12/03/2015 10:43 GMT+7

Những tín hiệu đáng lo ngại

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT - Một nữ sinh lớp 7 ở thành phố Trà Vinh đã bị bảy học sinh (cả nam và nữ) “chửi thề, túm tóc, dùng ghế nhựa liên tục phang vào đầu” ngay trong lớp...

Nhóm nữ sinh này hung hăng đánh em P. trong khi P. bị cô lập trong góc tường lớp học - Ảnh cắt từ video clip

Báo Tuổi Trẻ (11-3-2015) lại vừa đăng một tin rất “sốc”: một nữ sinh lớp 7 ở thành phố Trà Vinh đã bị bảy học sinh (cả nam và nữ) “chửi thề, túm tóc, dùng ghế nhựa liên tục phang vào đầu” ngay trong lớp, trước giờ học buổi chiều. 

Cảnh đánh đập hung bạo này được ghi vào video clip và lan truyền trên mạng. Tình cảnh nạn nhân ra sao? Em đó hoảng loạn, gục đầu ôm mặt khóc, “máu me tùm lum tà la hết trơn”.

Đáng buồn và thật sự đáng báo động! Không hiểu tổ chức của trường THCS này thế nào mà chuyện xảy ra ầm ĩ trong một lớp như thế nhưng không có mặt bất cứ người có trách nhiệm nào, từ ban giám hiệu đến giáo viên, từ giám thị đến bảo vệ. 

Cũng không hiểu việc giáo dục đạo đức của nhà trường được thực hiện ra sao, để đến mức các em “khi vụ việc xảy ra, nhiều học sinh qua lại trong lớp, đứng ngoài cửa sổ xem nhưng không ai lên tiếng can ngăn”.

Nhiều điều “không hiểu” kể trên đã làm rõ một điều có thể hiểu được: hoạt động giáo dục ở đây có vấn đề và không còn là một cơ sở đáng tin cậy. Bài học đắt giá này đáng để cho những người có trách nhiệm nghiêm túc chấn chỉnh nhà trường và rộng hơn là một lời cảnh báo cho cả hệ thống các trường học từ THCS đến THPT.

Nói như vậy có “to chuyện” quá không? Lật giở các trang báo mấy năm gần đây, ta thấy những tin đáng buồn tương tự ngày càng nhiều dần lên: học trò đánh nhau, thầy cô đánh chửi học sinh và ngược lại học sinh đánh thầy cô ngay trên bục giảng!

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiêm trọng này cũng đã được phân tích từ lâu, chỉ có điều những người có trách nhiệm chưa quan tâm đến nơi đến chốn. Thứ nhất, chất lượng và hiệu quả của việc giáo dục đạo đức trong trường học còn hạn chế.

Vai trò, sự chỉ đạo của ban giám hiệu, hội đồng giáo viên và các đoàn thể trong trường có ý nghĩa tích cực đến đâu hay còn mang nặng tính hình thức? Thứ hai, việc giáo dục tư cách đạo đức cho học sinh không thể chỉ khoán trắng cho nhà trường.

Thời gian ở nhà chiếm đến 2/3 tổng lượng thời gian của mỗi học sinh, việc chăm sóc các em ở gia đình rõ ràng có tầm quan trọng đặc biệt. Thứ ba, cũng cần lưu tâm đến tác động của xã hội. Tần số xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ngày càng đậm đặc: hiện tượng người lớn giải quyết những va vấp nhiều khi rất nhỏ cũng bằng bạo lực, kể cả bạo lực đẫm máu, xảy ra như cơm bữa.

Những mẩu tin ghê gớm đại loại như con gái đánh gãy tay mẹ già, đứa cháu 16 tuổi xin tiền ông không được đã bóp cổ và dùng máy cassette đập vào đầu ông đến chết... làm người đọc rùng mình ghê sợ. Xã hội dù về cơ bản vẫn ổn định nhưng những vụ việc như trên là những tín hiệu rất đáng lo ngại, có nguy cơ ô nhiễm, lây lan và trên thực tế đã ảnh hưởng không ít đến nhà trường.

Để cải thiện căn bản tình hình, rõ ràng cần có sự nỗ lực mạnh mẽ, đồng bộ và lâu dài của cả cộng đồng. Ngành giáo dục không thể không cải thiện căn cơ việc học và hành chương trình giáo dục đạo đức. Không thể chỉ trên lý thuyết nữa, mà đã đến lúc phải quán triệt sâu sắc quan điểm “trước khi dạy chữ phải dạy người”, trân trọng và nhân rộng những biểu hiện dù nhỏ của nếp sống đẹp và xử lý kiên quyết những hiện tượng xấu, ác, phi nhân tính.

Và như ai cũng biết, trường học không phải là ốc đảo mà là những xã hội nhỏ trong một xã hội rộng lớn. Nếu xã hội lớn ngày càng lành mạnh trong sạch, lối sống hung bạo trong một bộ phận người dân được ngăn chặn và giảm thiểu, nếp ứng xử đậm chất nhân văn được đề cao và quảng bá thì chắc chắn sẽ tác động đến nhà trường, tạo thuận lợi cho việc giáo dục thanh thiếu niên.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên