09/06/2022 08:27 GMT+7

Nông sản sạch không thiếu đầu ra

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn GlobalGAP; đẩy mạnh liên kết, quản chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tích cực đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu…, nông sản sẽ không thiếu đầu ra.

Nông sản sạch không thiếu đầu ra - Ảnh 1.

Chuối được trồng tại tỉnh Gia Lai theo tiêu chuẩn GlobalGAP mang lại lợi nhuận cao - Ảnh: A.LỘC

Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại diễn đàn Kết nối nông sản 970, do Bộ NN&PTNT tổ chức trực tuyến ngày 8-6, với chủ đề "Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam".

Sản xuất sạch, tăng xuất khẩu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đoàn Ngọc Có - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai - cho biết địa phương này sẽ tập trung phát triển chuối, chanh dây... trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025, diện tích chanh dây trên địa bàn sẽ khoảng 20.000ha, nâng diện tích cây ăn quả của địa phương này từ 21.500ha hiện nay lên 55.000ha vào năm 2025 và 100.000ha vào năm 2030.

"Có 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh dây, chuối, bơ và sầu riêng. Trong đó, chuối là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 - 400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân", ông Có nói và khẳng định địa phương này đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất với diện tích khoảng 9.000ha. Địa phương này cũng xây dựng các quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm để phát triển cây ăn quả một cách bền vững.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, địa phương này dự kiến sẽ xuất khẩu 40 tấn vú sữa sang Hoa Kỳ trong thời gian tới, chưa kể các loại trái cây khác cũng đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm. "Có được điểm sáng này là nhờ người dân chủ động nâng cao chất lượng, đăng ký mã số vùng trồng. Sóc Trăng cũng đã lên kế hoạch xây dựng 4 kho nông sản ở 4 vùng: trái cây, hành, lúa và thủy sản để giúp người dân bảo quản nông sản, tránh ùn ứ khi thu hoạch đồng loạt...", ông Khiêm nói.

Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng các doanh nghiệp VN nên học hỏi ở bạn bè các nước tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Chẳng hạn đối với sầu riêng, cần học cách làm hay như Thái Lan... "Các hợp tác xã, người sản xuất phải thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng. Tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết tích cực vào cuộc mới có thể thành công", bà Vy khẳng định.

Đẩy mạnh khâu chế biến

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cho rằng trái cây là loại hàng nhạy cảm vì tính chất mùa vụ, yêu cầu cao về bảo quản, thị trường lại luôn biến động nên không thể chủ quan vì giá bán nông sản cao tại Mỹ, Nhật Bản... Do đó, theo ông Toản, cần phải tăng cường các liên kết sản xuất, xác định rõ cơ cấu giá thành sản xuất nông sản, xây dựng các trung tâm logistics, liên kết các lực lượng trong hợp tác xã để giảm chi phí vật tư đầu vào...

Dẫn chứng từ câu chuyện ở Gia Lai trong việc mở rộng diện tích chanh dây, bám sát tín hiệu thị trường, tạo ra thế mạnh phát triển vùng, ông Toản cho rằng cùng với việc chuẩn hóa nông sản, cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh nhằm giúp bà con nông dân yên tâm canh tác .

"Nhiều xu hướng tiêu dùng mới như thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật, xu hướng trở về với cội nguồn, thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch... Các địa phương cần rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp", ông Toản gợi ý.

Ngoài đẩy mạnh liên kết và quản chặt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cũng đề xuất giải pháp xử lý lạnh trái cây, cụ thể là nhãn. "Đối với thị trường Nhật Bản, VN đã xuất khẩu 3 loại quả tươi. Thanh long và xoài đã được xuất khẩu bằng phương pháp xử lý hơi nước nóng. Sắp tới sẽ xuất khẩu nhãn qua Nhật Bản bằng phương pháp xử lý lạnh, đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác", ông Thiệt nói.

Trung Quốc tăng nhập khẩu chuối Việt Nam

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm. Riêng mặt hàng chuối, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn trong 5 tháng đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối VN chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.

Ông Nguyên nhận định trong thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu chuối VN, do diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư đầu vào; ảnh hưởng của dịch bệnh Panama khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh, VN có vị trí địa lý gần Trung Quốc...

"Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng VN cần cải thiện chất lượng. Trong bối cảnh không còn zero COVID, VN sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực", ông Nguyên nói.

Nông sản sạch không thiếu đầu ra - Ảnh 3.
Để tăng xuất khẩu phân bón và nông sản ra thế giới, ông Putin ra điều kiện Để tăng xuất khẩu phân bón và nông sản ra thế giới, ông Putin ra điều kiện

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Matxcơva 'sẵn sàng' giúp tìm cách xuất khẩu ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Ông cũng ra điều kiện để Nga sẵn sàng tăng xuất khẩu phân bón và các nông sản.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên