30/04/2020 09:08 GMT+7

Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ cuối: Không sợ bom đạn, chỉ sợ... học toán

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - "Ngày làm rẫy, đêm đêm giữa cánh rừng già thầy và trò lại đốt lửa, thắp đuốc ê a đánh vần, học văn, làm toán...".

Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ cuối: Không sợ bom đạn, chỉ sợ... học toán - Ảnh 1.

Bản đồ giáo dục Đắk Lắk thời chiến tranh - Ảnh: TRUNG TÂN

Nhớ lại chặng đường đầy gian khó của giáo dục cách mạng trong rừng núi thời chiến tranh, thầy Hà Ngọc Đào vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm.

Phấn viết là lát mì khô

Theo thầy Đào, có khi lớp học đang diễn ra, do tình hình chiến sự, kế hoạch đơn vị, học trò lại rời trường về đơn vị làm nhiệm vụ. Có người quay lại học tiếp, có người mãi dang dở chuyện đèn sách, hi sinh nơi chiến trường ác liệt... Tất cả các trường lớp xây dựng trong thời chiến đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng của thầy và trò. 

"Khi xây dựng Trường sư phạm và Trường bổ túc văn hóa cuối những năm 1960 đầu 1970, thầy và trò đều phải nai lưng đốn gỗ, cắt tranh làm nhà, phá rẫy tỉa bắp, trồng mì để có cái ăn", thầy Đào nhớ lại.

Thế nhưng sau khi có nhà, có rẫy, thầy trò bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch học tập. Trong nhật ký của mình, thầy Đào ghi lại một giai đoạn cơ cực của những thầy giáo mặc áo lính: "Bàn ghế là những vạt lồ ô hoặc những cây gỗ đẽo phẳng nho nhỏ. Bảng đen là những cây gỗ pơlang đẽo bằng, mài nhẵn, sau đó dùng lá lang (rau khoai lang - PV), than củi nghiền thật nhuyễn với nhau, bôi nhiều lớp. Phấn viết là những lát mì khô mịn hoặc đá trắng nhặt được ở lòng suối. Thời kỳ này bút vở rất hiếm vì phải hành quân hàng tháng trời về vùng đang bị tạm chiếm để mua và có chuyến phải đổi bằng xương máu.

Đầu những năm 1970, anh Hồ Thược (quyền trưởng Ty Giáo dục sau giải phóng, đã mất năm 1989, trưởng tiểu ban giáo dục, Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk - Hà Ngọc Đào) rất khéo tay, hay làm vật dụng tặng thầy và trò. Trưa anh không nghỉ, lúc thì gọt chuôi bút cho học trò, lúc đan bu gà (lồng nhốt gà kiểu người dân tộc tại chỗ - thầy Hà Ngọc Đào), khi bày anh em giáo viên, học viên trồng rau, chăn nuôi cải thiện đời sống. Thế nhưng trường vẫn thường xuyên rơi vào cảnh đói kém vì thường bị rải chất độc phá hoại mùa màng. Lạt muối, sốt rét là chuyện như cơm bữa và xảy ra với tất cả mọi người".

Trong hồi ký của mình, thầy Đậu Văn Thú - nguyên giáo viên Trường bổ túc văn hóa, từng làm hiệu phó Trường THPT Buôn Ma Thuột sau giải phóng - kể về những ngày giảng dạy dưới mưa bom, chất độc hóa học suốt dọc từ cánh Nam H2 (Krông Pa, Gia Lai) về cánh Bắc H5 (Cư M’Gar, Đắk Lắk) là những ngày cơ cực nhưng đầy kỷ niệm.

Thầy viết: "Lớp tôi phụ trách có khoảng 20 học viên, nhiều độ tuổi và phân thành ba trình độ lớp 1, 2 và 3. Chúng tôi bàn nhau phân lại trình độ cho học viên, tôi dạy lớp 3. Thế nhưng việc dạy cũng hết sức khó khăn, nhất là cho các học viên người Ê Đê, M’Nông. Tiếng là những cán bộ cơ sở này đã học đến lớp 3 nhưng chưa đọc thông viết thạo, phải dạy lại từ đầu. Có người đang học dở phải về đơn vị, khi hết chiến dịch trở lại thì... quên hết chữ đã học".

Trong nhật ký thầy Thú còn có đoạn: "Tuy vậy, hầu hết các học viên đều sợ học môn toán, nhất là các phép nhân, chia từ số 100, 200. Tôi theo kèm chặt các anh Y Blang, Ama Ôi, Ama Tú (người Ê Đê, là những cán bộ trong các đơn vị quân địa phương thời đó - PV) rất vất vả. Các anh bảo không sợ bom đạn, chỉ sợ làm toán thôi".

Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ cuối: Không sợ bom đạn, chỉ sợ... học toán - Ảnh 2.

Lễ tổng kết năm học 1975-1976 tại thị xã Buôn Ma Thuột sau tiếp quản - Ảnh: TRUNG TÂN chụp lại

Học để chuẩn bị ngày tiếp quản

Từ những đêm mất ăn mất ngủ của các giáo viên, những đêm vò đầu bứt tai vì học bài dưới mái trường thời chiến đã tạo ra nhiều lớp cán bộ. Nhật ký thầy giáo Thú có đoạn: "Những năm 1973, tại Trường Bổ túc văn hóa có cán bộ H4 (huyện Krông Năng, Krông Búk ngày nay) tên Ama Tư rất siêng năng học bài vào mỗi đêm, sau giờ lên lớp. Ama Tư là cán bộ huyện ủy nhưng trình độ văn hóa còn kém, nên phải lội rừng tìm cái chữ để công tác tốt hơn.

Hay như hình ảnh chị Amí Thanh, cán bộ phụ nữ H9 (Krông Bông), đã lớn tuổi, địu theo con nhỏ băng rừng đến trường hăng say theo học. Có lần cô y tá H’lem hớt hải chạy đến phòng lãnh đạo trường nói mẹ con Amí Thanh bị sốt nhưng không chịu ở nhà, nhờ lãnh đạo nói giúp. Tôi sực nhớ mình còn hộp sữa đưa từ Bắc vào chưa dùng, đem xuống lớp khuyên chị Thanh mới chịu về nghỉ".

Thầy Hà Ngọc Đào kể thêm các học viên lớp bổ túc chủ yếu là cán bộ chủ chốt các đơn vị được cử đi học nên dù lớn tuổi, các anh chị rất quyết tâm. Trong nhật ký của mình, thầy Đào kể: "Một số người lớn tuổi như chị Amí Trinh - chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh, anh Ama Sa - phó bí thư Huyện ủy Đắk Nông (lúc đó thuộc Đắk Lắk - PV), Ama Kếch - thường trực Huyện ủy M’Đrắk... vẫn chịu khó đến lớp. Các cán bộ này say mê nghe giảng với mong muốn sớm biết cái chữ để trở về đơn vị công tác tốt hơn. 

Trong trường thời ấy có khoảng 40 học viên là nhân viên của ban an ninh, hoặc người làm các dinh điền trốn thoát theo cách mạng. Có em mới thoát ly theo cách mạng, tuổi còn khá nhỏ nên sợ rắn rết, cọp beo, có em sợ cả con cuốn chiếu, có em đêm đến khóc thét vang rừng".

Trong cuốn sách giáo dục Đắk Lắk thời thắng Mỹ (NXB Văn Hóa - Thông Tin Đắk Lắk) in lần đầu tháng 11-2006 có danh sách hàng trăm giáo viên đã tham gia công tác giảng dạy tại Trường bổ túc văn hóa, Trường sư phạm cũng như ở những vùng căn cứ. Trong số các giáo viên đi B và những người được đào tạo tại chỗ rồi làm giáo viên, có nhiều người không kịp nhìn thấy ngày 30-4-1975 lịch sử.

"Họ đã để lại tuổi thanh xuân trên các bục giảng, nơi chiến trường ác liệt. Thế nhưng những trường lớp sâu trong rừng núi luôn phải đối mặt với cái đói, sốt rét rừng và những trận càn... đã đào tạo cho cách mạng Đắk Lắk một lớp cán bộ có trình độ ban đầu để công tác tiếp quản vào tháng 3-1975 ở thị xã Buôn Ma Thuột", thầy Đào nói.

Từ khoảng năm 1973, một số thầy giáo như Hà Ngọc Đào, Nguyễn Trúc được biệt phái vào thị xã Buôn Ma Thuột làm công tác dân vận, lôi kéo tầng lớp trí thức. Sau ngày cách mạng tiếp quản Buôn Ma Thuột, rất nhiều giáo chức cũ đã nhiệt tình ủng hộ chính quyền mới, quay lại giảng dạy.

Nhật ký thầy Đào có đoạn: "Sau khi tiếng súng im ắng, chúng tôi thống kê toàn tỉnh lúc bấy giờ có khoảng 100 trường, khoảng 2.000 giáo viên với 3 vạn học sinh (dân số toàn tỉnh lúc đó khoảng 36 vạn người - thầy Hà Ngọc Đào).

Ngày 22-3-1975, chúng tôi tổ chức cuộc gặp với 100 giáo chức chế độ cũ. Sau nhiều giờ trao đổi, phần lớn giáo chức ủng hộ, hứa sẽ quay lại giảng dạy ở chế độ mới. Sau hai tháng, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trường lớp đã mở lại bình thường, lớp 12 được tổ chức thi tốt nghiệp, rồi thi vào đại học...".

Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ 4: Thầy ngã xuống, trường vẫn mở Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ 4: Thầy ngã xuống, trường vẫn mở

TTO - Trong cuộc trường kỳ kháng chiến, nhiều thầy giáo đã hi sinh trên đường đi B hoặc ở chiến trường. Bao khát vọng tuổi 20 vượt Trường Sơn vào Nam đành gác lại. Nhưng thầy ngã xuống, trường vẫn mở...

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên