12/02/2020 14:44 GMT+7

Những ông Tây làm 'chuyện lạ' ở Việt Nam - Kỳ 1: Bà hàng phở, ông cà phê và 5 chú mắt xanh

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Kể chuyện hẻm Sài Gòn, suốt ngày lẽo đẽo chụp các cô mặc áo dài, bỏ nhiều năm để nghiên cứu món ăn Việt, đi mời mọc đám nhóc học bơi... Đó là những 'chuyện lạ' mà không lạ của nhiều người nước ngoài đang làm ở Việt Nam.

Những ông Tây làm chuyện lạ ở Việt Nam - Kỳ 1: Bà hàng phở, ông cà phê và 5 chú mắt xanh - Ảnh 1.

Patrick M. Davies (phải) trong buổi ra mắt phim hài: Thời gian mình lãng phí năm 2019 - Ảnh: NVCC

Tôi có cảm hứng viết nhân vật ông chú từ chính bố bạn gái. Bác rất thích hoạt hình Tom và Jerry. Tôi nói với bác: Đời bác đã làm nhiều nghề, đi bộ đội, làm thợ máy, chỉ một nghề bác chưa thử là đóng phim. Bác thử đi. Thế là bác ấy nói tại sao không?

Cory

Họ là nhóm 5 chàng trai đến từ nhiều quốc gia, có điểm chung là yêu thích hài hước, mê viết, sáng tạo. Gặp nhau ở Sài Gòn và thành một đội từ đầu năm 2019, họ muốn kể những chuyện người nước ngoài chưa biết về cuộc sống chân thực với nhiều màu sắc thú vị của Việt Nam.

Đông Tây pha trộn

Biết rõ kiếm sống bằng nghề diễn và phim ảnh không phải là một nghề dễ dàng dù là với người Việt bản xứ, nhưng họ vẫn nhất quyết lao vào vì thích dự án khó chứ không phải những gì dễ dàng.

Jesse Peterson, người Canada, quản lý nhóm, có thể là gương mặt quen thuộc nhất với công chúng nhưng chủ yếu là trong tư cách tác giả sách, báo. 

Các thành viên còn lại gồm Ryan Nguyen đến từ Texas, Caleb T. Jones đến từ Florida (Mỹ), Patrick M. Davies đến từ London (Anh) và Cory Jackson từ nước Úc và cũng có sự nghiệp riêng liên quan đến diễn hài, sản xuất phim...

Caleb đã có vài năm đứng trên sân khấu hài độc thoại ở Việt Nam. Hiện anh diễn khoảng 3 buổi/tuần tại các quán cà phê trong thành phố. 

Có kinh nghiệm viết kịch bản hài, diễn được với khuôn mặt, giọng nói của mình, Caleb vừa tự thể hiện và hoàn thành bộ phim hài rất ngắn của anh trong tư cách nam chính với cú lật bất ngờ ở đoạn kết. Bối cảnh là đôi vợ chồng đến Việt Nam du lịch. 

Họ có một nữ hướng dẫn viên người địa phương trong suốt hành trình. Anh chồng ra sức tán tỉnh người đẹp mới nhưng thất bại. 

Cuối cùng, khi cô vợ lên xe taxi với nữ hướng dẫn viên, người chồng lăng nhăng mới vỡ lẽ là hai chị em đã ngấm ngầm bắt tín hiệu của nhau từ những phút đầu tiên. 

Bài học cho những chàng mê gái! Đó là một trong số những bộ phim hài ngắn mà nhóm đã thực hiện để chiếu ra mắt khán giả ở Sài Gòn.

Caleb cho biết: "Tôi đang sống ở Sài Gòn nên bối cảnh phim ở thành phố quê hương thứ hai là chuyện đương nhiên. Tôi muốn tác phẩm của mình được cảm nhận bởi đa số dù khác văn hóa". 

Các tác phẩm của họ vừa là sản phẩm của cả đội trong khâu sản xuất nhưng luôn có cái riêng, đậm chất hài kiểu Anh, kiểu Mỹ hoặc Úc hoặc là sự pha trộn Tây - Việt, và đó là điều Jesse, quản lý nhóm, muốn để tự nhiên như vậy.

Khán giả của họ? Chắc chắn không chỉ là người nước ngoài sống ở Việt Nam. Tại sao lại không phải là khán giả Việt Nam khi các thành viên đều đã sống vài năm, có người sống đã 10 năm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và quan trọng nhất, có thích cuộc sống ở Việt Nam? 

Jesse cho biết: "Là một nhóm hiện toàn thành viên ngoại quốc sống ở Việt Nam, chúng tôi muốn thể hiện sự pha trộn Đông - Tây trong các dự án của mình dưới góc nhìn vui vẻ, hài hước. Đây là sự độc đáo của chúng tôi".

Chất Việt trong phim của nhóm không chỉ là đưa vào vài nhân vật người Việt cho có. 

Trong bộ phim hài ngắn Giang hồ móng tay, tác giả kịch bản Cory đã lồng những bối cảnh, tình huống thân thuộc với người Việt như cảnh cụ già ngồi xem phim hoạt hình Tom và Jerry, văn hóa lễ phép với người lớn tuổi ở Việt Nam khi hai gã đầu gấu xóm làng hùng hùng hổ hổ nhưng nhũn như chi chi khi ông chú xuất hiện quắc mắt bảo đừng làm ồn ào.

Toàn bộ nhân vật trong phim là người Việt và Cory đã hình dung ra những người Việt nào mình quen sẽ diễn tròn vai vì anh có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất phim và lựa chọn diễn viên (casting).

Những ông Tây làm chuyện lạ ở Việt Nam - Kỳ 1: Bà hàng phở, ông cà phê và 5 chú mắt xanh - Ảnh 3.

Cùng thích hài hước, sáng tạo, các chàng trai đã lập nhóm làm kịch phim pha trộn văn hóa Á - Âu - Ảnh: NVCC

Chuyện hẻm nhỏ và giò lan

Patrick sống trong phòng trọ nhỏ ở Q.1, nơi anh treo phong lan đầy hai mặt bancông. Căn phòng là xưởng vẽ, bancông là nơi anh ngồi uống trà, chơi nhạc, còn viết kịch bản thì anh có thể làm ở bất cứ đâu khi ý tưởng xuất hiện. Khán giả cũng biết anh trong tư cách là người diễn hài ở Sài Gòn.

Patrick thích thử nghiệm những ý tưởng mới trong kịch bản và thể hiện. Anh thích đưa âm nhạc vào hài của mình và không ngại bất cứ thể nghiệm nào. 

Khi biểu diễn, có khi anh sẽ đàn cho khán giả nghe một giai điệu quen thuộc như về mùa Giáng sinh cô đơn ở Sài Gòn khi người yêu đi chơi Mũi Né hay "chuyện đen" về những ông Tây thích đi du lịch châu Á để mua dâm...

Patrick thích kiểu hài thông minh, không phải hài chọc cười nên hơi khó cảm với người Việt. Gu hài của anh cũng khá riêng và đậm chất Anh. Anh cũng không giới hạn trong hài mà còn ở phim tài liệu, phim ngắn về đời sống Việt Nam. 

Nhiều buổi sáng anh rong ruổi các điểm bán lan ở Sài Gòn, đi kiếm một nhành phong lan mới. Từ sở thích cá nhân, anh muốn đi khắp Việt Nam làm phim tài liệu về nghề chơi phong lan, loài hoa mà ở nước Anh người ta không trồng được dễ dàng.

Còn Ryan Nguyen, chàng trai có cha người Việt, mẹ người Mỹ, chuyên viết kịch bản, cho biết anh rất thích lấy chất liệu từ đời sống ở Việt Nam. 

Như chương trình Táo đêm giao thừa trước đây, nhiều vấn đề gai góc được các nghệ sĩ thể hiện bằng tiếng cười, Ryan cho rằng càng là những vấn đề xã hội ai cũng quan tâm và bức xúc như giao thông, ngập nước, kẹt xe... càng là chất liệu cho sự hài hước.

Thích sống như người Việt, trong những hẻm nhỏ xôn xao có dì bán cà phê, có người bán phở hiền lành và cả những anh trai trẻ trông như giang hồ với móng tay dài, xăm trổ, Cory cho biết anh muốn kể với những người nước ngoài về chuyện trong hẻm nhỏ - một khuôn mặt của Sài Gòn và Việt Nam mà nếu chỉ đến phố Tây Bùi Viện, người nước ngoài sẽ không biết được về một "Việt Nam thực sự". 

Đơn giản như đó là sự thoải mái xóm làng với nhau khi ngồi uống cà phê ở quán này có thể gọi tô phở quán đối diện mang vào.

Năm thành viên, ai cũng có thể làm những công việc cần người nước ngoài và dễ kiếm tiền khác, nhưng họ nhất quyết chọn lối đi khó. 

Tác phẩm của họ trong cảm nhận của một số người có thể chưa có sự pha trộn mượt mà giữa gu hài Tây - Việt, nhưng họ vẫn đang giải mã tần số rung cảm của lớp khán giả mình hướng đến.

"Chúng tôi đơn giản là không thể dừng lại. Những dự án đã là bằng chứng chúng tôi có thể làm được. Bạn hãy cứ cho chúng tôi là những người rất giỏi với công việc không làm ra nhiều tiền đi, nhưng chúng tôi sẽ vẫn đi tới", Jesse hóm hỉnh.

Đam mê, biết tạo động lực cho nhau, xem nhau như gia đình, hiểu điểm mạnh, điểm yếu từng người là "keo dính" gắn kết nhóm. Mỗi người một cá tính, thậm chí ai cũng rất cá tính, "điên rồ" và say sưa với ý tưởng của mình. 

Họ phải học cách làm việc nhóm một cách nghiêm túc, tôn trọng giờ giấc, tôn trọng góp ý của người khác để tiến bộ. Điều này, may tất cả đều đồng ý như vậy...

7 năm ở VN, anh chàng người Mỹ ấy chỉ làm mỗi một nghề "dở hơi" là đứng độc thoại cho thiên hạ cười hoặc... nổi khùng.

Kỳ tới: Độc thoại ở Sài Gòn

Didier Corlou Didier Corlou 'ông Tây nước mắm'

TTO - Xem bộ phim tài liệu mới nhất của Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương mang tên Ông Tây nước mắm, nhìn Didier Corlou nâng niu những hạt muối lấy từ lu nước mắm như nâng niu hạt ngọc, đủ biết người đàn ông Pháp yêu nước mắm đến nhường nào.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ông Tây chuyện lạ