17/03/2004 15:32 GMT+7

Những ông Tây ở rừng Pù Mát

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Họ như những “cánh chim” trời bay qua những miền rừng nhiệt đới rồi “đậu” lại khu rừng Pù Mát. Họ đến và lặn lội trong rừng sâu, dầm mưa, đội nắng trên những vùng rẫy cháy khô... Lòng họ trải ra với đất, với cỏ cây, với thú quí...

F2h1GXTL.jpgPhóng to
Các chuyên gia nước ngoài ở rừng Pù Mát
TT - Họ như những “cánh chim” trời bay qua những miền rừng nhiệt đới rồi “đậu” lại khu rừng Pù Mát. Họ đến và lặn lội trong rừng sâu, dầm mưa, đội nắng trên những vùng rẫy cháy khô... Lòng họ trải ra với đất, với cỏ cây, với thú quí...

Gìn giữ đất

Thạc sĩ Lars-Ove Jonsson, người Thụy Điển - chuyên gia hợp phần nông nghiệp vùng cao của dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên tỉnh Nghệ An (dự án hợp tác giữa Chính phủ VN và Cộng đồng châu Âu) năm nay đã 61 tuổi nhưng “vẫn còn dư sức đi rừng thường xuyên”.

Chính ông đã dẫn tôi đi ngược suối Khe Khặng cheo leo rồi vượt lên lưng chừng vạt rẫy dựng đứng dốc thuộc phía nam vườn rừng quốc gia Pù Mát. Ông nói: “Vùng đất dốc này mới màu mỡ trở lại vài năm nay nhờ người Đan Lai đã biết trồng cây xanh phủ lên đất trống”.

Ông giơ cả hai bàn tay vạm vỡ diễn đạt ý nghĩ: “Đất tự nhiên của Pù Mát rất tốt nhưng một thời gian dài người dân thiểu số ở đây không biết sử dụng hợp lý, ngược lại gây lãng phí, làm mất hết tính bền vững của đất”.

Trải qua 30 năm làm chuyên gia bảo tồn đất khắp các vùng rừng nhiệt đới châu Á nên khi đến Pù Mát (tháng 5-2003) đặt chân vào những rẫy cây cháy đen, ông Lars khẳng định: “Người vùng cao cần lương thực để sinh sống. Vấn đề là phải giúp họ biết canh tác trên đất dốc để họ tự làm ra lương thực mà sống”.

Ông đã bỏ công sức của mình giúp người dân không để đất trống, đất phải mọc lên ngô, lạc, hoa quả, đất phải nuôi dưỡng các loại cây công nghiệp dài ngày.

Tại vùng đệm, ông Lars mê mải đi và từng tìm ra những thung lũng đất chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ phí suốt hơn 20 năm.

Để xóa sổ dứt điểm “câu chuyện buồn đốt rẫy” từ năm này qua năm khác, ông đã cùng các chuyên gia hợp phần nông nghiệp vùng cao và bốn đồng nghiệp VN thành lập một loạt “nhóm phát triển cơ bản” gồm 486 hộ gia đình của 33 thôn bản ở triền đất dốc thiếu hệ thống thủy lợi, nước tưới và chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng. Rồi ông liên tục mở lớp, làm giáo viên các đợt tập huấn từ bản lên xã, huyện, sau đó thành lập ngay một hệ thống khuyến nông cấp huyện nối liền mạng lưới khuyến nông thôn bản.

Những nhóm “phát triển cơ bản”, các nhóm nông dân và câu lạc bộ khuyến nông hoạt động càng ngày càng tạo được mối liên kết giữa cộng đồng dân cư vùng đệm với rừng nguyên sinh. Ông không dừng lại ở đó. Những ngày lặn lội trong rừng, trong thôn bản là những ngày ông luôn bận rộn: lập các vườn ươm để có cây con gửi đến cho dân; vận động nâng cấp đường giao thông nội vùng, mở thị trường vùng đệm...

Giờ đây vườn rừng quốc gia Pù Mát đã thu hút khoảng 65.000 nhân khẩu của 10.450 hộ nông dân thuộc 111 thôn bản từ 16 xã vùng đệm ba huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Đến vùng này, nhìn lên, tôi đã thấy hàng ngàn hecta rẫy đất dốc phủ một màu xanh mát.

Phục hồi rừng

32AYO9RD.jpgPhóng to
Ba chuyên gia: ông Andrew Weir - đồng giám đốc, cố vấn trưởng dự án (ngồi đối diện) cùng chuyên gia Uwe (bìa trái), nữ phiên dịch và Lars
Uwe Setje Eilers, thạc sĩ lâm nghiệp các nước nhiệt đới, trẻ hơn ông Lars đến 21 tuổi. Năm 1991 Uwe rời vị trí nghiên cứu và giảng dạy tại giảng đường Đại học Gottingen (Đức) và từng làm việc tại nhiều nước ở châu Phi, bây giờ đến Pù Mát để làm dự án “khoanh nuôi, phục hồi, trồng rừng”.

Lần đầu tiên đến Pù Mát, với Uwe là một nỗi nuối tiếc và buồn: những cây gỗ quí hiếm bị đốn hạ vô tội vạ!

Nhưng nay thì Uwe đã có niềm vui: “Tình hình khai thác gỗ quí đã giảm nhiều. Nếu trước đây mỗi năm bị khai thác khoảng 10.000m3 thì nay chỉ còn chưa đầy 1.000m3; 81.000ha rừng trong đó có 28.000ha rừng sản xuất và phòng hộ do ba lâm trường quản lý đã dần chuyển đổi từ khai thác ồ ạt sang kinh doanh chế biến lâm sản”.

Công việc của Uwe cùng đồng nghiệp là tư vấn kinh nghiệm và kỹ thuật phục hồi cây. Những nơi rừng bị khai thác cạn kiệt giờ đây đã phủ xanh loài cây keo và cây mét. Không chỉ là trồng lại rừng, bằng nỗ lực của chính ông và hỗ trợ của dự án, những nhà máy chế biến mét, keo bán thành phẩm lần lượt ra đời ngay dưới chân rừng...

Chuyên gia phát hiện thú quí

Ông là Andrew Grieser Johns, 60 tuổi, người Anh. Andrew đến Pù Mát năm 1997 với vai trò chịu trách nhiệm chính về các hoạt động bảo tồn vườn quốc gia. 38 kỹ sư VN và gần 300 khuyến viên thôn bản quen gọi ông là “chuyên gia phát hiện thú quí”.

Ngay từ khi còn chân ướt chân ráo lội vào Khe Búng thuộc địa bàn xã Môn Sơn cách ranh giới vùng đệm 20km, ông Andrew đã “ngửi thấy mùi phân lạ” và nghe được tiếng kêu “giống như tiếng sao la”. Thế là ông lao vào việc săn tìm loài thú quí ấy.

Dùng ống nhòm loại đặc chủng cũng không thấy được nó, ông nghĩ kế đặt bẫy ảnh tại một điểm có nhiều thức ăn, nơi con thú chắc chắn sẽ đi qua. Một tuần sau ông quay trở lại, chiếc bẫy ảnh đã in hình chú sao la.

Ông kể: “Đó là một chuyến đi đầy lý thú vì sau con sao la, tôi đã phát hiện một khu rừng đặc biệt với hơn 42 loài thú lớn gồm mang lớn, thỏ vằn Trường Sơn, hổ, báo gấm, voi...”. Những con thú hiếm này thường ra uống nước ở mỏ suối Khe Búng. Đó là mỏ suối nước khoáng có hàm lượng muối lớn nằm ở trung tâm giữa ngã ba rừng Cò Pạt - bản Bống - bản Còn. Từ đó trong hai năm (1998-2000) ông lập xong kế hoạch gìn giữ chúng.

Sau mỗi chuyến luồn rừng ở Pù Mát, sổ công tác của họ ken đặc những con số. Nhật ký của họ dày thêm và lòng yêu rừng, yêu con người VN nơi họ cũng dày thêm.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên