Nước Úc và thách thức sống còn

HỮU NGHỊ 05/12/2020 00:12 GMT+7

TTCT - Úc vừa đưa Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi Bắc Kinh áp hàng loạt sắc thuế xuất khẩu với nước này. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong những tháng gần đây sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của đại dịch khiến Trung Quốc tức giận và áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại với hàng nhập khẩu từ Úc. Ngoài ra, còn có cả việc Úc “dám” tỏ thái độ trên Biển Đông…

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Hôm chủ nhật vừa rồi 29-11, trong một phỏng vấn độc quyền dành cho tờ Financial Review của Úc, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết Chính phủ Úc kêu gọi WTO “đưa Trung Quốc vào lại hàng lối”. 

Ông Birmingham nhắc lại việc Chính phủ Úc đã cố gắng giải quyết tranh chấp thương mại thông qua các cơ quan hữu quan của Trung Quốc nhưng không thành công. Ông nhấn mạnh rằng Chính phủ Úc đang tập hợp sự ủng hộ quốc tế trong các tranh chấp thương mại này và chính thức nêu rõ sự phân biệt đối xử với các nhà xuất khẩu Úc lên WTO.

Tăng áp thuế hàng loạt

Nội vụ bắt đầu từ tháng 5 vừa rồi khi Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lúa mạch lớn nhất của Úc, áp thuế hơn 80% lên mặt hàng này, với cáo buộc lúa mạch Úc bán phá giá. Động thái này của Bắc Kinh đã tác động mạnh mẽ tới các nhà sản xuất Úc, khiến nền kinh tế Úc thiệt hại 500 triệu đôla Úc (369 triệu đôla Mỹ) mỗi năm.

Mới thứ sáu tuần rồi 27-11, Trung Quốc đã công bố thuế quan tăng tới 212,1% với rượu vang Úc, có hiệu lực ngay ngày hôm sau, khiến Bộ trưởng Birmingham phải than rằng với thuế suất này, rượu vang Úc không cách chi bán được ở Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, tôm hùm, thịt bò, than đá và gỗ của Úc cũng bị tăng thuế cao vòi vọi. Nội chuyện Trung Quốc dừng nhập khẩu than đá từ Úc đã khiến Úc kẹt một lượng than trị giá 516 triệu đôla Mỹ tại các cảng Trung Quốc.

Rồi hồi tháng 5, Trung Quốc cấm cửa bốn nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Úc với lý do có vấn đề về an toàn thực phẩm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với báo chí rằng cơ quan hải quan Trung Quốc “liên tục” phát hiện các trường hợp công ty Úc vi phạm yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch và đã buộc phải đình chỉ nhập khẩu để “đảm bảo an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc”.

Về đợt cấm cửa hàng Úc này, tờ The Diplomat 5-11 buông ra nhận xét: “Trong cùng một tuần lễ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết khuếch trương “nền kinh tế thế giới mở” trong một bài phát biểu tại hội chợ thương mại quốc tế, chính phủ của ông đã tuyên bố một loạt trừng phạt với hàng nhập khẩu từ Úc...

Trung Quốc đã ra lệnh cho các thương nhân ngừng mua ít nhất bảy loại hàng hóa của Úc: than đá, lúa mạch, quặng đồng, đường, gỗ, rượu vang và tôm hùm”.

Hội chợ thương mại quốc tế đó chính là hội chợ xuất nhập khẩu Thượng Hải lần thứ 3, hầu như là hội chợ thương mại quốc tế lớn duy nhất vẫn mở cửa trong năm nay - năm của đại dịch virus corona.

Trong khi cả châu Âu và Mỹ đang co rúm người vì đợt “tái đóng cửa” do dịch COVID-19, thì ở Thượng Hải, ông Tập ung dung chào “các vị nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ, các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế”... rồi long trọng vỗ về: “Hội chợ xuất nhập khẩu quốc tế của Trung Quốc năm nay được triệu tập vào một thời điểm đặc biệt. COVID-19, khiến tất cả chúng ta bất ngờ, đã giáng đòn mạnh vào các quốc gia và vào nền kinh tế thế giới”.

Nhưng Trung Quốc có vẻ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông Tập nói tiếp: “Trung Quốc đăng cai tổ chức sự kiện thương mại toàn cầu này. Điều này thể hiện mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc chia sẻ các cơ hội thị trường với thế giới và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Và huấn thị toàn cầu của ông: “Các nước lớn cần dẫn đầu, các nền kinh tế lớn cần hành động theo những nguyên tắc hợp lý, và các nước đang phát triển cần đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy mở cửa và chia sẻ trách nhiệm”.

Thiệt ra, căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, đã leo thang sau khi Canberra kêu gọi mở điều tra toàn cầu về nguồn gốc của virus corona, khiến Bắc Kinh tức giận, theo nhiều hãng tin, như Al Jazeera 27-11.

Trên thực tế, từ hạ tuần tháng 4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne tuyên bố cộng đồng quốc tế nên tìm xem nguồn gốc của đại dịch ở đâu: “Sẽ cần các bên, các quốc gia thảo luận với thiện chí minh bạch và tham gia vào quá trình đó và đảm bảo rằng chúng ta có một cơ chế rà soát mà cộng đồng quốc tế có thể tin cậy”.

Bà đặc biệt yêu cầu Trung Quốc cho phép sự minh bạch trong quy trình này, đồng thời cho biết Úc không tin rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên tiến hành cuộc điều tra, theo hãng tin Úc ABC 19-4-2020. Hai ngày sau, Thủ tướng Úc Scott Morrison gợi ý WHO nên đặt ra những quyền hạn như của các “thanh sát viên vũ khí” với việc điều tra nguồn gốc bệnh dịch.

Vấn đề an ninh

Tình hình bắt đầu xấu đi có lẽ từ tận hồi năm 2018, sau khi Úc không cho phép Huawei và ZTE, hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, tham gia mạng lưới 5G ở Úc.

Tháng 8-2018, Huawei Úc thông báo trên Twitter: “Chúng tôi đã được chính phủ thông báo rằng Huawei và ZTE bị cấm cung cấp công nghệ 5G cho nước Úc. Đây là một kết quả vô cùng thất vọng với người tiêu dùng. Huawei là công ty hàng đầu thế giới về 5G, vốn đã phân phối công nghệ không dây một cách an toàn và bảo mật tại Úc trong gần 15 năm”.

Lệnh cấm này được các bộ Nội vụ và Truyền thông Úc cùng công bố trong một tuyên bố sáng 23-8-2018.

Dù thông cáo không đề cập cụ thể đến các nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng nói rõ: “Chính phủ cho rằng sự tham gia của các nhà cung cấp có nguy cơ phải tuân theo chỉ đạo phi pháp từ chính phủ nước ngoài là xung đột với luật pháp Úc, có thể khiến nhà cung cấp không thể bảo vệ một cách đầy đủ mạng 5G khỏi bị truy cập hoặc can thiệp trái phép”.

Thông cáo nêu rõ: “Một lịch sử lâu dài các sự cố mạng cho thấy các tác nhân mạng nhắm vào nước Úc và người Úc. Chính phủ đã không tìm được sự kết hợp các biện pháp kiểm soát an ninh kỹ thuật đủ để giảm thiểu rủi ro”.

Đương nhiên, Trung Quốc bực mình vì quyết định này của Chính phủ Úc không chỉ khiến các nhà cung cấp thiết bị như Ericsson và Nokia vào vị trí thuận lợi để đạt được các hợp đồng 5G béo bở, mà còn cho thấy những nghi kỵ của Chính phủ Úc, dù không nêu đích danh, và mở màn cho những sự cấm cửa Huawei và ZTE sau này trên thế giới. Hai tháng trước đó, Úc cũng đã gạt Huawei khỏi một dự án cáp đáy biển Thái Bình Dương.

Có thể thấy sự khác biệt giữa hai thái độ cấm cửa. Từ phía Chính phủ Úc, cấm cửa là vì những lo ngại an ninh mà theo Huawei là do thiếu thông tin, song theo phía Úc là “có cơ sở”.

Nếu nhớ rằng nước Úc tuy nhỏ về dân số song lại là một cường quốc IT nói riêng, và khoa học kỹ thuật tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như một cường quốc đại học nói chung, thì phản ứng của Chính phủ Úc không hề khó hiểu. Còn từ phía Trung Quốc, hầu hết các biện pháp cấm đoán là sự trả đũa, dù báo chí trong nước có thể nói khác.

Chẳng hạn, tờ Global Times 1-12 có bài biện giải: “Trung Quốc chưa bao giờ gắn thương mại song phương với chính trị giữa hai nước. Trung Quốc đã áp thuế với lúa mạch của Úc vì lý do bán phá giá và được trợ cấp chính phủ, cũng như áp thuế với rượu Úc vì lý do tương tự.

Hơn nữa, các loài gây hại đã được tìm thấy trong gỗ của Úc đe dọa sinh thái Trung Quốc, còn tôm hùm Úc được phát hiện có hàm lượng cadmium (kim loại có độc tính) cao. Trung Quốc không ngụy tạo bằng chứng. Về mặt thương mại, Trung Quốc sẽ không lo sợ nếu Úc đưa vụ việc ra WTO”.

Global Times cũng không quên vụ Úc cấm cửa Huawei: “Úc là nước đầu tiên trong số các nước phương Tây đưa ra cái gọi là luật chống can thiệp của nước ngoài nhắm vào Trung Quốc. Đây cũng là nước đầu tiên loại người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei khỏi sự phát triển 5G của mình”.

Không dừng ở vụ Huawei, tờ báo cũng lớn tiếng hạch tội Úc ở quy mô toàn cảnh: “Úc luôn đi đầu bất cứ khi nào một nước phương Tây phát động cuộc thập tự chinh chống Trung Quốc!”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, câu hỏi lớn còn là cơn cớ của “cuộc thập tự chinh” đấy, nếu quả có một điều gì như thế. Cái này thì chỉ Bắc Kinh mới có thể trả lời! ■

Bới lại quá khứ

Chuyến thăm Nhật Bản hôm 16-11 vừa qua của Thủ tướng Úc Scott Morrison kết thúc với việc hai bên ký kết “Thỏa thuận ghé thăm qua lại” (RAA) cho phép binh sĩ hai nước qua lại huấn luyện với nhau. Đây không phải là một thỏa thuận đột xuất, chỉ đạt được sau 6 năm dài đàm phán.

Tuy nhiên, theo Global Times thì: “Nhật Bản và Úc cách xa nhau về mặt địa lý. Thỏa thuận này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc và lặp lại chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Thỏa thuận càng làm tăng thêm bầu không khí đối đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng tiêu cực đến hiểu biết của mỗi nước về tình hình khu vực”.

Tờ báo còn nêu dẫn chứng lịch sử: “Kể từ thời hiện đại, chính Nhật Bản đã xâm lược Trung Quốc và Đông Nam Á, chứ không phải ngược lại. Trung Quốc cũng đã không mở rộng quân sự sang Úc”. Không sai, đó quả là những gì diễn ra 80 năm trước, nhưng còn những gì gần đây hơn thì sao, Trung Quốc đã mấy lần động binh đao, và còn bao nhiêu lần dọa dẫm nữa?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận