08/03/2020 13:00 GMT+7

Nữ biên kịch & những nỗi lòng

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Nhiều bộ phim truyền hình về đề tài gia đình Việt gần đây được khán giả yêu thích. Đóng góp vào sự thành công ấy có vai trò lớn của các nữ biên kịch.

Nữ biên kịch & những nỗi lòng - Ảnh 1.

Nhóm biên kịch phim Về nhà đi con (từ trái qua): Thủy Tiên, Thu Thủy, Khánh Hà, Thu Trang - Ảnh: NVCC

Những bộ phim được yêu thích trong năm 2019 như Tiếng sét trong mưa, Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ... đều được tạo nên từ các nữ biên kịch.

Và năm nay, khi dòng phim gia đình tiếp tục thắng thế, phim của nữ biên kịch lại chiếm sóng với hơn 90% phim đang phát: Hoa vẫn nở mùa đông của Đỗ Thị Thu Hương, Lời nguyền lúc 0 giờ của Hạ Thu, Cô gái nhà người ta của Huyền Lê, Đàn bà đã cũ của Quế Ngọc và Tiệm ăn dì ghẻ do nhóm biên kịch chủ yếu là nữ viết.

Tôi phải mất gần một năm để hoàn thành kịch bản phim Tiếng sét trong mưa. Tôi đã viết với tất cả cảm xúc chân thật, đào tới tận cùng cảm xúc yêu, hận, ghét, thương của từng nhân vật.
Biên kịch Hạ Thu

Người nữ viết cho phụ nữ

Nghề biên kịch đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung và tỉ mỉ rất cao, đây là thế mạnh của phụ nữ. Sự nhạy cảm khiến phụ nữ dễ "nhập vai". Thêm nữa, khán giả xem phim truyền hình đa số là nữ, kịch bản của nữ biên kịch vì vậy dễ tìm được sự đồng cảm. 

Nhưng cái khó của phụ nữ cầm bút, theo thú nhận của biên kịch Thu Thủy - trưởng nhóm viết Về nhà đi con: "Trong câu chuyện của chúng tôi luôn có sự song hành của những người đàn ông. Đó chưa chắc là phần tâm lý mà chúng tôi tự tin. Tuy nhiên, xét cho cùng, biên kịch là công việc mà ta đặt mình vào câu chuyện và vị trí của tất cả mọi đối tượng, không phân biệt giới tính hay độ tuổi, hoàn cảnh và tính cách... nên vấn đề không lớn lắm".

Còn biên kịch "đắt sô" ở miền Nam Hạ Thu cho biết: "Với thể loại phim hình sự, chính luận, nam biên kịch có lợi thế hơn".

Một vướng mắc của người viết nữ là hay vướng bận chuyện gia đình, khó làm việc xuyên thời gian. Biên kịch Hoàng Anh của Gạo nếp gạo tẻ kể: "Tôi có một chị bạn biên kịch đã có gia đình, đợt đó mẹ chồng chị ấy lên chơi ngay thời điểm chị ấy đang bị dính hạn cuối nộp kịch bản, phải đóng cửa viết ngày viết đêm, thế là mẹ chồng giận, cho là con dâu coi thường vì lên chơi mà con dâu không tiếp đón, đoái hoài".

Biên kịch Mỹ Hà - tác giả của Đánh cắp giấc mơ, bộ phim có rating khá tốt và lọt vào top phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 - cười bảo: "Tôi đang bám ghế thật sát (ngồi ghế viết kịch bản) vì bị dí hai kịch bản đang đi vào khâu cuối". 

Hay như biên kịch Tăng Quách Quỳnh Lam - tác giả của Hôn nhân trong ngõ hẹp, Những khúc sông dậy sóng... - suốt ba tháng trời mỗi ngày chị chỉ ngủ ba tiếng, thời gian còn lại tập trung viết kịch bản. Cả Mỹ Hà và Quỳnh Lam đều có gia đình và con nhỏ nên càng vất vả hơn. Tuy nhiên, may mắn là cả hai đều được gia đình ủng hộ.

Viết bằng trái tim

Các nữ biên kịch bộc bạch đôi khi họ cảm thấy tủi thân vì với một bộ phim thành công, người xem hay nhắc nhiều đến diễn viên, đạo diễn, còn tác giả kịch bản dễ bị ngó lơ, quên lãng. Nếu phim dở, mọi người hay đổ trách nhiệm lên khâu đầu tiên là kịch bản. 

Cũng theo các nữ tác giả, tiếng nói của biên kịch với đạo diễn và nhà sản xuất chưa được coi trọng. Kịch bản khi tới tay nhà sản xuất hay đạo diễn thường bị chỉnh sửa rất nhiều vì lý do kinh phí hoặc vì góc nhìn của đạo diễn mà ít khi có sự bàn bạc với biên kịch.

Biên kịch Hạ Thu cho rằng kịch bản có hay cỡ nào mà không có sự đồng bộ, góp sức chung tay của các khâu khác thì không sao thành tác phẩm tốt được. "Tôi luôn muốn mình gặp được một êkip tốt và hiểu ý nhau. 

Tất cả phải hiểu, yêu từng số phận nhân vật và thông suốt đường dây kịch bản. Mọi người cùng cố gắng thì nhất định sẽ có phim chất lượng. Riêng tôi luôn cố gắng viết bằng cảm xúc thật nhất. Viết bằng trái tim thì tác phẩm sẽ đi vào trái tim người xem".

Cũng theo nghề biên kịch bằng cả trái tim, Hoàng Anh chia sẻ: "Tôi có một lý tưởng khi bước vào nghề, đó là phim truyền hình Việt Nam sẽ có một ngày sánh ngang hàng với phim truyền hình của nước ngoài. Và 10 năm qua, tôi chưa từng ngưng nỗ lực cho lý tưởng của mình. Tôi đặc biệt dành nhiều tâm huyết cho phim truyền hình vì rất thích cảm giác cả nhà nhiều thế hệ cùng ngồi xem phim".

Bốn cô gái "vàng" trong Về nhà đi con

Hình thành nên câu chuyện Về nhà đi con - bộ phim kéo đông đảo khán giả Việt ngồi lại trước màn hình - là bốn nữ biên kịch đã gắn kết với nhau gần 10 năm: Thu Thủy, Khánh Hà, Thủy Tiên và Thu Trang. Trưởng nhóm Thu Thủy cho biết: "Để tạo dựng sự gần gũi, điều đầu tiên là chất liệu kịch bản phải mang tính thực tế. Chúng tôi viết từ chính thực tế cuộc sống, từ trải nghiệm của chính mình và của những người xung quanh, từ sự quan sát, cóp nhặt đời sống quanh mình để làm chất liệu, và cố gắng xử lý chất liệu ấy sao cho hiệu quả nhất".

Biên kịch: đông đảo mà vô danh Biên kịch: đông đảo mà vô danh

TT - Gần đây, dư luận chê bai nhiều về phim truyền hình VN. Hứng chịu búa rìu nhiều nhất là giới đạo diễn, vốn được biết mặt, biết tên. Ðiều này không sai nhưng chưa đủ vì còn thiếu “một người”...

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên