24/07/2019 09:49 GMT+7

Nữ sinh khiếm thị 'đem cả gia tài đi học' trở thành sinh viên sư phạm

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Thị lực khiếm khuyết đến 87%, Vân Như phải dùng những quyển vở khổng lồ để ghi chép. Có hôm cô 'nhét' vô cặp gần 15kg sách vở và dụng cụ học tập, bạn bè chọc cô 'đem nguyên gia tài vô trường luôn hay sao vậy?'.

Nữ sinh khiếm thị đem cả gia tài đi học trở thành sinh viên sư phạm - Ảnh 1.

Vân Như dùng kính lúp để có thể đọc sách cỡ chữ nhỏ - Ảnh: TR. NHÂN

Hai huy chương vàng môn văn kỳ thi Olympic tháng 4 TP.HCM năm lớp 10 và 11, giải nhất môn văn kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, học sinh xuất sắc nhất toàn trường với điểm trung bình 9,1... Nghị lực của nữ sinh khiếm thị Yang Vân Như (THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) khiến không ít người phải trầm trồ.

Cô nữ sinh có thị lực khiếm khuyết đến 87% này cũng vừa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo hình thức ưu tiên xét tuyển.

Những quyển tập "khổng lồ"

Trong 12 năm học phổ thông, Như chỉ học trường chuyên biệt đúng năm lớp 1, còn lại đều sinh hoạt trong môi trường hòa nhập như các bạn sáng mắt đồng trang lứa. Cũng từ năm lớp 2, Như kể, cô luôn là thành viên đặc biệt trong lớp khi lúc nào cũng "đục chấm" những quyển tập không bút mực.

Đến năm lớp 9, thấy hệ thống chữ Braille hạn chế tốc độ và các ký hiệu những môn tự nhiên, Như quyết định chuyển hẳn sang chữ sáng.

Quyển vở chữ sáng của Như cũng rất đặc biệt khi dùng loại giấy chuyên viết... chữ nổi - cứng và lớn hơn gấp 4 lần một trang vở bình thường - được gấp đôi lại và dán băng keo ở 1 đầu. Như chọn bút lông thay bút bi, bởi viết được cỡ chữ lớn hơn và đậm nét hơn để dễ theo dõi.

Nữ sinh khiếm thị đem cả gia tài đi học trở thành sinh viên sư phạm - Ảnh 2.

Những quyển vở “khổng lồ” của Vân Như - Ảnh: TR.NHÂN

"Nhiều lúc một bài học các bạn viết 2 trang nhưng tập của mình cần đến 4 tờ giấy. Bởi vậy số tập vở của mình rất nhiều, cuối năm làm kế hoạch nhỏ có khi cân được đến hơn 50kg" - Như cười.

Để chứa những quyển vở "khổng lồ", Như cũng cần một chiếc cặp cũng lớn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi cặp của các bạn khác. Có hôm cô nữ sinh này "nhét" vào bên trong gần 15kg sách vở và dụng cụ học tập. Như kể, nhiều bạn không khỏi bất ngờ và có khi đùa với Như chuyện "đem nguyên gia tài vô trường luôn hay sao vậy?".

Không chỉ sách vở khác lạ, Như còn thành thạo sử dụng một "bảo bối" hỗ trợ trong lớp học, là chiếc laptop. Như kể, trước đây cũng đã nghe nhiều lời khuyên từ bạn bè và thầy cô khiếm thị về tiện ích của laptop cho người khuyết tật thị giác, trong đó có phần mềm hỗ trợ giọng nói, nhưng Như lại cảm thấy chưa đủ can đảm để dùng trên lớp.

Còn giờ đây, Như đã là một "chuyên gia" laptop, tốc độ đánh máy đã ngang với tốc độ viết của các bạn, giúp Như ghi chép những môn phải viết nhiều, cùng Như vào những phòng thi học sinh giỏi các cấp...

"Mình dùng máy tính cho những môn phải viết nhiều như văn, sử và địa, còn những môn tự nhiên nhiều ký hiệu khó thì mình dùng máy tính, giấy và bút lông" - Như nói.

Vân Như sử dụng laptop có hỗ trợ phần mềm đọc cho người khiếm thị trong học tập - Video: TRỌNG NHÂN

Luôn "được" chấm hội đồng

"Vì sao Như mê văn chương?" - chúng tôi thắc mắc. "Học văn giúp mình hiểu con người mình hơn, qua mỗi tác phẩm mình như mở rộng suy nghĩ thêm. Đọc truyện, đọc thơ nhiều ngôn ngữ cũng đa dạng hơn, giúp mình biểu đạt được những gì mình mong muốn. Đó cũng là khả năng mà một người khiếm thị như mình rất cần" - Như chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đình Khoa - tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn An Ninh, người ôn luyện cho Như trong suốt 3 năm - cho biết những lần thi học sinh giỏi, bài thi của Như do làm trên máy tính rồi in ra nên đều "được" ưu ái lựa chọn cho hội đồng chấm mẫu. Dưới mắt "soi" của tất cả giám khảo, các bài văn của Như đều được đánh giá cao và nhiều thầy cô bảo vệ cho Như đoạt giải cao nhất.

"Có lần một giáo viên sau buổi chấm thi học sinh giỏi đã đăng Facebook bày tỏ xúc động về một bài viết truyền cảm hứng của học sinh khiếm thị, đó là bài của Vân Như" - thầy Khoa kể - "Văn của Như có chất riêng, không phải nét của một học sinh chăm chỉ học bài mà chứa nhiều tư duy và cá tính".

Ấn tượng về cô học trò, thầy Khoa - cũng là chủ nhiệm Như lớp 12 - cho biết mặc dù bất lợi hơn bạn bè, Như bao giờ cũng đi học đầy đủ và đúng giờ, bất kể mưa nắng. Hết năm học, dù được miễn thi THPT quốc gia nhưng Như vẫn đến trường ôn tập và làm bài chăm chỉ cho đến ngày cuối cùng, không hề lơ là.

"Như cũng là người rất tình cảm, có lần sinh nhật tôi, Như tự làm một tấm thiệp, dù bề ngoài cũng như những tấm thiệp khác nhưng tôi vô cùng cảm động. Hay trong lễ tri ân trưởng thành, Như không cầm giấy mà vẫn phát biểu truyền cảm làm học sinh, phụ huynh nước mắt ngắn dài" - thầy Khoa kể.

Nhà văn tương lai

Nữ sinh khiếm thị đem cả gia tài đi học trở thành sinh viên sư phạm - Ảnh 4.

Chiếc kính lúp giúp Như có thể đọc sách cỡ chữ nhỏ - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chị Huỳnh Ân Ân (Q.5, TP.HCM) - mẹ của Vân Như - chia sẻ những gì con chị đạt được hiện tại ngoài nhờ sự nỗ lực cá nhân còn có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình, thầy cô, bạn bè...

Chị cho biết khi hay tin con bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình đã tìm mọi cách chữa trị nhưng không thành công. Từ đó, gia đình cố gắng vun đắp cho Như có thể hòa nhập tốt nhất với cộng đồng xung quanh.

"Ngay từ khi mẫu giáo, tôi đã cho Như học hòa nhập, lúc đó phải năn nỉ nhiều trường lắm vì người ta cũng ngại bởi chăm sóc các học sinh như Như khá khó khăn" - chị Ân nói.

"Tôi thường nói với con rằng con chỉ yếu thị lực, còn lại con hơn các bạn khác rất nhiều, nhất là các bạn khuyết tật khác. Cả nhà ai cũng dành tình thương và giúp con có thể lớn lên, bởi vậy con phải không ngừng nỗ lực để tự lập. Tôi còn hi vọng khi lên đại học, Như sẽ gặp một vài vấp ngã để trưởng thành thêm".

Chị Huỳnh Ân Ân (mẹ của Vân Như)

Với việc trúng tuyển vào khoa sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo hình thức ưu tiên xét tuyển, cô gái nhỏ này ước mơ trong tương lai sẽ có cơ hội đi sâu vào nghề viết, và có thể trở thành một nhà văn trong tương lai.

"Mình sẽ cố gắng tìm thêm tài liệu của các trường ĐH khác nghiên cứu thêm và bắt đầu tập viết nhiều hơn. Bút danh chắc mình sẽ đặt là Bạch Vân, tại mình hâm mộ Nguyễn Bỉnh Khiêm (hiệu Bạch Vân am cư sĩ - PV) lắm" - Như cười.

Hỗ trợ học sinh hết mình

Thầy Tống Phước Lộc - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh - cho biết ngôi trường mình có truyền thống đào tạo học sinh khiếm thị từ lâu nên thầy cô rất biết cách hỗ trợ các em trong học tập. Với các học sinh dùng chữ nổi, giáo viên thường phải nán lại giờ chơi để nghe những học sinh này đọc lại bài để cho điểm.

Khi các học sinh khiếm thị đi thi học sinh giỏi, nhà trường thường làm công văn đến Sở GD-ĐT và hội đồng thi cho phép các em có thể làm bài bằng máy tính hoặc có những hỗ trợ đặc biệt.

"Các em khiếm thị thường học rất giỏi, trong đó có nhiều người nay đã nổi tiếng. Chẳng hạn năm trước, một học sinh khiếm thị khác cũng đã giành danh hiệu học sinh xuất sắc toàn trường như Vân Như năm nay" - thầy Lộc nói.

Nữ sinh có đôi mắt hai màu được miễn phí ký túc xá 4 năm Nữ sinh có đôi mắt hai màu được miễn phí ký túc xá 4 năm

TTO - Trong số thí sinh vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Nha Trang có một nữ sinh khá đặc biệt: cô có đôi mắt hai màu, một bên màu đen, một bên màu xanh.


TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên