12/07/2021 14:05 GMT+7

NÓNG: Từ 0h ngày 13-7, Hà Nội đóng cửa quán cà phê, quán ăn, cửa hàng cắt tóc...

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - 'Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu'.

NÓNG: Từ 0h ngày 13-7, Hà Nội đóng cửa quán cà phê, quán ăn, cửa hàng cắt tóc... - Ảnh 1.

Một quán cà phê ở Hà Nội trưa 12-7 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đó là nội dung quan trọng trong công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở Hà Nội, ban hành chiều 12-7.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu từ 0h ngày 13-7: Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Ngoài ra, chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu người dân từ TP.HCM, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ, trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, phải có giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày trước khi trở lại TP; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại TP.

"Kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào TP tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc với toàn bộ người từ các tỉnh, TP khác trở về TP, đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập", công điện nêu rõ.

Đặc biệt, từ 0h ngày 13-7, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP.HCM và các vùng dịch (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế).

"Lập tức khai báo với chính quyền địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định và giám sát việc cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn tại quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12-3-2020 của Bộ Y tế; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời", ông Chu Ngọc Anh đề nghị.

Ngoài ra, chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu siết chặt công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, chế xuất.

Công điện cũng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị nếu lơ là trong công tác phòng chống dịch, đồng thời yêu cầu lực lượng công an xử phạt nghiêm các trường hợp, tổ chức, cá nhân không đảm bảo phòng dịch.

Bí thư Hà Nội: Tạm dừng các dịch vụ vì an toàn của người dân

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thường trực Thành ủy Hà Nội đã nhất trí về chủ trương giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng và điều chỉnh cách thức, thời gian hoạt động một số dịch vụ để ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn vì an toàn của người dân.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả biện pháp tạm dừng các dịch vụ trên địa bàn. Sau khi kiểm soát được tình hình, thành phố cho phép nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân duy trì kinh doanh, buôn bán.

"Tuy nhiên, khi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tăng lên, thành phố phải yêu cầu tạm dừng và điều chỉnh cách thức, thời gian hoạt động các dịch vụ để bảo đảm phòng, chống dịch. Cách làm này đã phát huy hiệu quả và được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ", ông Dũng nói.

"Với nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao như hiện nay, đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bùng phát. Mức độ và quy mô tạm dừng hoặc đóng các dịch vụ có thể phải tăng lên cấp độ cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu.

Ngược lại, khi nào tình hình được kiểm soát, bảo đảm các điều kiện an toàn cho người dân, thành phố sẽ lại nới lỏng trở lại. Trong mọi tình huống, các biện pháp phải nhằm ưu tiên và bảo đảm hiệu quả chống dịch cao nhất và giảm thiểu thiệt hại cho người dân", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Ông Dũng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào TP và tại cụm cảng hàng không miền Bắc.

Kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành khác trở về TP, bảo đảm hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập. Tất cả phải vì mục tiêu kiểm soát dịch thật nhanh, không để dịch bùng phát.

Trước đó, ngày 24-5, UBND TP Hà Nội đã quyết định đóng tất cả các cửa hàng ăn uống, quán cà phê (chỉ được bán mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu trên địa bàn TP từ 12h trưa ngày 25-5 khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đến ngày 21-6 , UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h hằng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về), áp dụng từ 0h ngày 22-6.

Những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, liên tiếp ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Tính từ ngày 5-7 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 61 ca dương tính, trong đó có 29 ca liên quan đến chùm ca tại Công ty SEI, 9 ca liên quan đến chùm ca tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức và 23 ca liên quan đến TP.HCM.

Hà Nội có thêm 10 ca COVID-19 trong sáng 12-7 Hà Nội có thêm 10 ca COVID-19 trong sáng 12-7

TTO - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa báo cáo nhanh về 10 ca mắc COVID-19 ở TP, trong đó có 2 trường hợp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và 8 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh về từ TP.HCM.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên