15/08/2009 17:00 GMT+7

Núi thơ êm ả

GIANG HẢI
GIANG HẢI

TTO - Núi Dục Thúy, hay núi Non Nước là ngọn núi nằm ngay ngã ba sông Vân Sàng với sông Đáy ở phía đông thành phố Ninh Bình, là một địa chỉ du lịch lý thú cho du khách mỗi lần có dịp về thăm Ninh Bình.

Sức hấp của Dục Thúy Sơn là đâu? Có lẽ là ở những dấu tích thời gian, bề dày văn hóa, lịch sử lung linh trong những câu chuyện kể, vẫn đang từng ngày lắng đọng.

hqzZfrOp.jpgPhóng to
Dục Thúy Sơn, dịch nghĩa ra là con chim trả xanh biếc

Nằm bên một vách núi có ngôi chùa Non Nước cổ kính, thiêng liêng, có ngôi đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu đời Trần trầm sử. Có thể nói Trương Hán Siêu là người có công đầu phát hiện và khai thác vẻ đẹp của núi Non Nước bởi chính ông đã đặt tên núi là Dục Thúy Sơn và là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ lên trên núi đá. Để rồi suốt 5,6 thế kỷ tiếp theo, biết bao tao nhân mặc khách mỗi lần về chơi non nước Ninh Bình đều nhất mực dạo chơi Dục Thúy và tiếp công việc tao nhã khắc thơ lên núi Thúy.

Này đây Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, vua Tự Đức; các danh sĩ Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Oánh, Ngô Phúc Lâm, Phạm Văn Nghị, Bùi Văn Dị, Nguyễn Hữu Tường, Phạm Bá Huyền, Phạm Huy Toại, Tản Đà... Dục Thúy Sơn đã trở thành nơi tuyển thơ có một không hai trong thiên hạ, lưu giữ những bài thơ hay trong gần bảy thế kỷ.

Theo thống kê của nhà giáo Lã Đăng Bật, một người con sinh ra và lớn lên bên dòng sông Vân, núi Thúy, trong khuôn viên rộng chưa đầy 2.000m2, qua 72 bậc đá lên đỉnh núi cao khoảng 70m, 150 bài thơ của các mặc sĩ tao nhân đã được khắc tạc. Nhiều người gọi núi Thúy là núi thơ (có lẽ là duy nhất của Việt Nam và hiếm có trên thế giới). Cho tới nay, 40 bài vẫn còn trường tồn với tuế nguyệt.

fuK3sm1y.jpgPhóng to
Thơ khắc lên đá - hồn của núi

Lại nhớ Dục Thúy Sơn của đại thi hào Nguyễn Trãi trong tập Ức trai thi tập:

“Hải Khẩu hữu tiên san; Tiền niên lũ vãng hoàn; Liên hoa phù thủy thượng; Tiên cảnh trụy trần gian; Tháp ảnh trâm thanh ngọc; Ba quang kính thúy hoàn; Hữu hoài Trương Thiếu Bảo; Bi khắc tiển hoa ban”.

(Dịch theo tác giả Khương Hữu Dụng:

"Cửa biển có non tiên; Từng qua lại mấy phen; Cảnh tiên rơi cõi tục; Mặt nước nổi hoa sen; Bóng tháp hình trâm ngọc; Gương sông ánh tóc huyền; Nhớ xưa Trương Thiếu Bảo; Bia khắc dấu rêu hoen").

Vâng, những dòng tuyệt bút là để tạc vẽ về một danh thắng của đất Ninh Bình: núi Dục Thúy.

6fSzlG2g.jpgPhóng to
Am nhỏ
OiW0hGVS.jpgPhóng to
Tìm hồn núi đá

Dục Thúy Sơn còn là một chứng nhân lịch sử, một minh chứng cho tinh thần quật cường của quân và dân ta. Ngay khi giặc Pháp chiếm Ninh Bình năm 1873, chúng đã xây dựng ngay những lôcốt, đồn, bốt để dễ dàng kiểm soát cả một vùng rộng lớn. Năm 1929, Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng quyết định tổ chức kỷ niệm trọng thể Cách mạng tháng Mười Nga. Lương Văn Tụy khi ấy mới 15 tuổi đã nhận nhiệm vụ cùng hai đồng chí cộng sản khác giả người đi câu, bí mật trèo lên đỉnh núi để treo cờ búa liềm.

Đúng 1 giờ đêm mồng 6, rạng mồng 7-11-1929, Lương Văn Tụy lên mỏm núi cao nhất giương cao ngọn cờ của Đảng với hàng chữ: "7-11-1917 - 7-11-1929 - ủng hộ Xô Nga - Xô Nga vạn tuế". Lũ giặc điên cuồng nhưng không dám gỡ cờ vì anh Tụy nhanh trí treo hai quả lựu đạn giả bằng củ chuối bôi nhọ vào cột. Sau này bị giặc phát hiện, anh Tụy bị đày ra đảo rồi mất trong một lần vượt ngục, khi đó mới 18 tuổi.

O2oNZVyD.jpgPhóng to
Tượng anh hùng Lương Văn Tụy

Trong chiến dịch Quang Trung của quân đội nhân dân Việt Nam mở năm 1951. Lúc ấy, thượng tá quân đội Giáp Văn Khương dẫn đầu một đội gồm ba đồng chí làm nhiệm vụ đột kích đồn Hồi Hạc (di tích sau này đã bị phá) rồi leo lên đỉnh núi Thúy mở đột phá khẩu. Chỉ trong một đêm mà đã phá sáu bốt địch, giết 200 tên, bắn cháy một tàu chiến. Đến khi địch phản công, lực lượng của ta chỉ còn 22 người, nhiều người trong số đó đã hi sinh.

Giáp Văn Khương đã tình nguyện ở lại chặn đường cho đồng đội rút lui. Và đến phút cuối cùng, anh đã dũng cảm nhảy từ đỉnh núi xuống sông Đáy, dạt theo những tảng lục bình thoát thân. Sau này, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi là "nhanh như sóc, mạnh như hổ"...

WkQAhG4M.jpgPhóng to
Đình nghỉ chân

Bây giờ sông Vân vẫn êm đềm như thế, Dục Thúy - núi thơ vẫn nghiêm nghị, êm ả như thế giữa cuộc sống yên bình của thành phố Ninh Bình.

Núi soi mình vào trong dòng nước, cần mẫn thường ngày, lắng đọng từng ngày những câu chuyện kể của chính mình một cách bí ấn. Và đó chính là lời gọi mời du khách viếng thăm...

GIANG HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên