21/09/2013 08:40 GMT+7

Những nhà hoạt náo 'đại tài'

TT - “Con không ăn rau đâu mẹ ơi, rau thì có gì ngon”. Mười buổi “ăn cùng con” thì hết chín buổi việc ăn rau bao giờ cũng trầy trật.

jqeDBRbl.jpgPhóng to
Chơi với con. Ảnh minh họa từ internet

Một hôm hơi bế tắc, chợt nhớ tới ông thần rau, mẹ nó đề nghị nếu than phiền rau thì phải nói nhỏ kẻo ông thần rau nghe thấy. Nó ngạc nhiên lắm. Mỗi thứ ở gần mình đều có một ông thần, mẹ nó bồi thêm nếu chúng ta chê ông thần gạo thì ổng sẽ buồn, than phiền ông thần rau thì ổng sẽ tức giận, vì những ông thần đó đã lao động mệt nhọc mới có cái cho chúng ta nào ăn, nào chơi, mà còn chê õng chê eo thì ai không buồn. Tức giận thì sao hả mẹ? Nó bị cuốn theo “vụ án”. Nếu thần rau tức giận ổng sẽ làm rau chết hết, héo queo, hết ăn, ai cũng da dẻ sần sùi còn gọi là da cóc. Hết câu chuyện thì nó cũng ăn hết chén rau rồi cũng hơi nghi ngờ: “Chuyện này thiệt không hay là mẹ dụ con?”, nhưng tâm trạng cả mẹ với con đi qua “tiết mục rau” đã thoải mái hơn nhiều.

Ông xã tôi thì có cách riêng, trong câu chuyện kể cho con luôn có nhân vật là một người nói một đàng làm một nẻo, cả chuyện cô bé quàng khăn đỏ truyền thống cũng có nhân vật này, thế là con há hốc nghe đến lúc gặp nhân vật “nghễnh ngãng” thì con lăn ra cười ngặt nghẽo, câu chuyện nào con cũng mong có nhân vật đó xuất hiện.

Năm học cũ, một hôm con tôi về nhà và tự lấy vở ra học, con khẳng định phải học chứ không muốn làm cụ già mãi mãi học lớp 1. Đó là từ câu chuyện của cô giáo chủ nhiệm Lê Minh Thanh Thảo (lớp 1B Trường Nguyễn Thái Sơn, TP.HCM), cô kể về một cụ già không chịu học bài, ngày càng già râu dài ra, lưng còng xuống mà không lên lớp được, học lớp 1 suốt đời. Con bảo ngày nào lớp học cũng “cười quá chừng”, có hôm một bạn kia đau bụng... chạy không kịp, ai cũng hết hồn nhưng cô giáo bảo không sao, cả lớp nhắm mắt lại cô tiên sẽ đến xịt dầu thơm, khi các con mở mắt ra cả lớp thơm lừng mùi nước hoa. Từ niềm vui của con, tôi nhận biết đó là một trong những cô giáo có “biệt tài’ nói chuyện với trẻ.

Để thuyết phục một đứa trẻ vui vẻ trong nhiều tình huống quả là công cuộc khó khăn mà cha mẹ thầy cô nào cũng thấu hiểu. Đứa trẻ có vẻ chỉ ”tâm phục” khi ngôn ngữ của người lớn trùng khớp với ngôn ngữ của trẻ, đó là thứ ngôn ngữ có tiếng cười và nhiều tình tiết tưởng tượng.

Nhưng ai là người có nghệ thuật nói chuyện với con hay nhất? Đôi khi tôi cũng nghĩ mình quá khô khan, không biết cách, phải giao con cho những nhà tâm lý giáo dục mới may ra, nhưng có nhiều tình huống đột nhiên mình có thể sáng tác hoặc làm điều gì đó cho con vui mà mình cũng “ngạc nhiên” về mình luôn. Ví như trên đường đi con hỏi những con người đầu tiên nhứt trên đời thì lấy cái gì để mua đồ ăn? Câu chuyện tôi “bịa đặt” việc con người từ trong rừng đem quả xuống đồng bằng đổi bánh ú, bánh tét cho nhau cứ kéo dài lê thê mấy tháng, cứ chi tiết lại “đẻ” chi tiết mà con vẫn còn chịu nghe. Những câu hỏi xảy ra cả ngày, đâu phải lúc nào cũng có sách để đọc hay thuộc chuyện cổ tích mà kể cho con được, chính lúc dành thời gian chơi với con có khi khả năng sáng tác bộc phát và tâm hồn mình tươi sáng bất ngờ.

Tôi nhận ra chính những người trực tiếp làm cha mẹ chúng ta mới tìm ra cách trò chuyện với con phù hợp nhất. Xung quanh tôi cũng có rất nhiều bạn bè dù không phải là nhà văn, nhưng khả năng kể chuyện và làm con cười không thua gì những nhà giáo dục tâm lý. Vấn đề là chúng ta tự tin lên, tin rằng mình là nhà hoạt náo đại tài của con cái, của học trò, có lúc sẽ đưa trẻ đi qua nhiều tình huống có nhiều tiếng cười, ít tiếng khóc, ít vũ lực hơn, tôi tin vậy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên