18/05/2019 18:49 GMT+7

Nước cờ Huawei của ông Trump: 'lưỡng bại câu thương' hay 'nhất tiễn song điêu'?

NHẬT ĐĂNG - NGUYÊN HẠNH
NHẬT ĐĂNG - NGUYÊN HẠNH

TTO - Việc đặt nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc Huawei vào tầm ngắm có thể là đòn 'lưỡng bại câu thương' (hai bên cùng thiệt hại) nhưng cũng có thể "nhất tiễn song điêu" (một tên bắn hai chim).

Nước cờ Huawei của ông Trump: lưỡng bại câu thương hay nhất tiễn song điêu? - Ảnh 1.

Nước cờ Huawei của ông Trump đang ở hồi hấp dẫn và thể hiện cục diện quan hệ quốc tế hiện tại - Ảnh minh họa: Reuters

Ngày 15-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Sắc lệnh này cấm doanh nghiệp Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của những công ty nằm trong diện tình nghi đe dọa an ninh quốc gia.

Sau đó một ngày, Bộ Thương mại Mỹ chính thức bổ sung Huawei cùng 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia vào danh sách đen thương mại "Entity List" của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc cấm Huawei mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Câu chuyện về ý định của chính quyền Mỹ trong việc "giết chết tham vọng 5G" của Trung Quốc được nói tới từ lâu. Nhưng khi một lệnh hạn chế thẳng thừng như trên được đưa ra, bức tranh này mới trở nên rõ ràng hơn.

Phía Huawei phản ứng với thông tin từ Nhà Trắng bằng cảnh báo rằng nó sẽ gây hại cho doanh nghiệp Mỹ, ảnh hưởng tới công việc của hàng vạn người Mỹ cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tế Huawei hiện được công nhận là nhà sản xuất điện thoại thông minh và nhà cung cấp hạ tầng 5G hàng đầu thế giới, xét cả mức giá lẫn tiến bộ kỹ thuật. Nhưng dù tiến bộ ở nhiều lĩnh vực, Huawei vẫn phải sử dụng linh kiện từ các nhà sản xuất Mỹ, đặc biệt là chip xử lý.

Một cách dễ hình dung, việc hạn chế các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc kinh doanh của Qualcomm, Nvidia, Broadcom hay Intel - các công ty Mỹ.

Nhưng theo chiều ngược lại, các tiến bộ của Huawei sắp tới cũng gặp vật cản lớn vì bản thân công ty này không thể một lúc khỏa lấp tất cả thiếu sót nếu ngưng hẳn việc kinh doanh với các đối tác Mỹ nêu trên.

Hoàn cảnh này được Huawei chuẩn bị từ lâu. Năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Công ty ZTE - nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc, cũng từng lâm vào cảnh Huawei đang đối diện và gần như sụp đổ. Nhưng New York Times cho biết Mỹ đã nương tay với ZTE nhằm phục vụ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Và đây là cú bứt dây động rừng. Guo Ping, một phó chủ tịch Huawei, hồi tháng 3 năm nay tiết lộ rằng công ty đã chuẩn bị tâm thế cho một lệnh cấm tương tự ZTE bằng việc đa dạng hóa nguồn cung linh kiện. Công ty Trung Quốc thậm chí đầu tư vào HiSilicon để bắt đầu chế tạo chip xử lý riêng.

Nói cách khác, động thái cấm cửa của Mỹ có thể kích thích Huawei và các công ty Trung Quốc phát triển tự thân trong tương lai. Tuy nhiên về ngắn hạn, đây dường như là thời điểm còn kịp để chính quyền ông Trump còn giữ quyền kiểm soát.

Chưa kể, dường như là một tin vui cho Mỹ khi một nhà nghiên cứu nói với New York Times rằng HiSilicon chỉ là sản phẩm dạng "thú cưng" của Huawei, tức hiệu quả hoạt động không cao như tham vọng của chính nó.

"Chung kết" ở châu Âu?

Ngay sau khi thông tin tiêu cực cho Huawei được đưa ra, cổ phiếu các nhà cung cấp linh kiện cho công ty này trượt nhẹ. Nhưng ít ai để ý rằng cổ phiếu của Nokia (trụ sở Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển), những đối thủ cạnh tranh công nghệ 5G với Huawei, lại tăng lên.

So với Huawei, hạ tầng do Nokia và Ericsson cung cấp có giá thành cao hơn, nhưng có vẻ các công ty châu Âu lại ít bị dè chừng hơn xét về nguy cơ an ninh.

Mối liên hệ giữa Huawei và câu chuyện ngoại giao Mỹ - châu Âu được Atlantic Council, một cơ quan nghiên cứu trụ sở ở Washington (Mỹ), khơi lên hôm 16-5. Atlantic Council "nhấn nhá" một ý rằng châu Âu cần có một cách tiếp cận chung đối với vấn đề an ninh mà Huawei mang lại.

Xét rộng hơn, đó cũng là điểm nhạy cảm trong cục diện quan hệ quốc tế. Mỹ vẫn kêu gọi các đồng minh châu Âu tẩy chay Huawei, nhưng điều này chỉ đặt lục địa già vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Bản thân các nước phát triển tại châu Âu vừa lao vào một cuộc đua 5G điên cuồng, vừa khó cưỡng nổi mức giá hợp lý mà Huawei cung cấp, cũng như yếu tố đầu tư - thương mại với Trung Quốc. Song song đó, lãnh đạo các quốc gia châu Âu cũng không thể thẳng thừng từ chối Mỹ.

Trong động thái mới nhất, báo Đức Deutsche Welle đưa tin lãnh đạo Đức, Pháp và Hà Lan tuyên bố không tẩy chay Huawei. Tuy nhiên, đơn cử là Đức trong cách tiếp cận với hạ tầng 5G vẫn để ngỏ khả năng khước từ các công ty không đáp ứng tiêu chuẩn an ninh quốc gia.

Tuần sau, châu Âu sẽ có cuộc bầu cử nghị viện quan trọng. Các chính trị gia Thụy Điển đang nổi bật, và chương tiếp theo trong câu chuyện Huawei - Trung Quốc sẽ được viết tiếp...

1/3

Huawei chi 1/3 ngân sách của mình, tức khoảng 11 tỉ USD, hằng năm cho việc mua linh kiện từ Mỹ. Trong số 92 nhà cung cấp của Huawei có 33 doanh nghiệp của Mỹ.

Ngăn Huawei, ông Trump chặn đường làm ăn của doanh nghiệp Mỹ? Ngăn Huawei, ông Trump chặn đường làm ăn của doanh nghiệp Mỹ?

TTO - Quyết định ngăn cản thiết bị của Huawei của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà cung cấp linh kiện Mỹ.

NHẬT ĐĂNG - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên