hiệu "NO PET" nhưng cư dân vẫn dắt chó, ẵm mèo đi chung thang máy, lắm lúc không rọ mõm. Ban quản lý biết nhưng không làm gì.

Nếu có chung cư riêng hoặc dành vài block trong chung cư cho những người thích nuôi thú cưng, việc quản lý sẽ đơn giản hơn. Nhưng chưa thấy nơi nào làm điều này. Như hiện nay, nhiều nơi cấm như không cấm, đó chưa phải là cách tốt.

Người nuôi thú cưng gặp những ánh mắt khó chịu và phản ứng của người khác cũng đâu sung sướng gì! Ban quản lý chung cư ngại mất lòng cư dân có nuôi thú cưng nhưng lại làm mất lòng số đông những cư dân không thích sống với thú nuôi.

Chưa kể, việc lập lờ "cấm mà không cấm" tạo tiền lệ xấu và nguy hại, khi các quy định bị coi thường, dẫn tới lờn luật. Quy định của chung cư bị ban quản trị "xé toạc", làm sao đòi hỏi cư dân thực hiện?

Nên tham khảo Singapore cách quản lý, không riêng gì thú cưng. Luật Singapore quy định 62 giống chó được nuôi, phạt 1.000 đô la Singapore (hơn 18 triệu đồng) nếu thú cưng phóng uế bậy hoặc lao vào người khác, vào xe cộ trên đường.

Mức phạt gấp 4 lần mức phạt trên nếu nuôi mèo trong căn hộ hoặc nuôi nhiều hơn một con chó. Nếu không xích hoặc rọ mõm chó nơi công cộng..., mức phạt là 5.000 đô la Singapore (hơn 91 triệu đồng).

Luật pháp phải đi trước và nghiêm minh, sẽ hình thành dần ý thức tự giác.

Nguyễn Văn Mỹ

LS Huỳnh Văn Nông - Ảnh: NVCC

LS Huỳnh Văn Nông - Ảnh: NVCC

Cần hướng dẫn rõ ràng, tránh tranh cãi

Theo khoản 3, điều 35 nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư: cấm "Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư". Nhưng những con vật nào không được nuôi ở chung cư thì Luật Nhà ở hiện nay và các văn bản hướng dẫn chưa định nghĩa.

Điều 2 của Luật Chăn nuôi quy định: "Gia súc là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi". Như vậy, chó và mèo là gia súc và bị cấm nuôi trong nhà chung cư theo nghị định trên?

Thực tế trong sinh hoạt hằng ngày giữa các cư dân với nhau cũng có những mâu thuẫn trong việc nuôi chó, mèo... Đôi khi xảy ra xô xát. Nhiều cư dân nuôi chó, mèo loại giống nhỏ như một thú cưng và khi mang ra bên ngoài được nhốt trong túi xách chuyên dụng nhìn cũng rất dễ thương, ở chừng mực nào đó có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên đối với những chó, mèo loại lớn có thể gây nguy hiểm cho cư dân khác khi đi chung thang máy thì phải kiên quyết xử lý.

Thực tế, việc xử lý cư dân vi phạm nội quy nhà chung cư rất khó khăn, người vi phạm phản ứng rất quyết liệt với ban quản trị. Và cho dù cư dân vi phạm điều cấm của nghị định trên nhưng nếu không có quy định đây là hành vi vi phạm hành chính thì không có cơ sở để cơ quan nhà nước tiến hành xử lý vi phạm hành chính.

Do vậy, cần có quy định và hướng dẫn thực hiện rõ ràng về việc này để những người nuôi chim thú ý thức hơn quyền và trách nhiệm của mình trong tòa nhà chung cư.

Luật sư Huỳnh Văn Nông (thành viên ban quản trị một chung cư tại TP.HCM)

Nuôi thú cưng ở một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nuôi thú cưng ở một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngưng nuôi vì thấy phiền hàng xóm

Khi các con đã lớn và vắng nhà thường xuyên, sợ mẹ buồn nên con tặng mẹ một con chó con mới 1 tháng tuổi. Tôi đã nuôi nó ở căn hộ chung cư cho đến khi sinh thêm một chó con.

Bà Bùi Hương - Ảnh: NVCC

Bà Bùi Hương - Ảnh: NVCC

Nuôi chó ở chung cư sẽ gặp nhiều khó khăn hơn ở nhà riêng vì chung cư là nơi có quy định riêng cho cư dân về việc nuôi thú cưng. Nhiều cư dân không thích "gặp" chó ở chung cư.

Tiếng sủa của chó không phân biệt ngày đêm sẽ phiền hàng xóm khi họ cần sự yên tĩnh. Việc vệ sinh cho chó mèo phức tạp và dễ gây mất vệ sinh chung cũng như phạm vi căn hộ nhỏ hẹp...

Nhà tôi cũng có bị hàng xóm phản ánh vì nhiều khi nghe tiếng động hay thấy vật gì lạ chó lại sủa ầm lên. Tự thấy việc mình thích nuôi chó gây phiền tới người xung quanh, tôi quyết định không nuôi nữa. Đó là cách tốt nhất.

Bùi Hương

Không cấm vật nuôi cảnh

Khoản 8 điều 3 Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) quy định một trong các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, đó là "cấm chăn thả gia súc, gia cầm, giết mổ gia súc trong khu vực nhà chung cư".

Giải thích về quy định này, bà Lý Thị Thanh Hoa, phó phòng quản lý nhà ở và công sở (Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng), cho biết hành vi bị cấm ở đây là chăn thả gia súc, gia cầm để phục vụ mục đích kinh doanh, ví dụ như cấm nuôi gà, nuôi vịt, nuôi lợn trong khu chung cư..., nhằm mục đích bảo đảm vệ sinh môi trường của các tòa chung cư.

Nhà ở chung cư có đặc thù về không gian không giống như nhà mặt đất nên phải có quy định cấm chăn thả gia súc, gia cầm, cấm giết mổ gia súc để bảo đảm trật tự, vệ sinh môi trường của các tòa nhà chung cư.

Như vậy, việc nuôi chó cảnh, mèo cảnh trong chung cư không phải hành vi bị cấm theo Luật Nhà ở. Sắp tới việc ban hành nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở sẽ hướng dẫn chi tiết điều này. Cư dân vẫn được nuôi các vật nuôi cảnh, các loại thú cưng trong nhà chung cư, ví dụ như: chó cảnh, mèo cảnh, chim cảnh.

Mỗi tòa nhà chung cư đều có ban quản trị, có ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do ban quản trị tự ban hành.

Theo đó, các ban quản trị nhà chung cư đại diện cho quyền lợi của cư dân có thể yêu cầu chủ các con vật cảnh phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn khi nuôi, phải giữ gìn vệ sinh môi trường chung của cả khu chung cư, không được thả sinh vật cảnh trong không gian chung.

Với các vật nuôi cảnh có nguy cơ gây hại cho người xung quanh (như chó dữ) thì ngoài pháp luật về nhà ở, người nuôi phải tuân thủ pháp luật về chăn nuôi, phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh.

Nước ngoài quy định nuôi chó, mèo ở chung cư ra sao?

Theo báo The Portugal News, Bồ Đào Nha đã đưa ra những quy định cụ thể liên quan tới thú cưng mà chủ nuôi cần tuân thủ.

Theo đó, mỗi căn hộ có thể nuôi 3 con chó hoặc 4 con mèo (tổng số vật nuôi không quá 4 con). Số thú cưng có thể tối đa là 6 con nếu được chính quyền thành phố cho phép và sau khi có ý kiến của bác sĩ thú y. Nếu thú cưng liên tục gây ồn ào và làm phiền hàng xóm, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm và có thể bị phạt.

Các chung cư cũng có thể đưa ra nội quy riêng. Chẳng hạn hiệp hội cư dân có thể nhất trí cấm sự hiện diện của thú cưng trong các khu vực chung của tòa nhà. Một số giống phải có chủ nuôi đi cùng, có dây xích và rọ mõm khi ra khỏi căn hộ.

Theo trang Firststep-jp.com, tại Nhật Bản, các quy định liên quan đến thú cưng trong căn hộ cho thuê có thể khác nhau tùy thuộc vào bên cho thuê. Nhiều hợp đồng cho thuê ở Nhật Bản nêu rõ việc có cho phép nuôi thú cưng hay không.

Một số chủ nhà có thể yêu cầu phí bổ sung hằng tháng để xử lý các thiệt hại có thể phát sinh hoặc quy định kích cỡ, giống thú cưng được phép nuôi. Ngoài ra còn có các quy định về việc dắt thú cưng đi dạo bằng dây xích và trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh.

Nên ủng hộ quy định nuôi chó mèo phải đăng ký, gắn chip?Nên ủng hộ quy định nuôi chó mèo phải đăng ký, gắn chip?

Tại sao cần đăng ký, gắn chip khi nuôi chó mèo? Đăng ký, gắn chip nhằm quản lý phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên