09/04/2019 10:08 GMT+7

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 2: Cây cầu của triệu tấm lòng

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Cây cầu không những mang ý nghĩa động lực cho sự bừng sáng của vùng đất bên kia sông mà còn là tiền đề để Đà Nẵng "tự tin" trong những lần chỉnh trang đô thị sau này.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 2: Cây cầu của triệu tấm lòng - Ảnh 1.

Lễ thông xe cầu quay Sông Hàn - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH LẠC

Ngay phía bờ tây cầu Sông Hàn hiện nay vẫn còn một tấm bảng bằng đá lớn ghi tên những tổ chức và cá nhân có đóng góp nhiều nhất để xây nên cây cầu hơn 100 tỉ đồng này. 

Chuyện cây cầu, khó như vậy mà Đà Nẵng đã làm được để rồi mở ra 20 năm phát triển thần kỳ như hôm nay.

Ông Nguyễn Đình An

Bài toán "đầu tiên"

Khi vừa được tách tỉnh năm 1997, một trong những nhiệm vụ hàng đầu đặt lên bàn nghị sự của chính quyền Đà Nẵng lúc bấy giờ là chính sách "quay mặt" ra biển. 

Một cây cầu nối đôi bờ sông Hàn là nhiệm vụ cấp thiết để khai phá thêm những vùng đất mới, giúp thành phố bớt "nghiêng" ở hướng tây.

Ý tưởng xây cầu qua sông Hàn vào thời điểm chỉ một năm sau ngày tách tỉnh dường như là một điều không thực tế vì quá nhiều khó khăn, nhất là kinh phí. 

Bản thiết kế của một công ty Pháp đưa ra một cây cầu có độ tĩnh không cao trị giá lên tới gần 500 tỉ đồng, trong khi ngân sách đầu tư cầu đường của ngành giao thông trên toàn quốc năm đó là... 300 tỉ. Đây tưởng chừng như là điều không tưởng. 

Nhưng chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vốn là người rất táo bạo, thích đưa ra những bài toán khó rồi đi tìm lời giải.

Theo ông Nguyễn Đình An - nguyên chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Đà Nẵng, để "giải toán", ông Thanh yêu cầu tổ thiết kế phải tìm ra những phương án ít tốn kém nhất và có kế hoạch xây dựng cầu xong sẽ tổ chức thu phí. 

Hôm trước khởi công xây cầu là hôm sau đưa ra quyết sách "Nhà nước và nhân dân cùng làm", kêu gọi đóng góp để sớm nối đôi bờ sông Hàn.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 2: Cây cầu của triệu tấm lòng - Ảnh 3.

Tấm bảng ghi danh những người có đóng góp xây cầu Sông Hàn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thời điểm chưa tách tỉnh, ông An là phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi đã ở tuổi nghỉ hưu ông được mời ra giữ nhiệm vụ ở "mặt trận" vì uy tín và sự hiểu biết bao quát về văn hóa lịch sử xứ Quảng. 

Ông nói trong đời làm việc của mình, 10 năm "làm ráng" ở "mặt trận" chính là lúc ông nhận thấy được hiệu quả và đóng góp to lớn nhất. Một cuộc vận động cấp thành phố nhưng nhận được sự hưởng ứng như thời góp gạo nuôi bộ đội ra chiến trường từ khắp nơi trên thế giới.

"Trụ sở của tôi đã bao lần đón những người buôn thúng bán bưng đến góp tiền xây cầu lần hai lần ba. Dường như với người Đà Nẵng khi đó thì đây không phải là một công trình của chính quyền. Họ đã đợi quá lâu để nhìn thấy sự đổi thay trên quê hương nên cứ người này đóng góp lại kích thích người kia thành một phong trào" - ông An nhớ lại.

Tổng số tiền thu được từ cuộc vận động là 27,5 tỉ đồng với sự chung tay của cả người ngoài Đà Nẵng như: nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; các Việt kiều; những người bạn quốc tế yêu mến Đà Nẵng... 

Ông Nguyễn Đình An cho rằng sự thành công đó là một "phép thử" lòng dân. Để rồi thành phố tự tin bước tiếp trên những chặng đường huy động sự đồng thuận mới. Cụ thể là công cuộc chỉnh trang, giải tỏa "đụng" đến gần phân nửa số hộ dân trên toàn thành phố (khoảng 98.000 hộ). 

"Đụng đến giải tỏa là đụng đến một vấn đề khó khăn thâm căn cố đế bởi ngoài tiền nong thì còn vấn đề gốc gác nguồn cội. Khó như vậy mà Đà Nẵng đã làm được để rồi mở ra 20 năm phát triển thần kỳ như hôm nay" - ông An nói.

Giải pháp cầu quay

Thời điểm xây cầu, có cảng nằm trên sông. Thuyền bè đi lại nên Đà Nẵng buộc phải tính toán một cây cầu có độ tĩnh không đủ cao để thuyền qua lại. 

Nhưng bản thiết kế của người Pháp không khả thi bởi ngoài việc tốn quá nhiều tiền, đây là cây cầu ở trung tâm thành phố, một nhịp cầu có độ tĩnh không 30m sẽ phá vỡ cảnh quan. Đó là chưa tính đến việc thời điểm ấy phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy và xe đạp nên cầu cao rất khó đi lại.

Trong muôn vàn khó khăn thời ấy, ông Dương Viết Roãn, nguyên giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng 533 (chủ nhiệm dự án cầu Sông Hàn), đã phải xách cặp đi tìm chuyên gia thiết kế ở Hà Nội để tìm giải pháp cho một cây cầu mở với chiều rộng thông thuyền 60m. 

Và phương án cầu quay được chọn vì dễ làm hơn so với phương án cầu nâng, cầu cất. 

Đội ngũ những người thiết kế đã tìm cách làm cho nhịp quay nhẹ nhất bằng kết cấu nhịp dây văng với tổng chiều dài hơn 122m.

Những nhịp cầu phát triển Đà Nẵng - Kỳ 2: Cây cầu của triệu tấm lòng - Ảnh 4.

Ông Phạm Minh Thông, người chỉ huy công trình cầu sông Hàn ngày ấy nay đã 84 tuổi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhưng lúc bấy giờ, những nhà máy lớn nhất ở nước ta cũng không có nơi nào luyện được loại thép đúng với yêu cầu chịu lực để làm cầu quay. 

Ông Phạm Minh Thông, giám đốc Công ty hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng (là đơn vị làm chủ đầu tư), cùng các chuyên gia của Bộ GTVT phải sang Trung Quốc tìm tới nhà máy của Tập đoàn Speco ở Thượng Hải. 

Đúng lúc chuẩn bị ký nhận trục thép quay để mang về lắp vào bệ quay đã xong tại Đà Nẵng thì ông Thông bất ngờ nhận được điện thoại của ông Bá Thanh đang công tác ở tỉnh Phúc Kiến yêu cầu "dừng lại".

"Tôi không thể quên được tính quyết đoán của ông Thanh. Ông yêu cầu Speco lắp toàn bộ hệ thống rồi cho quay cầu ngay trên đất Thượng Hải với đầy đủ tải trọng 1.500 tấn rồi mới ký nghiệm thu. 

Chuyên gia Trung Quốc cũng lắc đầu vì đó là nhiệm vụ bất khả thi bởi muôn vàn chi tiết từ không gian, thời gian và kỹ thuật. Nhưng cuối cùng họ phải thực hiện đúng ý ông Thanh" - ông Thông kể.

Cuộc "chạy thử" trên đất Thượng Hải, theo ông Thông, dù không phát sinh sự cố nhưng là cơ hội để kiểm đếm chi tiết đến từng cái bulông, ốc vít để sau này về Đà Nẵng lắp trơn tru hơn. 

Còn với ông Thanh, ông Thông hiểu rằng trước một công trình mà ông là người lĩnh xướng và chịu trách nhiệm thì không có quyền qua loa, đại khái. Nhất là khi ngày thông xe 29-3-2000 đã công bố với nhân dân.

Giải pháp hợp lý đến bất ngờ

Theo ông Trần Dân - phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng, phương án cầu quay Sông Hàn là giải pháp hợp lý đến không ngờ mãi cho đến ngày nay.

"Sự hợp lý là ở chỗ giá thành phải chăng, đúng nhu cầu phương tiện đi lại thời bấy giờ và nhất là người Việt có thể thi công được.

Còn sự hợp lý đến bất ngờ sau này là cây cầu quay đã trở thành một sản phẩm du lịch độc nhất vô nhị mà khách đến Đà Nẵng ai cũng háo hức chứng kiến nó quay" - ông Dân nói.

Kỳ tới: Kỷ lục nơi cửa sông Hàn

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên