03/08/2022 09:14 GMT+7

Nửa thế kỷ đi tìm và phát triển sâm Ngọc Linh

NGUYÊN BẢO
NGUYÊN BẢO

TTO - Khoảnh khắc tìm được cây sâm Ngọc Linh đầu tiên ở núi Ngọc Linh (Kon Tum - Quảng Nam) đã nửa thế kỷ. Và phát hiện này đã thay đổi đời sống của người dân không chỉ ở phạm vi bản làng mà đang trên đường xây dựng thành thương hiệu quốc gia.

Nửa thế kỷ đi tìm và phát triển sâm Ngọc Linh - Ảnh 1.

Nhân viên trạm dược liệu Trà Linh (Quảng Nam) hái trái chín của sâm Ngọc Linh để ươm trồng - Ảnh: LÊ TRUNG

Chia sẻ về hành trình đi tìm cây thuốc "bí mật" và những trăn trở phát triển nó, ông Đào Kim Long, trưởng đoàn cán bộ đi tìm cây thuốc ngày đó vẫn vẹn nguyên cảm xúc và nhiều mong ước mở lối cho sâm Ngọc Linh.

Hành trình tìm và giữ "bí mật"

Năm 1970, khi đang là giảng viên Đại học Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Khu 5) nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc cho người dân và bộ đội.

Năm 1971, dược sĩ Long cùng 13 đồng nghiệp, trong đó có 9 sinh viên mới ra trường bắt đầu hành trình đi tìm thuốc. Tháng 6-1972, tại một hội nghị dược toàn khu Trung Trung Bộ (Khu 5), trong báo cáo về tình hình dược liệu ở khu vực, ông Long đã có bài phát biểu và nhấn mạnh, theo nguyên tắc lục địa trôi, ở miền Trung muốn tìm sâm phải đến núi Ngọc Linh cao hơn 2.500m so với mặt nước biển.

Kết thúc hội nghị, Khu ủy khu 5 quyết định thành lập đoàn lên núi Ngọc Linh tìm dược liệu quý, trưởng đoàn là dược sĩ Đào Kim Long. Ban y tế tỉnh Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê dẫn đoàn.

Ông Long cho biết đoàn xuất phát vào ngày 15-10-1972 (âm lịch), trải qua rất nhiều gian nan, hiểm nguy, nhưng thật may mắn và tình cờ, đến 19-3-1973 đoàn đã phát hiện ra cây đầu tiên vào lúc 9h sáng.

"Khi đó trữ lượng sâm rất lớn, trên đường đi cũng có thể vô tình dẫm lên cây sâm Ngọc Linh. Thời điểm bấy giờ, người dân không biết công dụng, khi tìm hiểu xong tôi bắt đầu hướng dẫn cho một già làng để dùng chữa bệnh cho người dân trong làng. Khi đó tôi nhắc già làng phải giữ kín, không được nói ra vì khi ấy chiến tranh vẫn đang còn ác liệt", ông Long nói.

Trên thế giới, thời điểm phát hiện sâm Ngọc Linh, có tổng cộng 19 loài sâm, sâm quý là sâm Trung Quốc, sâm Hàn Quốc và sâm Tây Dương của Mỹ. Năm 1973, sâm Ngọc Linh được phát hiện, trở thành loài sâm thứ 20 trên thế giới.

Căn cứ vào sự phân bố của cây và di tản của cây sâm, dược sĩ Long đặt tên là sâm Ngọc Linh, tên khoa học Panax Articulatus. Sau 12 năm, quốc tế cũng đã công nhận và đổi tên là Panax vietnamensis và I.V Grushvistky.

Ngày 27-5-1973, dược sĩ Long mới về đến Khu 5, báo cáo trực tiếp với ông Võ Chí Công (Bí thư khu ủy) vào sáng hôm sau về chuyến đi vừa qua. Ông Long cũng cho biết thêm, ông phát hiện 800 loài dược liệu cùng sâm Ngọc Linh, toàn bộ tài liệu được gửi ra miền Bắc để nghiên cứu ngay sau đó.

Sự xuất hiện của sâm Ngọc Linh đã thu hút rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trong đó, các viện nghiên cứu quốc tế đều đã công nhận đây là loại sâm tốt của thế giới.

Nửa thế kỷ đi tìm và phát triển sâm Ngọc Linh - Ảnh 2.

Trên thị trường bây giờ, sâm thật sâm giả rất nhiều, các tỉnh cũng đã có tổ chức những hội nghị để tránh giả, chống giả, nhưng trên thị trường đều còn tồn tại nhiều sâm giả.

Dược sĩ Đào Kim Long

Phải trị được sâm giả

Năm 1976 giải thể Khu 5, cơ quan nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Quân khu 5 cũng giải thể, ông Long chuyển ra Hà Nội.

Hai vườn sâm ngày đó được người dân Xê Đăng giữ và phục hồi, đến năm 1995, ông Long có quay trở lại, đi cùng đoàn của Bộ Y tế cùng lãnh đạo tỉnh, lên núi Ngọc Linh để thị sát lại núi Ngọc Linh với mục đích nghiên cứu mở rộng.

Trở lại núi Ngọc Linh sau gần 20 năm, ông Long không bất ngờ khi nhiều người dân nơi đây có thu nhập đã lên tới hàng trăm tỉ, tài sản của họ có thể đến hàng nghìn cây sâm. "Tỉ phú trong núi Ngọc Linh đã rất đông", ông Long nói.

Tuy nhiên hiện nay, ông Long cũng trăn trở với vị trí quốc bảo của sâm Ngọc Linh, khi đã là sản phẩm quốc gia thì phải có một sự lãnh đạo chặt chẽ hơn để phát triển. Trong đó, song song với việc phát triển sâm Ngọc Linh thì việc xây dựng thương hiệu chống sản phẩm giả là vô cùng quan trọng và cấp thiết. 

"Tất cả người làm khoa học đều mong muốn cây sâm Ngọc Linh phát triển mạnh ở thị trường trong nước và quốc tế. Và bước đầu tiên trên con đường đó, chống hàng giả phải là ưu tiên số 1", ông Long nói thêm.

Sâm Ngọc Linh trong nghiên cứu khoa học quốc tế

Chỉ tính trong hơn 20 năm trở lại đây, sâm Ngọc Linh của Việt Nam được chọn làm đề tài nghiên cứu chính hoặc xuất hiện trong các công trình của giới khoa học và học giả trong nước và quốc tế khá thường xuyên. Trong đó, có nhiều bài báo đăng trên những tạp chí uy tín...

Các nghiên cứu đều khẳng định sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.

Tra cứu với từ khóa Panax vietnamensis trên trang tìm kiếm tài liệu học thuật Google Scholar cho đến hơn 3.700 kết quả.

Trong số này, nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất (78 lần) là "Anti-tumor-promoting Activity of Majonoside-R2 from Veitnamese Ginseng, Panax vietnamensis HA et GRUSHV" (tạm dịch: Hoạt động chống khối u của Majonoside-R2 từ sâm Ngọc Linh) của nhóm tác giả gồm 6 người Nhật và 1 cái tên Việt - Nguyen Minh Duc.

Công trình đăng trên Biological and Pharmaceutical Bulletin, tập san y khoa bình duyệt ra hằng tháng của Hiệp hội Dược Nhật Bản, năm 1998. Nhóm nghiên cứu thử nghiệm tác dụng ức chế đối với kháng nguyên sớm của virus Epstein-Barr (EBV-EA) của 7 saponin phân lập từ thân rễ và rễ của sâm Ngọc Linh.

Kết quả cho thấy, Majonoside-R2 - saponin nhóm Ocotillol chiếm hơn nửa tổng hàm lượng saponin của sâm Ngọc Linh, có tác dụng ức chế đáng kể sự hoạt hóa EBV-EA; và Majornoside-R2 có thể là một tác nhân hóa học giá trị có thể chống lại chất sinh ung thư hóa học.

Trong khi đó, nếu lọc các công trình xuất bản 1 năm trở lại đây thì Google Scholar cho 19 kết quả.

Công trình được đăng gần đây nhất (29-6-2022, trên tạp chí Natural Product Research) là "A new sesquiterpene lactone from the leaves of Panax vietnamensis Ha et Grushv. (Vietnamese ginseng)" (Tạm dịch: Chất chuyển hóa sesquiterpene lactone mới từ sâm Ngọc Linh) của nhóm tác giả Việt Nam và một nhà nghiên cứu nước ngoài - Poul Erik Hansenf (Khoa Khoa học và môi trường, Đại học Roskilde, Đan Mạch).

Sesquiterpene lactone là một nhóm sản phẩm tự nhiên quan trọng thu được từ nhiều loài cây thuốc, rất đa dạng về cấu trúc và có hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe như chống ung thư, chống viêm, kháng u, chống sốt rét, kháng vi rút, kháng khuẩn, kháng nấm...

Nhóm nghiên cứu phân lập được 5 hợp chất từ lá sâm Ngọc Linh, gồm 4 hợp chất đã biết và 1 sesquiterpene lactone mới là panaxolide. Panaxolide cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư gan HepG2 cao nhất với giá trị IC50 (Nồng độ ức chế 50% đối tượng thử) là 63,8 μM.

Nhìn chung, nội dung các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học về sâm Ngọc Linh xoay quanh đánh giá hàm lượng saponin, cũng như các đặc tính có thể hữu ích với ngành dược, chẳng hạn chống ung thư, và mỹ phẩm của các hoạt chất, hợp chất phân lập từ các bộ phận khác nhau của loại sâm này.

T.SƠN tổng hợp

Du khách thú vị xem hội thi sâm Ngọc Linh ở thủ phủ sâm Nam Trà My Du khách thú vị xem hội thi sâm Ngọc Linh ở thủ phủ sâm Nam Trà My

TTO - Những cây sâm Ngọc Linh với dáng hình, củ rễ đẹp mắt được các hộ trồng sâm ở đỉnh Ngọc Linh đem đến thi tài tại hội thi sâm Ngọc Linh.

NGUYÊN BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên