02/11/2017 14:34 GMT+7

Những sự cố với lãnh đạo ở APEC

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tổng thống Hàn Quốc nghe nhầm Tổng thống Bush nói về chiến tranh Triều Tiên khiến ông Bush phải nổi dóa. Rồi ông Bush từng phải can thiệp để bảo vệ cho... cận vệ của mình.

Những sự cố với lãnh đạo ở APEC - Ảnh 1.

Tổng thống George W. Bush (phải) họp báo chung với Tổng thống Roh Moo Hyun tại APEC Sydney ngày 7-9-2007 - Ảnh: AP

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 được tổ chức tại Sydney (Úc) ngày 8-9-2007. Trước hội nghị chính thức, hôm 7-9-2007, Tổng thống Mỹ George W. Bush và người đồng cấp Hàn Quốc Roh Moo Hyun đã gặp song phương bên lề hội nghị.

Sau cuộc hội đàm kín đến phần họp báo và chụp ảnh lưu niệm. Ông Bush ngồi trên ghế da cạnh ông Roh tuyên bố cuộc hội đàm diễn ra trong không khí thân ái và thẳng thắn.

Tổng thống Hàn Quốc nghe nhầm

Vấn đề tế nhị ngoại giao bắt đầu xảy ra khi đến lượt Tổng thống Hàn Quốc phát biểu. Ông Roh đã phát biểu với thời lượng dài hơn ông Bush rồi quay sang hỏi ông Bush một câu bằng tiếng Hàn.

Một thoáng lúng túng xuất hiện trong ánh mắt ông Bush khi nghe người phiên dịch dịch lại câu hỏi của ông Roh có nội dung như sau: "Tôi cho rằng tôi không nghe Tổng thống Bush đề cập đến tuyên bố mới rồi về kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Có phải ngài đã nói như thế không thưa Tổng thống?".

Từ năm 1953, hai miền Triều Tiên ngừng bắn nhưng chưa có hiệp định hòa bình nào được ký kết để chính thức kết thúc chiến tranh.

Với câu hỏi đặt ra, có vẻ như ông Roh muốn ép ông Bush phải hứa sẽ tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Bởi thế ông Bush tỏ thái độ ngạc nhiên trong khi Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cùng nhiều quan chức Mỹ khác ngồi đó đã tỏ thái độ bối rối.

Ông Bush khéo léo trả lời: "Tôi đã nói chỉ có Kim Jong Il (Chủ tịch Triều Tiên) biết chúng ta có thể hay không thể ký hiệp ước hòa bình để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Kim Jong Il phải thực sự từ bỏ vũ khí… Chính ông ấy sẽ quyết định".

Ông cứ tưởng nói thế đã rõ nhưng tổng thống Hàn Quốc lại hỏi tiếp: "Liệu ngài có thề giải thích rõ hơn thông điệp của ngài không?".

Lúc này ông Bush chuyển từ thái độ ngạc nhiên sang bực dọc: "Tôi không thể nào nói rõ hơn thế nữa thưa ngài Tổng thống… Chúng tôi nóng lòng chờ ngày chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Việc đó sẽ chỉ xảy ra khi Kim Jong Il từ bỏ chương trình vũ trang và vũ khí một cách thực sự".

Để tỏ ý cuộc nói chuyện đến đây là hết, ông Bush kết thúc bằng câu "Xin cảm ơn ngài" rồi đứng lên bắt tay ông Roh. Cả hai nhà lãnh đạo đều cười nhưng với thái độ rất gượng gạo.

Để kiểm soát tình hình, vài phút sau Nhà Trắng phát thông báo đổ lỗi cho người phiên dịch Hàn Quốc nên mới xảy ra cớ sự nêu trên.

Sau hội đàm với tổng thống Hàn Quốc, ông Bush đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp diễn ra nhẹ nhàng, sau đó hai người cùng đi với nhau rời phòng họp, bỏ lại sau lưng các quan chức và cánh báo chí.

Ngoại trưởng Condoleezza Rice muốn thoát khỏi đám đông nên giải thích bà có cuộc hẹn rồi rời đi. Nào ngờ vừa đi đến đoàn xe của phái đoàn Mỹ, bà chợt nghe có người gọi: "Condi! Condi!". Bà quay lại thì thấy ông Putin chờ sẵn để nói lời chia tay với bà.

Những sự cố với lãnh đạo ở APEC - Ảnh 2.

Thủ tướng Thái Surayud Chulanont (giữa) chứng kiến cú bắt tay thân mật giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ G.W. Bush - Ảnh: AFP

Nhân viên an ninh Chile chặn đường

Ba năm trước đó, Tổng thống George W. Bush cũng đã gây chú ý tại hội nghị cấp cao APEC lần thứ 12 tại Santiago (Chile) diễn ra trong hai ngày 20 và 21-11-2004. Trước đó theo chương trình, nước chủ nhà Chile đã tổ chức tiệc chiêu đãi chính thức.

20h tối ngày 19-11-2004, ông Bush và phu nhân Laura Bush đến Trung tâm văn hóa Estacion Mapocho dự tiệc. Tổng thống Chile Ricardo Lagos và phu nhân nghênh đón.

Sau phần chụp ảnh, bốn người bước vào phòng tiệc chiêu đãi cùng các cận vệ Chile. Lập tức các cảnh sát Chile mặc đồng phục nhanh chóng khóa đuôi. 

Người cận vệ chính của ông Bush không vào kịp liền chen tới đề nghị đi qua hàng rào cảnh sát. Hai bên xô đẩy nhau. Nhiều lời đôi co qua lại. Cận vệ của ông Bush hô to: "Các anh không thể chặn tôi lại. Tôi đi theo Tổng thống". Trong lúc hỗn loạn, nhân viên an ninh Chile đẩy một cận vệ Mỹ khác áp sát vào tường.

Vài giây sau, sau khi tiếp tục chụp ảnh, ông Bush định bước vào phòng ăn thì quay đầu nhìn thấy cảnh lộn xộn ở cửa. Ông trở ra cửa chen qua hàng rào nhân viên an ninh Chile rồi kéo vai áo người cận vệ lôi theo ông.

Những sự cố với lãnh đạo ở APEC - Ảnh 3.

Cận vệ riêng của ông Bush (giữa) bị nhân viên an ninh Chile chặn lại ngày 19-11-2004 - Ảnh: AP

Những sự cố với lãnh đạo ở APEC - Ảnh 4.

Tổng thống Bush (giữa, đưa tay) can thiệp, kéo cận vệ của ông vào - Ảnh: AP

Các nhân viên an ninh Chile quay đầu lại nhìn thấy ông Bush liền giãn ra. Ông Bush nắm lấy người cận vệ cho đến khi anh này nói: "Ngài bỏ tay ra được rồi". Ông chỉnh lại tay áo rồi vừa mỉm cười vừa nói gì đó với một quan chức.

Cơ quan mật vụ Mỹ cho biết người mà ông Bush kéo qua hàng rào an ninh Chile để đưa vào phòng tiệc là một nhân viên an ninh cấp cao và là một trong những cận vệ thân thiết của ông. Thông thường lúc nào ông cũng có hai cận vệ đi theo. Song người cận vệ bị đẩy vào tường không được vào nên đã trở ra đứng cạnh chiếc Limousine của Tổng thống.

Nguồn tin từ cơ quan mật vụ Mỹ giải thích trước vụ xô đẩy tối 19-11-2004, phía Chile đã tranh cãi về quy trình bảo vệ an ninh và muốn lãnh toàn bộ khâu bảo đảm an ninh.

Mật vụ Mỹ sau đó trách cơ quan an ninh Chile biết Tổng thống Mỹ là nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế giới đi đâu cũng mang theo đội cận vệ và họ có thể nhận diện các cận vệ Tổng thống Mỹ qua huy hiệu cài trên ve áo nhưng vẫn chặn đường.

An ninh Chile đã cố ngăn cản các cận vệ tháp tùng Tổng thống. Tổng thống đã nói các cận vệ đó cùng đi với ông và vấn đề đã được giải quyết"

Claire Buchan - người phát ngôn Nhà Trắng giải thích với báo chí, trong nỗ lực giảm nhẹ sự cố

Bắt tay trong thế không nhìn mặt

Bên lề hội nghị APEC lần thứ 22 tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 10-11-2014 lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cuộc gặp song phương này là bước đột phá nhằm hàn gắn bất đồng sâu sắc giữa hai nước về tranh chấp lãnh thổ và lịch sử.

Trước báo chí, vẻ mặt và ngôn ngữ hình thể của hai nhà lãnh đạo trong lúc bắt tay nhau có vẻ gượng gạo. Trong lúc bắt tay, ông Abe nói một từ ngắn trong khi ông Tập không nói tiếng nào, vẻ mặt không vui và ánh mắt tránh nhìn thẳng. Tuy nhiên, cuôc gặp song phương diễn ra tốt đẹp.

Những sự cố với lãnh đạo ở APEC - Ảnh 6.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe trước hội đàm bên lề APEC Bắc Kinh ngày 10-11-2014 - Ảnh: AP

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên