03/07/2019 14:27 GMT+7

Những người đi tìm 'hệ' âm nhạc cho riêng mình

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Làm việc suốt cả tuần, một hai ngày nghỉ luôn là thời gian quý giá cho "góc riêng" của mỗi người. Ở TP.HCM, đang có những người lao động dành khoảng rảnh rỗi hiếm hoi này để học chơi nhạc cụ dân tộc.

Những người đi tìm hệ âm nhạc cho riêng mình - Ảnh 1.

Lớp học đàn và ca ngày chủ nhật hằng tuần của thầy Thanh Tùng (thứ tư từ trái qua) - Ảnh: THU HẰNG

Đó là lớp của nghệ nhân nhân dân đờn ca tài tử Lê Khắc Tùng (Lê Thanh Tùng), nguyên phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, tại ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn.

Học nhạc sau những giờ bươn chải mưu sinh

Ở lớp học của thầy Thanh Tùng tại Hóc Môn, chuyện chị công nhân, anh thợ hồ cuối tuần được nghỉ lại tới học đàn, học ca là điều không lạ.

Mê đàn như anh Út, người Bạc Liêu lên Sài Gòn làm thợ xây kiếm sống, bận gì thì bận, chủ nhật nào cũng phải vác đàn chạy qua thầy một buổi. 

Rành cải lương từ nhỏ, bài bản nào anh Út cũng biết nhưng nhịp phách thì rất... lung tung. Bởi vậy chỉ vừa lên thành phố, anh đã lên mạng tìm kiếm thông tin và biết được địa chỉ lớp học, tới xin thầy rèn giũa thêm.

Cách đây 3 năm, khi cả nhà về quê ăn tết, trộm lẻn vào nhà trọ, lấy gì chẳng lấy, lấy mỗi cây đàn ghita làm anh buồn đứt ruột hơn mất của. 

Trước khi phải về lại Bạc Liêu do hoàn cảnh gia đình hơn một năm trước, anh Út đã chủ động tăng thêm buổi học, bởi như anh nói "về dưới ấy không dễ kiếm được thầy như ở đây".

Một vợ một con, cuộc sống tha hương với nghề phụ hồ chẳng bao giờ thư thả. Nhưng nghe tiếng ghita phím lõm tung tẩy của anh thợ hồ này, đủ biết cảnh nghèo sẽ chẳng thể làm khó được anh.

Bập bùng ghita cùng anh Út trong nhiều buổi học cuối tuần còn có anh Vũ - tài xế taxi ở Bình Dương. 

Anh tài xế này rất tội, không buổi học nào ngồi yên được từ đầu tới cuối, bởi cứ chỉ ngồi một lúc y rằng lại có khách gọi điện hỏi chuyện xe cộ. 

Nhưng mặc kệ, được chút nào hay chút ấy, anh Vũ hầu như không nghỉ học. Anh tài xế này cũng là học viên "hiện đại" nhất lớp bởi không dùng bản đàn in giấy, mà xem ảnh chụp bài bản từ iPad!

Rồi Mộng Tuyền, cô gái vóc người nhỏ bé, đến TP.HCM làm công nhân ở khu công nghiệp mãi tận xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi. Ba năm rồi, chiều chủ nhật nào Tuyền cũng lo đi học sớm vì sợ nếu đi trễ sẽ phải về muộn. Chỉ nghĩ tới chặng đường vắng vẻ hơn chục cây số buổi tối lúc về thôi là Tuyền hoảng.

Ban đầu Tuyền học ca, rồi học đàn tranh, nhưng mới đây phải chuyển sang đàn sến vì ở xóm trọ tiếng đàn tranh lớn quá sợ phiền mọi người. Đàn sến tiếng nhỏ hơn, đủ cho cô công nhân này vẫn học được sau giờ tan ca thường đã khuya muộn. 

Cô gái Cà Mau ngoài 35 tuổi vẫn mải bươn chải với các ca kíp ngày đêm, chút nhẹ nhõm thay cho gánh nặng lo toan chỉ đến trong những buổi học đàn, ca cuối tuần như thế.

Tìm được "hệ" của riêng mình

Đến với lớp học đàn của thầy Tùng có đủ mọi người ở các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Công an, giáo viên, y tá, người hưu trí, tài xế taxi, nhà báo... Dù là ai, làm gì, đến lớp học này họ đều có "vị thế" như nhau: học trò.

Bởi thế học trò biết nhau về nghề nghiệp riêng của mỗi người, nhưng lại nhớ nhau nhiều hơn ở những chi tiết đặc biệt của họ gắn liền với lớp học. 

Cô giáo Bích Thuần đã 50 tuổi, dạy ở Trường tiểu học Trần Văn Mười, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tuy mới chỉ học khoảng 2 năm nay nhưng đã chơi thành thạo tới 5 loại nhạc cụ: tranh, bầu, ghita, violon và sến.

Chị Phượng làm y tá ở Bệnh viện Gò Vấp, mười mấy năm qua, cuối tuần nào cũng đều đặn 4 tuyến xe buýt đi - về tới lớp luyện ca các bài bản của đờn ca tài tử cùng nhiều học viên chơi những nhạc cụ khác. 

Ông Ba Bình ở Bình Dương, cán bộ hưu trí đã 75 tuổi, gần 4 năm qua vẫn miệt mài tới lớp học chơi đàn tranh, kìm, ghita.

Rồi vợ chồng ông Vân - bà Liên, cả hai tuổi đã ngoài 70, cuối tuần vẫn chở nhau bằng xe máy từ Bình Dương qua Hóc Môn để ông học ghita, bà học đàn tranh. Hay Văn An - 39 tuổi, làm y tế dự phòng quận 1 - đang theo học cùng lúc sến và ghita; em Trọng Nguyễn từ chỗ không biết chút nào về ghita, chỉ sau 2 tháng đón xe buýt từ Củ Chi xuống học giờ đã đàn thành thạo được cả những bản khó như Phụng hoàng...

Người từ trên xuống, kẻ từ dưới lên, giọng nói đủ ba miền Bắc, Trung, Nam đã ngày nọ tháng kia ngồi luyện tập từng nốt rung, nốt nhấn trong khoảng sân nằm yên bình cạnh khóm tầm vông. Các lứa học trò vẫn tiếp tục nối tiếp ở đây, chỉ nối về thời gian học mà không phải nối về độ tuổi.

Bước vào lớp học ở ngõ xóm rất yên tĩnh của xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn này vào những ngày cuối tuần, hình như mỗi người đều có cảm giác như tìm được một "hệ" của riêng mình.

Thầy Thanh Tùng chia sẻ: "Những người đến lớp học của tôi dù làm ở ngành nghề, lĩnh vực nào cũng đều có chung một tình yêu với âm nhạc dân tộc và đờn ca tài tử. Có những người học để biết, có những người học để chơi, có những người học để thi tài. Với ai tôi cũng "móc ruột móc gan" mình để dạy.

Tuy nhiên, vì phần lớn đều là những người đang đi làm nên họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức của việc mưu sinh. Thường chỉ có khoảng 20% số học trò từng đến học là có thể đeo đuổi dài lâu".

Những giờ học nhạc đặc biệt của thầy giáo khiếm thị Những giờ học nhạc đặc biệt của thầy giáo khiếm thị

TTO - 'Lúc mới học với tôi, có thể có sinh viên chưa tin tưởng vào khả năng của tôi. Nhưng tôi không buồn... Tôi xác định rất rõ cách tốt nhất để trò hiểu thầy chỉ có thể là thầy phải làm thật tốt công việc của mình', thầy Vũ Công Hào chia sẻ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên